Theo BBC, vụ động đất xảy ra hôm 30/11, chấn tiêu ở độ sâu 40,9 km và cách Anchorage, thành phố lớn nhất tiểu bang Alaska, khoảng 11 km về phía Bắc. Trận động đất mạnh 7 độ đi kèm hơn 40 dư chấn lớn nhỏ, trong đó một dư chấn mạnh tới 5,8 độ và khoảng 10 dư chấn mạnh từ 5.0 trở lên được ghi nhận.
Ngay sau khi trận động đất xảy ra, cảnh báo sóng thần đã được kích hoạt tại Cook Inlet và bán đảo Kenai, các vùng bờ biển phía Nam bang Alaska. Tuy nhiên cảnh báo sóng thần đã được thu lại sau đó.
Đường xá vỡ nát sau trận động đất mạnh 7 độ tại Alaska. Ảnh: Reuters. |
Khoảng 300.000 người được ước tính sống tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của trận động đất. Ít nhất 10.000 người được cho là đang sống trong cảnh mất điện. Tuy nhiên, chưa có báo cáo chính thức về con số thương vong sau trận động đất.
Thống đốc bang Alaska Bill Walker đã ban bố tình trạng thảm họa. Nhà chức trách đã ghi nhận báo cáo về các vụ sập cầu và đường xá bị hủy hoại sau trận động đất. Người dân được khuyến cáo nhanh chóng thông báo tình trạng bản thân bằng mạng xã hội hoặc tin nhắn.
Hình ảnh ghi nhận trên mạng xã hội cho thấy trận động đất đã khiến nhiều tuyến đường cao tốc vỡ nát, một số công trình kiến trúc đổ sập.
Trụ sở hãng thông tấn KTVA bị hư hại nghiêm trọng sau vụ động đất. Ảnh: CBS. |
Giao thông đường bộ, đường sắt và một phần đường không đã bị gián đoạn. Nhà chức trách lo ngại trận động đất có thể gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa do thành phố Anchorage, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, là trung tâm phân phối hàng hóa cho toàn bang Alaska.
"Anchorage là trung tâm tiếp nhận hàng hóa được chuyển tới Alaska, khoảng 85% hàng hóa, bánh mì, sữa, dụng cụ gia đình", Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski nói, cho biết bà lo lắng trước tình trạng hiện tại.
Bang Alaska nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, vì vậy dễ có nguy cơ hứng chịu các trận động đất. Năm 1964, một trận động đất mạnh 9,2 độ xảy ra tại phía Nam bang Alaska khiến 143 người thiệt mạng, phá hủy nặng nề các khu vực dân cư.
Trận động đất xảy ra gần thành phố Anchorage, miền Nam bang Alaska. Đồ họa: BBC. |