Theo hãng tin Nikkei (Nhật Bản), động thái trên bắt nguồn từ sự không hài lòng của Tokyo đối với chính sách "Vành đai, Con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự án khổng lồ về đầu tư cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia châu Á và châu Phi.
Chính phủ Nhật Bản đồng thời nghiên cứu chuyển sự ưu tiên của viện trợ chính phủ từ "số lượng" sang "chất lượng" tại những khu vực mà các doanh nghiệp Nhật Bản có thể dễ dàng thâm nhập vào thị trường. Tokyo cũng dự định mở rộng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương đến khu vực Trung Đông và châu Phi, bên cạnh Đông Nam Á.
Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong lễ khởi công dự án đường sắt tốc độ cao tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Kế hoạch lớn cho khu vực có tiềm năng khổng lồ
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đang lên kế hoạch xây dựng yêu cầu ngân sách tài chính năm 2019 vào cuối tháng này, với 60% số tiền dự định được đổ trực tiếp vào các khoản hỗ trợ phát triển, chiếm phần lớn hoạt động ngoại giao của đất nước.
Năm 2017, hơn 70% gói viện trợ của Nhật Bản là dành riêng cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng nhất với chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở" được Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy. Đằng sau đó là sự cảnh giác của chính phủ đối với kế sách "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, quốc gia từng là nước nhận viện trợ lớn nhất từ Nhật Bản.
Tổng ngân sách viện trợ của Nhật Bản trong năm 2016 là 16,8 tỷ USD, trong đó viện trợ song phương chiếm đến 13,5 tỷ USD. Hơn 70% trong số này được trao cho các quốc gia và vùng lãnh thổ giáp vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Xét về tổng thể, châu Á thu được khoản viện trợ lớn nhất với 7 tỷ USD.
Top 10 quốc gia nhận viện trợ phát triển nhiều nhất từ Nhật Bản trong năm 2016 (đơn vị: tỷ USD). Đồ họa: Nikkei. |
Về giá trị, Ấn Độ là nước nhận viện trợ lớn nhất với 1,8 tỷ USD, tiếp theo sau là Việt Nam với 1,6 tỷ USD và Iraq với 0,6 tỷ USD. Các quốc gia khác gồm Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và Indonesia lần lược xếp các vị trí tiếp theo.
Về cấu phần trợ cấp không bao gồm các khoản nợ, Afghanistan nhận được gói viện trợ lớn nhất với 267 triệu USD.
Tại Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển Châu Phi (TICAD) năm 2016, Thủ tướng Abe cũng xúc tiến chiến lược viện trợ của Nhật Bản. Kế hoạch hướng đến mục tiêu tăng cường hợp tác sâu sắc về phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư, an ninh hàng hải và nhiều lĩnh vực khác với các nước tại khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.
Đây là khu vực chiếm 50% tổng dân số trên thế giới và có tiềm năng tăng trưởng kinh tế được đánh giá là khổng lồ.
Lôi kéo Mỹ với Australia đối trọng Trung Quốc
Chính phủ Nhật Bản cũng lên án Trung Quốc vì đưa ra các gói cho vay vượt ngoài khả năng chi trả của các quốc gia đang phát triển, khiến những nước này chìm sâu trong nợ nần và gây áp lực buộc họ nhường cho Bắc Kinh nhiều quyền lợi kinh tế.
Tháng 12/2017, Sri Lanka cấp phép cho công ty Trung Quốc khai thác cảng biển Hambantota với hợp đồng cho thuê 99 năm. Trung Quốc cũng được quyền xây dựng căn cứ quân sự tại Djibouti, một quốc gia ở châu Phi, tháng 8 năm ngoái.
Trước đây, Trung Quốc là nước nhận viện trợ lớn nhất từ Nhật Bản. Tuy nhiên, Tokyo đã chấm dứt điều này từ năm 2007 khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng.
Theo Nikkei, dù Nhật Bản lên kế hoạch mở rộng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, quốc gia này cũng không thể cạnh tranh với Trung Quốc về vốn, vì vậy Tokyo đang cố gắng lôi kéo Mỹ và Australia cùng tham gia chiến lược.
Từ trái sang, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull gặp gỡ tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2017. Ảnh: AP. |
Tại cuộc gặp gỡ ở Singapore hồi đầu tháng 8, Bộ Ngoại giao của ba nước thống nhất xúc tiến phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ba quốc gia này đang tìm cách hợp tác trong lĩnh vực cảng và nguồn nhân lực trong khu vực, đồng thời thiết lập khuôn khổ cho phép họ đối trọng với Trung Quốc về sức mạnh tài chính và quy mô kinh doanh.
Tổng ngân sách viện trợ của chính phủ Nhật Bản đã giảm một nửa so với thời kỳ đỉnh cao năm 1997, một phần vì nhiều ràng buộc tài chính.
Hôm 25/7, Ngoại trưởng Taro Kono chủ trì một cuộc thảo luận gồm nhiều chuyên gia nhằm đánh giá khuôn khổ chương trình viện trợ của Nhật Bản. Ông Kono yêu cầu những người tham gia đưa ra đề xuất cho Bộ Ngoại giao vào cuối năm nay, đồng thời khẳng định việc quản lý các gói viện trợ chính thức của chính phủ nên được cải tiến.