"Trung tâm Cấp cứu 115 xin nghe".
Chuông điện thoại vừa reo, Võ Thị Thúy Anh (21 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) nhanh chóng bắt máy. Đầu dây bên kia nghẹn ngào nói mình không may thành F0, cần trợ giúp y tế.
Thúy Anh nhẹ giọng trấn an người gọi, bắt đầu xử lý thông tin theo quy trình do các nhân viên chuyên trách hướng dẫn trước đó.
30 tình nguyện viên được chọn để hỗ trợ Trung tâm Cấp cứu 115. |
Từ ngày 17/7, nữ sinh ngành Dược từ ĐH Nguyễn Tất Thành này trở thành một trong số 30 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, giúp tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng.
"Gần đây, những cuộc gọi như vậy ngày càng nhiều hơn. Đội ngũ nhân viên, tình nguyện viên như chúng mình trực ngày đêm luân phiên, nỗ lực hết mình nhằm giúp mọi người kịp thời", cô nói.
2.000-2.500 cuộc gọi mỗi ngày
Chia sẻ với Zing, Nguyễn Hoài Bảo, Phó Trưởng ban Mặt trận - An ninh quốc phòng - Địa bàn dân cư Thành Đoàn TP.HCM, tiết lộ số cuộc gọi vào đường dây 115 trong một tháng qua tăng gấp đôi do nhu cầu chăm sóc y tế tăng cao.
Mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 2.000-2.500 cuộc điện thoại, trong đó có các cuộc gọi điều phối từ trung tâm y tế quận, huyện về việc vận chuyển các trường hợp mắc Covid-19.
Trước tình hình đó, trung tâm đã mở thêm đường dây điện thoại, đồng thời tìm thêm lực lượng trực tổng đài.
Các nhân viên và tình nguyện viên tại Trung tâm Cấp cứu 115 hiện tiếp nhận khoảng 2.000-2.500 cuộc gọi tới đường dây nóng mỗi ngày. |
Trần Nam Anh - cán bộ tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng (TP.HCM), người điều phối tình nguyện viên - cho biết Thành Đoàn đã chọn ra 30 người đáp ứng đủ tiêu chí của Trung tâm Cấp cứu 115. Họ là các nhân viên y tế, sinh viên ngành y, nhân viên văn phòng...
"Chúng tôi sàng lọc danh sách trong 12 giờ, tập huấn cùng nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 trong 24 giờ và bắt đầu đưa đội hình này vào hoạt động ngày 17/7. Mọi thứ đều cần thực hiện gấp rút nên cũng khá áp lực. Cuối cùng, chúng tôi đã tìm được những bạn trẻ thực sự có khả năng và trách nhiệm.", anh Nam Anh nói.
Tập huấn cấp tốc
Do đặc thù nghiệp vụ, các tình nguyện viên phải trải qua khóa tập huấn cơ bản cấp tốc về xử lý tình huống và sử dụng máy móc, thiết bị tại trung tâm.
Tình nguyện viên Huyền Thương kể với Zing cả nhóm được hướng dẫn kiến thức về phân loại tình trạng bệnh nhân Covid-19, khai thác bệnh lý và một số thông tin cần thiết khác.
Ngoài ra, tình nguyện viên còn được rèn kỹ năng tiếp nhận cuộc gọi; ổn định tâm lý cho bệnh nhân; điều phối xe cấp cứu, trung chuyển người bệnh từ bệnh viện điều trị đến khu thu dung, hoặc nhà riêng và ngược lại.
Các tình nguyện viên được tập huấn trong vòng 24h, chủ động rèn luyện và học hỏi từ các nhân viên tổng đài, tình nguyện viên để tích lũy kinh nghiệm. |
Vốn làm việc trong ngành y, Huyền Thương dễ dàng nắm bắt các kiến thức về y học. Nhưng cô vẫn mất chút thời gian làm quen với công việc vì đây là lần đầu tiếp xúc với việc trực tổng đài cấp cứu.
Mỗi kíp trực tại Trung tâm Cấp cứu 115 gồm 7-8 tình nguyện viên, kéo dài trong 8 giờ đồng hồ, chia thành 3 ca trực: 7h-15h, 15h-23h và 23h-7h.
Vì thời gian tập huấn chỉ kéo dài một ngày, 30 thành viên này phải vừa làm việc, vừa tự chỉ dẫn nhau trên tinh thần "bạn hướng dẫn bạn, ca trước hướng dẫn ca sau" và nhờ sự trợ giúp từ các nhân viên chuyên trách.
"Mình chọn ca trực 23h-7h để phù hợp với công việc cá nhân. Những ngày đầu mình cũng có chút bối rối, may mà có các anh chị tại trung tâm và ca trước chỉ dẫn, truyền kinh nghiệm cho nên có thể thuận lợi làm việc", Huyền Thương nói.
Điện thoại đổ chuông bất kể ngày đêm
Chia sẻ với Zing, Huyền Thương cho biết cô vốn định đăng ký tham gia đội tình nguyện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 do Thành Đoàn kêu gọi, nhưng không đảm bảo thời gian làm việc liên tục vì vướng bận công việc.
Ngay khi có đợt tuyển tình nguyện viên trực tổng đài 115, cô lập tức ghi danh với mong muốn góp sức tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu, điều phối xe cứu thương và vận chuyển người bệnh ở đơn vị trong thời gian cao điểm dịch.
Tình nguyện viên Thanh Duy cho biết khác với thời điểm trước dịch, các cuộc gọi đổ đến đường dây 115 bất kể ngày đêm. |
Những ngày này, Trung tâm Cấp cứu 115 hiếm lúc nào ngớt tiếng chuông điện thoại. Nhiều hôm, cả nhóm trực đêm đều thức giấc, bận rộn với những cuộc gọi hỏi về triệu chứng Covid-19 hay nhờ điều động xe cấp cứu.
"Cuộc gọi này tiếp nối cuộc gọi kia, mình cũng không nhớ chính xác bản thân nhận bao nhiêu cú điện thoại trong ca trực. Ca đêm mà bận rộn vậy, ca sáng có thể còn nhiều hơn. Điện thoại reo bất kể ngày đêm, ai cũng vào tư thế sẵn sàng nhận cuộc gọi".
Nguyễn Đặng Thanh Duy, một giáo viên thể chất ở TP.HCM, cũng chia sẻ những trải nghiệm tương tự khi tham gia hỗ trợ Trung tâm Cấp cứu 115.
Anh cho biết thông thường, đường dây nóng 115 chỉ bận rộn vào một vài thời điểm nhất định trong ngày, song tiếng chuông luôn reo kể từ khi dịch bệnh căng thẳng.
Thúy Anh cho biết các tình nguyện viên đều hy vọng công việc sớm kết thúc, vì điều đó có nghĩa là dịch bệnh đã qua. |
Các nhân viên, tình nguyện viên trực tổng đài thường xuyên tiếp nhận những trường hợp khẩn cấp liên quan tới dịch bệnh.
Người gọi tìm đến họ với tâm thế cấp bách, lo lắng, thậm chí hoảng sợ.
Lúc đó, các nhân viên tổng đài sẽ cố gắng trấn an, giữ đối phương bình tĩnh để khai thác tin tức, nhanh chóng điều phối đơn vị giúp đỡ.
"Mình hiểu công việc này đòi hỏi trách nhiệm cao, cũng rất áp lực. Việc bị người gọi la mắng hay xảy ra, nhưng anh chị em ở trung tâm đều hiểu họ phản ứng như vậy vì quá lo cho sức khỏe của bản thân và gia đình", Thanh Duy nói.
Hơn một tuần hỗ trợ vị trí tổng đài viên, anh đã gặp nhiều cảnh ngộ đáng thương và những cuộc điện thoại muộn màng, khiến các tình nguyện viên lặng người. Thế nhưng, mọi người lập tức điều chỉnh tâm lý, sẵn sàng cho những yêu cầu tiếp theo.
"Nếu mình giữ lại những cảm xúc buồn bã, nuối tiếc, sẽ rất khó giữ tinh thần làm việc minh mẫn, chuyên nghiệp. Mình học điều này từ các anh chị chuyên viên tại Trung tâm Cấp cứu 115 và những bạn tình nguyện viên khác", anh kể.
Áp lực công việc lớn, thời gian gấp rút là thế, song 30 tình nguyện viên vẫn luôn giữ vững tinh thần, nỗ lực hỗ trợ người gọi trong thời gian ngắn nhất.
Ngoài ra, mọi người cũng luôn dặn dò nhau giữ sức khỏe tốt để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công việc.
"Mọi người đùa nhau rằng mong quá trình tình nguyện sẽ sớm kết thúc, vì điều đó có nghĩa là dịch bệnh đã qua. Ai cũng mong cuộc sống sớm trở về bình thường", Thúy Anh nói.