Từ một khu nhà xưởng bị bỏ hoang trong nhiều năm, chỉ trong vòng 5–7 tháng, Zone 9 đã chuyển mình biến thành một tổ hợp nghệ thuật, giải trí đầy cá tính, thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ và giới trẻ Hà Thành. Điều gì đã giúp Zone 9 “lột xác” và nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn hóa, xã hội của năm, nếu có thể nói như vậy?
Khi nghệ thuật bắt tay với kinh doanh
Tọa lạc trên khu nhà xưởng cũ rộng hơn 11.000 m2 của xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2, khu vực này có cái tên rất Tây: Zone 9, bởi nó nằm ở số 9 phố Trần Thánh Tông. Mặt còn lại trông sang phố Nguyễn Huy Tự (Hà Nội).
Theo kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thành, một trong những người khai phá khu vực hoang tàn này: Từng có nhiều chủ đầu tư đến ngó nghiêng rồi… bỏ đi, vì ngăn cách chợ chiều của một cơ sở công nghiệp bỏ hoang cùng cái âm khí nặng nề từ nhà tang lễ gần đó. Nhưng đó lại là cơ duyên để nơi đây trở thành mảnh đất màu mỡ của nghệ thuật, khi giá thuê sàn khởi điểm chỉ ở mức 50.000 đồng cho 1m2/ tháng.
Ban đầu, Zone 9 đơn thuần là nơi nghệ sĩ, kiến trúc sư, những người yêu thích sáng taọ có “đất” để thỏa mãn tính nghệ sĩ của mình. Một trong những cú huých được coi là tạo đà cho sự phát triển “nóng” của “hợp tác xã nghệ thuật” này chính là Barbetta với mô hình linh hoạt: vừa là quán cà phê, bar và cũng là sàn biểu diễn nghệ thuật hàng đêm dành cho giới trẻ. Đến Zone 9, người thích sôi động có thể uống bia ở Barbetta, người trầm tính có cà phê Enci Library để đắm mình vào suy tưởng; Tadioto là không gian sáng tạo với các tác phẩm nghệ thuật đương đại…
Từ một khu đổ nát, các nghệ sĩ cùng bạn trẻ đã thổi hồn, tạo nên sự sống động hấp dẫn cho nơi đây, thu hút khách hàng và giới trẻ đến với Zone 9. Có lẽ chưa nơi nào người ta có thể cảm nhận được không khí sáng tạo của giới trẻ với sự hăm hở và phấn khích như ở đây. Giữa tiếng khoan cắt, đập ghi ta lãng mạn. Bên cạnh bà đồng nát (ve chai) nhếch nhác với lủng củng thùng phi, sắt vụn là cô chủ hàng hoa đang chăm chút sơn đỏ rực vuông tường cũ kĩ. Những chiếc ghế gỗ của những năm 30- 40 của thế kỷ trước kê quanh chiếc bàn gỗ chân đã cập kênh trở nên vô cùng thơ mộng cạnh vuông cửa sổ xanh cũ kỹ với những mảng tường tróc lở...
Trong một thành phố đang thiếu không gian văn hóa, không có gì là lạ khi Zone 9 trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ Hà Nội. Trong cuộc chơi này, dường như tất cả các bên đều có lợi. Kinh doanh tự gắn bó với nghệ thuật, kết nối với văn hóa, giáo dục, mở lối cho du lịch, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cư dân đô thị.Hợp tác xã nghệ thuật sẽ hồi sinh?
Vậy là chỉ trong vài tháng, Zone 9 đã mau chóng tự phát đủ các mô hình kinh doanh như quán bia, quán bar, nhà hàng Việt, Nhật, hiệu ảnh, cửa hàng thời trang, cửa hàng mỹ phẩm cao cấp, trung tâm thể hình, lớp dạy vẽ, văn phòng thiết kế kiến trúc, studio ảnh nghệ thuật, nhà riêng của các nghệ sĩ và kiến trúc sư… Thậm chí, nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật có yếu tố quốc tế cũng chon nơi đây là địa điểm tổ chức. Kết hợp tuyệt vời giữa sự xộc xệch, gồ ghề đã mang tới một khuôn mặt rất mới cho nơi đã từng được coi là bãi rác công nghiệp, hoang tàn và đổ nát. Trong một thời gian ngắn ngủi, Zone 9 đã thu hút gần 1.000 nhân công.
Trên thế giới, những “arts district” đã xuất hiện ở Los Angeles (Mỹ), Shoreditch ở London hay 789 Art Zone Bắc Kinh (Trung Quốc) với diện tích lên đến hàng trăm ngàn m2. Các nghệ sĩ tiên phong là những người đã làm hồi sinh những khu vực bỏ hoang ấy rồi hình thành nên cộng đồng nghệ sĩ.
Không gian độc đáo của một quán cà phê ở Zone 9. |
Phân tích hiện tượng Zone 9, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, đây cũng là mô hình phổ biến tương tự như nhiều “arts district” trên thế giới. Theo anh, ít người dám mạo hiểm đầu tư lớn cho các hoạt động nghệ thuật đương đại, vốn là loại hình rất ít lợi nhuận, nếu không muốn nói là không có.
Vì thế, trong một đô thị đang “vật vã” đi tìm một diện mạo hay giá trị mới, đã đến lúc Hà Nội cần có một quy hoạch chi tiết cho những dự án như Zone 9. Những mô hình như thế này là cơ hội để các nhà quản lý bày tỏ một thái độ gần gũi, thân thiện và có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Đồng tình với nhận xét này, nhạc sĩ Kim Ngọc cũng cho rằng, với việc tận dụng một không gian cũ để phát triển thành điểm văn hóa nghệ thuật, một “đặc sản văn hóa” không tìm thấy được ở các địa chỉ chính thống, Zone 9 có ý nghĩa không chỉ với giới trẻ mà với đời sống văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội nói chung.
Đang trong thời kỳ phát triển nóng thì thật không may, liên tiếp các vụ tai nạn xảy ra ở Zone 9. Đầu tiên là việc một cô gái mải mê tạo dáng đã ngã trọng thương bởi thành lan can cũ nát. Ngay sau đó là vụ cháy kinh hoàng tại một quán bar đang trong quá trình cải tạo lại, khiến 6 người thiệt mạng. Zone 9 bị đóng cửa bởi chính sự phát triển quá nóng với nhiều hành vi bột phát đã vượt quá giới hạn kiểm soát độ an toàn của khu nhà xưởng cũ.
Tại thời điểm này, Zone 9 đã buộc phải đóng cửa, song với nhiều người, đó không phải là sự kết thúc mà là khởi đầu của một hướng đi mới. Một sản phẩm ngọt ngào khi nghệ thuật bắt tay với kinh doanh. Zone 9 đóng cửa, nhưng với sự khát khao có được một môi trường sáng tạo nghệ thuật mà dung dị, gần gũi, chắc chắn khi có điều kiện thuận lợi, không gian nghệ thuật đó sẽ lại hồi sinh.