Mỹ hôm 2/3 công bố các biện pháp trừng phạt đối với 7 quan chức cấp cao của Nga, bao gồm người đứng đầu cơ quan an ninh FSB và 14 thực thể, Reuters cho biết.
Động thái được xem là thách thức trực tiếp nhất của Tổng thống Joe Biden đối với Điện Kremlin, và cho thấy khác biệt rõ ràng với người tiền nhiệm Donald Trump trong chính sách về Moscow.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết cộng đồng tình báo (Mỹ) nhận định rằng các sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) liên quan tới vụ thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexi Navalny bị đầu độc.
Chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny. Ảnh: Reuters. |
Những người bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách đen bao gồm Alexander Bortnikov, giám đốc FSB; Andrei Yarin, trưởng ban chính sách đối nội của Điện Kremlin; và hai Thứ trưởng Quốc phòng Alexei Krivoruchko và Pavel Popov.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết họ đã đưa Sergei Kiriyenko, cựu thủ tướng, hiện là phó chánh văn phòng thứ nhất của Tổng thống Putin; Alexander Kalashnikov, giám đốc Cơ quan Nhà tù Liên bang Nga; và Tổng Công tố Igor Krasnov, vào danh sách đen.
Toàn bộ tài sản của 7 người này nằm dưới quyền tài phán của Mỹ đều bị đóng băng và người dân Mỹ nói chung bị cấm giao dịch với họ. Ngoài ra, bất kỳ người nước ngoài nào cố tình "dàn xếp một giao dịch quan trọng” cho họ đều có nguy cơ bị trừng phạt.
"Chúng tôi cũng nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Nga thả ông Navalny", người phát ngôn Nhà Trắng cho biết.
Ông Navalny, 44 tuổi, ngã bệnh trên một chuyến bay ở Siberia vào tháng 8/2020 và được đưa tới Đức. Tại đây, các bác sĩ kết luận ông đã bị hạ độc bằng chất độc thần kinh. Điện Kremlin phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong vụ việc và cho biết không có bằng chứng xác thực ông bị hạ độc.
Ông Navalny bị bắt vào tháng 1 khi về nước sau thời gian điều trị tại Đức. Ông phải chịu án tù từ ngày 2/2.
Ngoài ra, 14 thực thể liên quan đến việc sản xuất tác nhân sinh học và hóa học của Nga cũng bị áp dụng các biện pháp trừng phạt. Danh sách này bao gồm 13 thực thể thương mại - 9 ở Nga, 3 ở Đức và một ở Thụy Sĩ - và một viện nghiên cứu của chính phủ Nga.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 2/3 cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt phần lớn mang tính tượng trưng đối với 4 quan chức cấp cao của Nga.
Các chuyên gia cho rằng việc cấm đi lại và đóng băng tài sản có ít tác động hơn các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên nền kinh tế Nga vào năm 2014 để đáp trả việc sáp nhập Crimea. Lý do là các quan chức Nga không có tiền trong các ngân hàng EU hoặc đi đến EU.