“Chúng tôi đang bị tiêu diệt”.
Đó là lời nói của bà mẹ Milena Meneses, 39 tuổi, sau khi đứa con trai duy nhất bị cảnh sát bắn tại một cuộc biểu tình ở thành phố Ibagué, Colombia.
Ngày 1/5, Santiago Murillo, 19 tuổi, một học sinh trung học năm cuối, đang trở về nhà. Santiago cố gắng vượt qua một cuộc biểu tình đông đúc trên khu phố nơi anh sinh sống.
Cách nhà hai dãy nhà, theo lời mẹ anh, tiếng súng vang lên và anh ngã xuống đất. Trong một đoạn video, có thể nghe thấy tiếng một nhân chứng hét lên: “Anh ổn chứ? Anh có thở được không? Thở đi! Hãy thở đi nào”.
Một người giao hàng đã bế Santiago lên xe máy và chở anh tới bệnh viện. Những tiếng kêu gào thảm thiết của mẹ Santiago đã được toàn bộ đoạn video ghi lại: “Con trai, hãy đưa mẹ đi cùng! Con trai, mẹ muốn ở bên con!”.
Santiago Murillo đã không thể qua khỏi. Ngày 2/5, cư dân của thành phố Ibagué đã tổ chức một buổi cầu nguyện phản đối chính quyền sử dụng súng đạn để đàn áp người biểu tình.
Một cảnh sát hơi cay tại cuộc biểu tình hôm 5/5 ở Colombia. Ảnh: Reuters. |
Một thiếu niên bị bắn chết sau khi đá vào một cảnh sát. Một nam thanh niên chảy máu nằm ở ngoài đường giữa tiếng kêu cứu của những người biểu tình. Cảnh sát bắn vào những người biểu tình không vũ trang. Máy bay trực thăng lao vun vút, xe tăng lăn bánh qua các khu phố, tiếng nổ vang trên đường. Một người mẹ khóc thương con trai mình.
Đây là tình cảnh xảy ra trên nhiều con phố tại Colombia, theo New York Times, nơi mà người biểu tình xuống đường nhằm biểu lộ sự giận dữ của họ với các chính sách của giới cầm quyền.
Những người Colombia biểu tình đã vấp phải sự đàn áp mạnh mẽ từ phía chính phủ. Cảnh sát quân sự đặc biệt - lực lượng thường chỉ nhằm trấn áp các tay súng khủng bố và tội phạm có tổ chức - đã được điều động.
Các cuộc đụng độ đã khiến 24 người thiệt mạng, phần lớn là người biểu tình, cùng ít nhất 87 người mất tích, theo New York Times.
Đám đông nằm dài trên một con phố ở Bogotá ngày 5/5 để phản đối sự tàn bạo của cảnh sát đối với người biểu tình. Ảnh: New York Times. |
Không chỉ là sửa đổi thuế
Ngày 15/4 vừa qua, Tổng thống Colombia Ivan Duque đề xuất một cuộc cải cách thuế nhằm hỗ trợ tái khởi động nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Mặc dù kế hoạch này sẽ giữ nguyên khoản trợ cấp tiền mặt trong đại dịch, nó làm tăng giá nhiều hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.
Kế hoạch này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ, gây nên các cuộc tuần hành trên khắp đường phố Colombia.
Ngày 28/4, những người biểu tình đã phá vỡ và tấn công hàng rào bảo vệ xung quanh Tòa nhà Quốc hội. Cuộc đụng độ khiến ít nhất 24 người thiệt mạng và hiện nay 87 người vẫn đang mất tích. Điều này càng làm trầm trọng thêm sự tức giận của người dân đối với chính quyền thủ đô Bogotá. Họ cho rằng đã từ lâu, chính quyền không còn quan tâm tới đời sống hàng ngày của người dân nữa.
Dưới sức ép của dư luận, ông Duque đã buộc phải hủy bỏ kế hoạch vào ngày 2/5. Ngày 4/5, Tổng thống Duque cho biết ông sẽ mở một cuộc đối thoại quốc gia để tìm giải pháp cho các vấn đề tài khóa và các thách thức khác.
Tuy nhiên, tình trạng bất ổn vẫn chưa nguôi ngoai. Thay vào đó, đám đông tuần hành ngày càng lớn do phẫn nộ trước phản ứng của chính phủ. Đám đông bao gồm mọi người ở mọi tầng lớp, từ giáo viên, bác sĩ, sinh viên, các nhà hoạt động xã hội lâu năm, thậm chí cả những người Colombia chưa từng xuống đường trước đây.
Ngày 4/5, tại thủ đô Bogotá, người biểu tình cho xe tải chặn các đường cao tốc chính, đốt cháy xe buýt và hơn một chục đồn cảnh sát. Họ hát vang quốc ca và hét lớn: “Những kẻ giết người”.
Nhà phân tích chuyên mục chính trị của tờ báo El Tiempo Sandra Borda cho biết phản ứng của cảnh sát và quân đội đã khiến cuộc đối thoại quốc gia xoay quanh vấn đề thỏa hiệp giữa chính phủ và người dân trở nên vô cùng khó khăn.
“Công chúng không thể ngồi xuống đối thoại vào ban ngày với một chính phủ ra tay giết họ vào ban đêm được”, bà Borda nói.
Một chiếc xe buýt bốc cháy trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình vào đêm ngày 5/5 ở Bogotá. Ảnh: New York Times. |
Tàn tro vẫn âm ỉ cháy
Các cuộc biểu tình này là một phần tiếp nối làn sóng bất ổn, biểu tình và bạo loạn khó kiểm soát tại Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador, Peru, Nicaragua và nhiều quốc gia khác ở khu vực Mỹ Latin vào cuối năm 2019. Mỗi quốc gia có lý do để đứng lên biểu tình, song họ đều có mang một điểm chung.
Mayra Lemus, một giáo viên 28 tuổi nhấn mạnh: “Chúng tôi ra đường không phải chỉ vì cải cách thuế. Chúng tôi bất bình với nạn tham nhũng, bất bình đẳng và nghèo đói trong xã hội. Người trẻ chúng tôi cảm thấy quá mệt mỏi với điều này rồi”.
Các cuộc biểu tình bắt đầu khi người dân phản ứng với đề xuất sửa đổi thuế, nhưng ẩn sâu trong đó là sự bất bình với nghèo đói và bất bình đẳng. Ảnh: The New York Times. |
Đại dịch Covid-19 như một chất xúc tác làm bùng nổ thêm sự giận dữ. Mỹ Latin là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Nghĩa trang đầy thi thể, người bệnh chết ngay tại hành lang bệnh viện, gia đình tuyệt vọng tìm kiếm oxy cho người nhà bị nhiễm bệnh cả ngày lẫn đêm là hình ảnh quen thuộc tại Mỹ Latin vào năm 2020.
Nền kinh tế của khu vực đã giảm 7%. Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là nhóm người trẻ tuổi, đã tăng đột biến.
Tưởng rằng năm 2021 sẽ là một năm tốt đẹp hơn nhưng tình hình dịch bệnh tại đây còn trở nên kinh khủng hơn nữa. Biến chủng virus corona P.1 được tìm thấy tại Brazil với tốc độ lây lan chóng mặt đã xé toang mọi hy vọng phục hồi kinh tế khi nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm và số ca tử vong tăng nhanh từng ngày.
Trong nhiều tháng, người dân phải vật lộn để tồn tại trong bối cảnh thu nhập ngày càng giảm. Tàn tro giận dữ và thất vọng từ các cuộc biểu tình năm 2019 vẫn âm ỉ cháy chỉ đợi ngày bùng lên mạnh mẽ.
Và nó đã bùng nổ tại Colombia. Theo các chuyên gia, sự thất vọng bùng nổ này tại Colombia có thể dẫn đến tình trạng bất ổn trên khắp châu Mỹ Latin, khi mà một số quốc gia cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Các cuộc biểu tình trong quá khứ tại khu vực này đã chứng minh rằng sự bất bình có thể dễ dàng “lây lan” từ nước này qua nước khác.