Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đội trực thăng Nga hùng mạnh bậc nhất thế giới

Không quân lục quân Nga sẽ sở hữu lực lượng trực thăng hùng mạnh bậc nhất thế giới với trên 1.000 chiếc các loại, như Mi-24, Mi-28N, Ka-52.

Ngày 28/10/2013 đánh dấu tròn 65 năm ra đời của lực lượng không quân lục quân Nga. Đúng vào ngày này năm 1948, phi đội không quân đầu tiên của lục quân với toàn trực thăng đã được thành lập tại Serpukhov ở ngoại ô thủ đô Moscow, đánh dấu sự ra đời của một binh chủng mới độc lập trong quân đội Liên Xô.

Không quân lục quân Nga kỷ niệm 65 năm thành lập (28/10/1948-28/10/2013).

Ban đầu, phi đội này được gọi là không quân hỗ trợ với nhiệm vụ chính là vận chuyển hậu cần, trinh sát, hiệu chỉnh hỏa lực và bảo đảm thông tin. Cùng với quá trình phát triển, những chiếc trực thăng của phi đội dần trở thành những vũ khí lợi hại trên chiến trường.

Vào đầu những năm 1970, sau khi trực thăng Mi-24 có biệt danh “cá sấu” được đưa vào trang bị với nhiệm vụ chính là yểm trợ lục quân thì tên gọi “không quân hỗ trợ” chính thức được đổi thành “không quân lục quân”.

Trong lịch sử từ khi thành lập tới nay, không quân lục quân Liên Xô trước đây và Nga ngày nay đã tham gia hầu hết các cuộc xung đột và cuộc chiến lớn nhỏ, bảo vệ lợi ích của Nga không chỉ ở những điểm nóng trên lãnh thổ Nga, ở các nước thuộc Liên Xô cũ, mà còn ở cả nước ngoài.

Hiện tại, không quân lục quân có nhiệm vụ chính là thực thi các nhiệm vụ chiến thuật, chiến thuật-chiến lược trong các chiến dịch của lục quân. Các cuộc tập trận quy mô của Nga hiện nay không thể thiếu trực thăng vận tải, trực thăng chiến đấu và nhân viên kỹ thuật trực thăng. Năm 1990, không quân lục quân đã tách ra thành một binh chủng riêng, song năm 2003 lại sáp nhập trở lại trong thành phần không quân. Tuy nhiên, đến năm 2010, lực lượng này lại được chuyển giao cho các Bộ tư lệnh chiến lược thống nhất (OSK).

Không quân lục quân đóng vai trò ngày càng quan trọng ở cả cấp chiến thuật và chiến lược.

Ngày nay, không quân lục quân đóng vai trò rất lớn ở cả cấp chiến thuật và chiến lược, đặc biệt là yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị lục quân từ trên không. Chính vì vậy, việc tăng cường và đổi mới các loại trực thăng cho lực lượng này hiện là một trong những ưu tiên của quân đội Nga.

Trong thành phần của không quân lục quân Nga hiện nay được chia làm các thành phần gồm: ném bom, cường kích, tiêm kích, trinh sát, vận tải và đặc biệt. Trong các loại máy bay của không quân lục quân thuộc các thành phần trên thì trực thăng được đánh giá có vai trò cực kỳ quan trọng nhờ tính cơ động và dã chiến cao (cất-hạ cánh không cần sân bay như máy bay phản lực, có thể treo trên không và chuyển động theo các hướng khác nhau). Chính vì vậy, việc phát triển số lượng trực thăng là chiến lược quan trọng của không quân lục quân Nga.

Theo kế hoạch cải cách chung của lực lượng vũ trang Nga, không quân lục quân sẽ được trang bị thêm nhiều trực thăng mới với tổng số lượng dự kiến trên 1.000 chiếc. Ưu tiên hàng đầu là các loại Ka-52 Alligator, Mi-28N, Mi-8 AMTSh/MTV-5, Mi-26T2 và trực thăng đa năng hạng nhẹ Ka-226.

Những đại diện nổi bật

Trực thăng tấn công đa năng Mi-35M. Hiện tại, không quân lục quân đã ký hợp đồng mua 22 chiếc Mi-35M (một số nguồn đưa tin là 30 chiếc). Tổng nhu cầu của không quân lục quân đối với loại trực thăng này là 100 chiếc. Những chiếc Mi-24 cũng sẽ được nâng cấp lên chuẩn Mi-35M.

Trực thăng tấn công đa năng Mi-35M.

Trực thăng tấn công Mi-28N. Không quân lục quân đã ký 2 hợp đồng mua 67 chiếc Mi-28N đến năm 2013 và bổ sung thêm 30 chiếc nữa đến năm 2015. Không quân lục quân sẽ cần tổng số 350-400 chiếc loại này với các biến thể N/NM/UB. Những chiếc Mi-28N hiện có cũng đang được nâng cấp lên thành Mi-28NM với các thiết bị điện tử, radar mới, vũ khí mạnh hơn, tầm bay xa hơn, tốc độ nhanh hơn và khả năng tác chiến linh hoạt hơn.

Trực thăng tấn công Mi-28N "Thợ săn đêm".

Trực thăng tấn công đa năng Ka-52 Alligator. Đến cuối năm 2013, không quân lục quân Nga sẽ có tổng số 36 chiếc Ka-52 Alligator. Dự kiến, quân đội Nga sẽ ký thêm một hợp đồng mua 140 chiếc Ka-52 cho tới năm 2020. Theo một số nguồn tin, có từ 30-32 chiếc trong số này sẽ được sản xuất theo phiên bản dành cho hải quân là Ka-52K để trang bị cho tàu đổ bộ Mistral (số còn lại dành cho không quân lục quân). Nhu cầu của không quân lục quân đối với Ka-52 vào khoảng 120-150 chiếc, trong khi tổng nhu cầu của hải quân Nga là 180-200 chiếc.

Trực thăng Ka-52 Alligator.

Trực thăng tấn công-vận tải đa năng Mi-8MTSh (Mi-171Sh). Trong năm 2010, không quân lục quân đã đã ký hợp đồng mua 22 chiếc Mi-8MTSh và theo kế hoạch sẽ mua tổng cộng 150 chiếc cho tới năm 2020. Ngoài ra, không quân lục quân Nga cũng mua một biến thể của loại trực thăng này là Mi-8MTV5 với 50 chiếc đã nhận vào năm 2011, 20 chiếc vào năm 2012. Dự kiến đến năm 2020, không quân lục quân Nga sẽ nhận 400-500 chiếc Mi-8 các phiên bản khác nhau.

Trực thăng Mi-8MTSh (Mi-171Sh).

 Trực thăng vận tải đa năng Mi-26T2. Hãng Rostvertol hiện đang thực hiện hợp đồng cung cấp 18 chiếc Mi-26T2 (đến năm 2015) cho không quân lục quân. Một hợp đồng riêng rẽ khác về cung cấp 15 chiếc mới và phiên bản hiện đại hóa Mi-26T2 (đến năm 2018) cũng đã được ký kết.

Trực thăng Mi-26T2.

Trực thăng đa năng Ка-60 “Cá kình”. Từ năm 2015-2020 quân đội Nga sẽ nhận trên 100 chiếc trực thăng loại này theo một hợp đồng đã ký. Tổng nhu cầu của không quân lục quân vào khoảng 250-300 chiếc.

Trực thăng Ка-60 “Cá kình”.

Trực thăng đa năng Ка-226. Đến năm 2020 không quân lục quân Nga sẽ nhận tổng số 40 chiếc loại này. Ka-226 sẽ được sử dụng chủ yếu để huấn luyện phi công lái Ka-50 “Cá mập đen” và Ka-52 Alligator. Ngoài ra, Ka-226 sẽ thực hiện các nhiệm vụ vận tải. Hiện loại trực thăng này đang có 2 phiên bản với 2 loại động cơ khác nhau là Turbomeca Arrius 2G1 và Rolls-Royce Allison 250-С20R/2.

Trực thăng đa năng Ка-226.

Như vậy, theo kế hoạch đã công bố, đến năm 2020, không quân lục quân Nga sẽ có tổng số 1.124 chiếc trực thăng mới các loại cùng vài trăm chiếc khác được nâng cấp. Với số lượng này, không quân lục quân Nga sẽ trở thành lực lượng lớn thứ hai thế giới về số lượng trực thăng, sau Mỹ.

Theo Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm