Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Donald Trump có thực sự muốn làm tổng thống Mỹ?

Cuộc tranh cử tổng thống của tỷ phú Trump ngay từ đầu đã giống như một trò đùa, khiến nhiều người nghi ngờ liệu ông có thực sự muốn trở thành tổng thống.

Trump: Tôi chỉ nói còn Bill Clinton lạm dụng phụ nữ
00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Video sẽ chạy sau3
Trump: Tôi chỉ nói còn Bill Clinton lạm dụng phụ nữ Ông Donald Trump chĩa mũi dùi về những hành động của chồng bà Hillary Clinton trong quá khứ nhằm công kích đối thủ trong cuộc tranh luận được coi là "bẩn thỉu" và "xấu xí".

Phần lớn những người theo dõi sát sao về Donald Trump trong năm qua đều nhận thấy vị tỷ phú có vẻ như không quá nghiêm túc về chiến dịch tranh cử của mình. Nghi ngờ về việc Trump thật sự muốn trở thành ông chủ Nhà Trắng ngày một tăng thêm với những phát ngôn gây tranh cãi của ông trong suốt chiến dịch tranh cử.

Nếu Trump thực sự muốn “phục vụ” người dân Mỹ thì ông dường như đang làm sai cách.

Thay đổi luật chơi

Khi Trump bắt đầu chiến dịch của mình, ông đã bị gạt ra ngoài như một kẻ thiếu nghiêm túc. Trump không làm bất cứ việc gì mà một người đứng đầu chiến dịch tranh cử tổng thống đáng lẽ “phải” làm.

Ông không thuê một đội quân cố vấn và thăm dò dư luận, không chi nhiều tiền cho quảng cáo trên truyền hình, thậm chí còn không cẩn trọng khi sử dụng ngôn từ để làm hài lòng một nhóm cử tri mà không làm mất lòng các nhóm khác.

Làm trái tất cả những chỉ dẫn vốn có trong chính trị, Trump lại giành phần thắng. Ông không những thay đổi luật chơi, điều không ai ngờ tới, mà còn khiến các ứng viên khác tự hỏi tại sao họ lại phải chi nhiều tiền cho chuyên gia tư vấn và nhân viên thăm dò dư luận đến vậy.

Khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" trong chiến dịch tranh cử của Trump được nhiều người ưa thích. Ảnh: Pinterest.
Khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" trong chiến dịch tranh cử của Trump được nhiều người ưa thích. Ảnh: Pinterest.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ, Trump một lần nữa từ chối tuân theo luật chơi thông thường. Khi có điều gì xảy ra, ông nói thẳng suy nghĩ của mình mà không cần để ý tới thái độ của nhóm cử tri tiềm năng. Điều này khiến những phát ngôn của Trump có lúc được ủng hộ nhiệt liệt, có lúc lại biến thành thảm họa.

Nghi ngờ về động cơ và tư cách chạy đua vào Nhà Trắng của Trump ngày càng tăng lên cùng với những phát ngôn khó hiểu và có vẻ thiếu kiểm soát từ một ứng viên tổng thống.

Tại sao một ứng viên lại đi gây hấn với gia đình một binh sĩ Mỹ theo đạo Hồi đã hy sinh trên chiến trường Iraq? Tại sao ông ta lại gây chiến với Paul Ryan và John McCain trong khi đáng lẽ phải cố gắng đoàn kết các thành viên trong đảng Cộng hòa?

Càng vào sâu trong cuộc đua, Trump càng gây bối rối cho những chính trị gia lâu năm quen thuộc với các quy tắc, mánh khóe và cách xây dựng hình ảnh nơi chính trường.

Một ứng viên tổng thống Mỹ không nên có quan hệ quá thân mật với Jullian Assange. Một ứng viên tổng thống Mỹ cũng không nên công khai xúc phạm phụ nữ, châm chọc người khuyết tật hay chỉ trích một thẩm phán vì có tổ tiên là người Mexico.

Tỏ ra là kẻ điên rồ sẽ không khiến Trump tiến gần hơn tới 270 phiếu đại cử tri. Biểu hiện bất thường của Trump là do ông ta kém thông minh, tâm thần bất ổn, mắc bệnh ái kỷ hay đơn giản là vì non nớt về chính trị?

Thực tế, ngay từ đầu, Donald Trump đã bước vào cuộc đua như một ứng viên đặc biệt khác thường. Ông là một doanh nhân giàu có, người có mặt trong danh sách 400 tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes.

Về thương hiệu cá nhân, Trump gần như không có đối thủ (nếu không tính nhà Kardashian). Đó cũng là cách Trump kinh doanh. Ông ta là nhà tiếp thị và xây dựng thương hiệu, trong khi các doanh nhân và nhà thầu phụ khác làm những công việc nặng nhọc.

Hành động khác thường

Nhiều người nhận xét hành vi của Trump trong cuộc bầu cử năm nay bồng bột như một cậu bé mới lớn. Là một doanh nhân thành đạt, chắc chắn ông biết cách cư xử nghiêm túc để gây ấn tượng với người khác. Việc tỷ phú bất động sản không thể hiện những phẩm chất này trong cuộc đua tổng thống khiến người ta nghi ngờ liệu ông có thực sự muốn chiến thắng.

Donald Trump từng có ý định chiêu mộ John Kasich, thống đốc bang Ohio

(bên trái) làm phó tướng cho chiến dịch tranh cử của mình. Ảnh: Reuters.

Năm 1990, Trump gần như đã phá sản và buộc phải đề nghị hàng chục ngân hàng mà ông nợ 4 tỷ USD thay đổi các điều khoản cho vay và xóa một số khoản nợ của mình. Trong thỏa thuận này, Trump cho biết ông đã tập trung cao độ để đạt được mục đích hơn bất cứ điều gì ông từng làm trong đời tính đến thời điểm đó.

Theo Jonah Goldberg, biên tập viên của National Review đồng thời là thành viên Viện Doanh nghiệp Mỹ, có khá nhiều lời đồn từ các chính trị gia đảng Cộng hòa và các nhân viên đứng sau chiến dịch về mối quan tâm thực sự của Trump với vấn đề chính sách.

“Ông ấy thấy ổn khi giao lại vấn đề này cho các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội và thư ký của mình. Trump muốn làm những việc vui vẻ. Ông ấy muốn có những bài phát biểu cuốn hút và đi lại bằng máy bay xịn hơn. Ông ấy muốn có sự tôn trọng mà ông ấy sẽ nhận được khi làm tổng thống. Ông ấy không muốn làm việc nặng nhọc”, Jonah viết.

Hồi tháng 5, con trai cả của Trump, Donald Trump Jr., đã tìm đến một cố vấn cao cấp của John Kasich, thống đốc bang Ohio, người vừa rời bỏ cuộc đua tổng thống vài tuần trước đó.

Theo chuyên gia tư vấn của Kasich, Donald Jr. đã đề nghị thống đốc Ohio vị trí ứng viên phó tổng thống để cùng tranh cử với cha mình. Con trai của Trump còn gợi ý nếu đắc cử, Trump sẽ để Kasich chịu trách nhiệm về “chính sách đối nội và đối ngoại”. "Vậy Trump sẽ chịu trách nhiệm về việc gì?", vị cố vấn hỏi. "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" có lẽ là câu trả lời “phù hợp”.

Động cơ thực sự của Trump

Ngay từ những ngày đầu tranh cử, Trump đã chứng tỏ với báo giới rằng họ không cần tìm kiếm những tin tức chính trị sốt dẻo nữa vì Trump là một món quà trời ban. Ngày qua ngày, vị tỷ phú dường như liên tục chứng minh ông chỉ nhảy vào cuộc đua tổng thống để gây chú ý và xuất hiện trên tiêu đề của các bài báo.

Cha mẹ của Đại úy Humayun Khan, một binh sĩ Mỹ theo đạo Hồi đã hy sinh trên chiến trường Iraq, bị Trump chỉ trích sau bài phát biểu của họ tại Đại hội đảng Dân chủ cuối tháng 7. Ảnh: Getty.

Michael Moore, nhà làm phim tài liệu từng có dịp tiếp xúc với Trump cho rằng vị tỷ phú không thực sự muốn trở thành tổng thống Mỹ và ông ta đang phá hoại chính chiến dịch của mình để tránh khỏi phòng Bầu dục.

Theo nguồn tin nặc danh của Moore, ông Trump chỉ sử dụng chiến dịch tranh cử lần này để tăng cổ phần trong các mạng truyền hình và cũng bất ngờ với thành công đạt được.

“Trump rút cuộc cũng chỉ là một kẻ ái kỷ, và ông ta đã sớm quên mục đích của mình là giành được một thỏa thuận truyền hình béo bở”, Moore viết trên Huffington Post sau hàng loạt những phát ngôn ngông cuồng của Trump mà đạo diễn này cho là “có chủ đích”.

Nếu chỉ để gây sự chú ý thì quả thật, Trump đã đạt được thành công ngoài mong đợi. Trong 2 ứng viên, ông Trump có khoảng 10,3 triệu người theo dõi trên Twitter và khoảng 9,9 triệu lượt thích trên Facebook so với 7,7 triệu người theo dõi và 4,8 triệu lượt thích của bà Clinton.

Ngay cả những bình luận tiêu cực từ những người thù ghét cũng giúp ích khá nhiều cho chiến dịch quảng bá của ứng viên đảng Cộng hòa. Bên cạnh đó, tài khoản của Trump trên mạng xã hội thể hiện cá tính nhiều hơn so với bà Clinton với những dòng trạng thái mà dường như ứng viên đảng Dân chủ chỉ đạo người khác viết thay.

Dù động cơ chạy đua vào Nhà trắng của Trump là gì, tỷ phú bất động sản cũng đã đi đến chặng cuối của chiến dịch tranh cử. Nếu giành chiến thắng, ông sẽ không trở thành một vị tổng thống giống như Barack Obama hay George W. Bush.

Khi Trump vào được Nhà Trắng bằng cách thay đổi luật chơi trong quá trình tranh cử, ông ấy cũng sẽ thay đổi cách thức điều hành nơi này. “Đối với một số người, đó là một ý nghĩ đáng sợ. Với những người khác, điều đó cũng chẳng thể tồi tệ hơn so với tình trạng hiện tại”, nhà phân tích chính trị Scott Rasmussen bình luận. 

Bài liên quan

Tuyết Mai

Bạn có thể quan tâm