DP2 trước đây từng đầu tư 94 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Bình An (Bình An), đơn vị được giao phát triển dự án trên lô đất số 9 Lê Thánh Tông sở hữu khu đất số 9 Trần Thánh Tông (Hà Nội).
Sau này, lô đất này được biết đến với tên Zone 9 - khu ăn chơi mới nổi của Hà Nội. Thời điểm DP2 “bắt tay” với Bình An, lô đất trên chưa bị thu hồi.
Gần đây, DP2 bị INFISCO “tố” quỵt nợ tiền tỷ. INFISCO là một trong hai đơn vị ký hợp đồng kinh tế với DP2 để thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Quang Minh, Vĩnh Phúc.
Khu đất số 9 Trần Thánh Tông còn được gọi là Zone 9, điểm ăn chơi của giới trẻ Hà thành, trước đây là nhà xưởng của DP2. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Nhà máy này hoạt động năm 2014. Tuy nhiên, phải đến tháng 10/2015, DP2 và INFISCO mới có biên bản thanh lý hợp đồng. Số tiền DP2 phải thanh toán là gần 5,7 tỷ. INFISCO phản ánh từ đó đến nay DP2 liên tục lần lữa, không chịu thanh toán khoản công nợ nói trên.
Ông Lê Tiến Dũng, Tổng giám đốc DP2, xác nhận số nợ trên. Lãnh đạo này trần tình rằng đơn vị đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, DP2 vẫn sẽ cố gắng sắp xếp trả nợ cho INFISCO và có thể trả vài trăm triệu mỗi năm cho đến hết.
Như vậy, để trả hết số nợ này cho INFISCO, DP2 sẽ phải dành ra cả 10-20 năm nếu như mỗi tháng doanh nghiệp này trả vài trăm triệu đồng.
Khó khăn nhưng vẫn đầu tư tràn lan vào bất động sản
DP2 tiền thân là thành viên của Tổng công ty Dược Việt Nam. Năm 2004, công ty này được cổ phần hoá. Hiện tại, phần vốn Nhà nước đã được thoái gần hết.
Hai cổ đông tư nhân hiện nắm giữ đến hơn 86% vốn điều lệ, khoảng 200 tỷ đồng, của DP2 là Công ty cổ phần Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Sài Gòn (75% vốn) và Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Đất Việt (12,4% vốn).
Trước đó, khu đất số 9 Trần Thánh Tông là nhà xưởng của DP2. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương di dời cơ sở sản xuất khỏi nội đô, UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho lập và triển khai dự án thương mại hỗn hợp tại đây. Sau đó, lô đất bị thu hồi để mở rộng nhà tang lễ khiến cho tham vọng của cổ đông tư nhân đổ bể.
Hiện tại, DP2 vẫn còn gần 50 tỷ đồng phải thu ngắn hạn tại Bình An và một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Phát triển Việt Hiền.
Vốn điều lệ khoảng 200 tỷ đồng nhưng công ty có khá nhiều khoản đầu tư. Ngoài khoản 94 tỷ đồng vào Công ty Bình An, một khoản khác trị giá 110 tỷ được Công ty TNHH Sản xuất Nhật Minh dưới dạng hợp tác kinh doanh làm các dự án bất động sản tại Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng.
Cổ phiếu DP2 lên sàn UpCOM từ tháng 5, hiện giao dịch khoảng 14.500 đồng/cổ phiếu, giảm so với mức 40.000 đồng/cổ phiếu của những ngày tháng 6.
Liên tục thua lỗ
Vốn điều lệ của DP2 ở mức tương đối nhưng các năm qua, công ty này liên tục thua lỗ.
6 tháng đầu năm nay, DP2 lỗ sau thuế 1 tỷ đồng. Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 3,7 tỷ đồng. Trước đó, năm 2016, mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 16 tỷ đồng. Năm 2015, con số này là 21,4 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6, lỗ luỹ kế của DP2 là 8,5 tỷ đồng, ăn mòn cả vốn chủ sở hữu.
Liên quan tới công nợ với nhà thầu INFISCO, báo cáo tài chính soát xét cho thấy khoản nợ đối tác không quyết toán được khiến 155 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang ở dự án nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Quang Minh vẫn chưa được ghi nhận là tài sản cố định.
Nếu 155 tỷ đồng chi phí này được chuyển thành tài sản cố định, khoản lỗ của DP2 còn tăng hơn nữa bởi phải trích lập khấu hao.
Ông Lê Tiến Dũng cho biết thua lỗ triền miên khiến DP2 không thể tham gia vào các đợt đấu thầu thuốc quy mô lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới đầu ra. Bên cạnh đó, công ty cũng không thể vay được ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hiện tại, ngân hàng duy nhất hợp tác với DP2 là Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi nhánh Sở giao dịch 1. Dư nợ đến cuối tháng 6 của DP2 tại ngân hàng là gần 108 tỷ đồng, cho mục đích mua sắm thiết bị dự án nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Quang Minh.
Khoản vay đã hết hạn vào đầu năm 2016 và được gia hạn đến năm 2023. Lãi chậm trả, lãi phạt chậm trả nhưng chưa trả đã lên tới hơn 19 tỷ đồng.