Ngày 12/12, đơn vị thi công tiếp tục thực hiện việc đóng cọc sắt tại các điểm xung yếu, bị hư hỏng ở bờ kè bao quanh khu Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị). Phương án này được Ban quản lý di tích tỉnh Quảng Trị áp dụng sau khi mưa lớn gây sạt lở gần 100 m bờ kè khu di tích nổi tiếng.
Đơn vị thi công đóng cọc sắt xuống điểm bờ kè bị sạt lở. Ảnh: H.T. |
Việc thi công đóng cọc sắt được thực hiện từ chiều 11/12. Ban quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị thống kê sau trận mưa lớn trong hai ngày 8-9/12, có gần 100 m bờ kè di tích bị sạt lở, đoạn nặng nhất lở sâu gần 2 m.
Ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Quảng Trị, cho biết phương án đóng cọc sắt được áp dụng nhằm ngăn bờ kè không tiếp tục sụp đổ, khắc phục tạm thời.
Khoảng 30 cọc sắt chữ I, dài 6 m sẽ được cắm sâu xuống nền đất sát bờ kè. Những vị trí chọn đóng cọc nằm ở hai đầu của điểm sạt lở và kéo dài ra các điểm xung yếu.
Cơ quan quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị cũng ghi nhận bờ kè di tích này đang xuất hiện thêm nhiều điểm nứt vỡ, nghiêng, có nguy cơ đổ sập ở vị trí sạt lở thuộc đường Hai Bà Trưng, thị xã quảng Trị.
Đoạn bờ kè bị sạt lở nặng nhất sau đợt mưa lớn. Ảnh: Đ.Đ. |
Sau khi đóng cọc sắt, Ban quản lý di tích tỉnh Quảng Trị cho tiến hành nạo vét đất cát, gạch đã bị sạt xuống hồ, căng dây để đảm bảo an toàn và mỹ quan.
Cơ quan quản lý di tích tỉnh Quảng Trị cũng lên kế hoạch xây dựng lại hệ thống bờ kè để đảm bảo an toàn và phù hợp với mục đích sử dụng.
Hệ thống bờ kè bao quanh di tích Thành cổ Quảng Trị được đưa vào sử dụng từ năm 2004, đến nay có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều điểm kè đã bị sạt lở trong mùa mưa các năm trước.
Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Google Maps. |