Ông Tập Cận Bình, sinh ngày 1/6/1953, là chủ tịch kiêm tổng bí thư đảng Cộng sản, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Ông Tập thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 5 của nước này. Bằng chiến dịch chống tham nhũng, Tập Cận Bình được người dân Trung Quốc mô tả như một vị lãnh đạo uy quyền, chân thực, vì dân. Ngoài công việc chính trị bận rộn,trong cuộc sống thường nhật Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại là người con, người chồng, người cha bình dị. Ảnh chụp ông Tập Cận Bình cùng cha là ông Tập Trọng Huân, vợ Bành Lệ Viện và con gái Tập Minh Trạch. Ảnh: Xinhua |
Hiếu thuận với cha mẹ. Ông Tập Cận Bình là con trai cựu phó thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân (1913-2002), là hạt giống đỏ, được quy hoạch từ nhỏ. Ông Bình là con của vợ hai. Trong ảnh, ông Tập Cận Bình dắt tay mẹ là bà Tề Tâm đi dạo trong khuôn viên của gia đình. Ông nổi tiếng là người con hiếu thảo. Ảnh: Xinhua |
Gặp gỡ 40 phút, quyết định sẽ lấy làm vợ. Cuối năm 1986, một người bạn giới thiệu Tập Cận Bình với Bành Lệ Viện. Khi đó Tập Cận Bình đang giữ chức phó thị trưởng thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Lúc đầu Bành Lệ Viện lo lắng khoảng cách chính trị giữa hai người quá lớn muốn hủy cuộc hẹn, nhưng do nể bạn nên đồng ý tới. Hôm đó, Lệ Viên cố tình mặc một bộ quần áo lính rộng thùng thình, cố ý thử xem đối phương có phải là người chỉ trọng hình thức bên ngoài không. Không ngờ xuất hiện trước mặt là một thanh niên tuấn tú, ăn vận giản dị như mình vậy, nhưng sự thông minh và phong thái từ tốn, điềm tĩnh đã thu hút bà. Bà Bành Lệ Viện nhớ lại: "Ông ấy không hề hỏi tôi 'hiện nay thịnh hành bài hát nào' hay 'thù lao biểu diễn bao nhiêu' mà chỉ hỏi 'thanh luật thường được hát như thế nào'. Lúc đó tim tôi đập thình thịch và trong đầu tôi lóe lên câu hỏi 'đây chính là người chồng lý tưởng của mình sao'”. Kết thúc buổi gặp mặt, Tập Cận Bình đã nói với tôi “Gặp em không đến 40 phút, nhưng anh chắc chắn rằng em chính là vợ của mình”. Ảnh: Xinhua |
Bị gia đình vợ phản đối vì là cán bộ cấp cao. Sau cuộc gặp vỏn vẹn 40 phút định mệnh đó, hai người chắc chắn đây chính là một nửa của đời mình, tuy nhiên bố mẹ của bà Bành vốn xuất thân là nông dân, không hề muốn gả con gái cho một chàng rể hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Bành Lệ Viện nói “Bố mẹ tôi vốn là nông dân, chỉ muốn con gái lấy được người chồng bình dị, sống cuộc sống giản đơn, không tranh đấu, không phải chịu ấm ức. Họ sợ gia đình anh Tập Cận Bình là phần tử cán bộ cao cấp, sẽ coi thường con gái mình, nhưng tôi đã ra sức thuyết phục bố mẹ để được chấp nhận, và thực tế rằng anh Bình tuy không xuất thân trong gia đình nông dân, nhưng cuộc đời anh ấy chịu nhiều sóng gió và khổ sở hơn cả tôi”. Khi Tập Cận Bình 15 tuổi, cha ông bị giam trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Bản thân ông bị đẩy về vùng quê nghèo ở tỉnh Thiểm Tây. Mãi đến năm 1975, gia đình ông mới được phục hồi danh dự và Tập Cận Bình được đi học tại Đại học Bắc Kinh. Có thể nói những trải nghiệm vất vả, bao gồm cả những cay đắng và ấm ức mà Tập Cận Bình phải nếm trải từ thuở nhỏ, đã hình thành nên tính cách “bình dân gần gũi” hiện nay của ông. Ảnh chụp Tập Cận Bình tham gia lao động ở nông thôn. Ảnh: Xinhua |
Đám cưới giản dị, âm thầm đến phút chót. Ngày 1/9/1987, Bành Lệ Viện và Tập Cận Bình nói chuyện qua điện thoại và quyết định tổ chức đám cưới. Bành Lệ Viện đến đơn vị xin giấy giới thiệu, mua vé máy bay bay thẳng Hạ Môn. Vừa xuống sân bay, ông Tập đón bà và đến thẳng một hiệu chụp ảnh để chụp ảnh cưới, rồi tới trụ sở đăng ký kết hôn. Hôm đó, thị trưởng và các vị lãnh đạo thành phố Hạ Môn nhận được điện thoại của Tập Cận Bình: “Mời mọi người tới ăn cơm lúc 7h tối nay”. Đúng 7h tối, mọi người tập trung tại nhà hàng, khi Tập Cận Bình đứng ra giới thiệu, mọi người mới kinh ngạc biết đây chính là tiệc cưới của ông và cô dâu chính là cô ca sĩ Bành Lệ Viện. Ảnh chụp vợ chồng Tập Cận Bình tháng 9/1989. Ảnh: Xinhua |
Vợ thích sinh con trai, chồng thích có con gái. Vợ chồng ông Tập Cận Bình chỉ có một cô con gái tên là Tập Minh Trạch. Lúc đầu bà Tập muốn có một cậu con trai nhưng ông Tập lại đặc biệt thích có con gái. Kết quả ông Tập được toại nguyện. Lúc nhỏ, Minh Trạch rất nghịch ngợm, ai bế cũng không chịu yên, duy chỉ có ông Tập bế, con gái lúc đó lập tức nũng nịu, đáng yêu như một con mèo nhỏ. Đến giờ con gái càng lớn càng giống bố, và cũng thân bố nhất nhà. Trong ảnh, ông Tập Cận Bình tận hưởng tình phụ tử khi chở con gái bằng xe đạp. Ảnh: Xinhua |
Hôn nhân 27 năm bền vững. Ông Tập đưa bông hoa cà phê cho vợ ngửi hương thơm, ảnh chụp một chuyến thăm vườn thực vật Trả lời phỏng vấn về hôn nhân trong suốt 27 năm qua, bà Bành Lệ Viện miêu tả chủ tịch Trung Quốc là một người chồng tôn trọng sở thích và công việc của vợ. Ảnh: Xinhua |
“Ở nhà ông ấy rất thích nghe các bài hát của tôi. Trong suốt 27 năm qua, mỗi khi đi công tác, ngày nào ông ấy cũng gọi điện thoại hỏi thăm vợ con. Cứ đến Tết, tôi phải tham gia biểu diễn tiết mục Chào xuân trên đài truyền hình, năm nào ông ấy cũng ở nhà vừa gói bánh sủi cảo, vừa xem ti vi, chờ tôi về nhà rồi hai vợ chồng cùng ăn” Một tiết mục hát mừng xuân mới của bà Bành Lệ Viện. Ảnh: CNR |
Chuyện tình của vợ chồng Tập Cận Bình được nhiều người dân Trung Quốc hâm mộ và hóm hỉnh ví von có nhiều nét tương đồng với chuyện tình cụ giáo Do Min Joon và minh tinh trái đất trong bộ phim truyện Hàn Quốc nổi tiếng hiện nay “Vì sao đưa anh tới”. Trải qua hơn hai mươi năm kết hôn, Bành Lệ Viện được chồng hết sức tạo điều kiện để phát huy khả năng và sở thích ca hát. Được sự ủng hộ của ông Tập, bà đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một đệ nhất phu nhân và một ca sĩ nổi tiếng. Bà Bành thường tháp tùng ông Tập Cận Bình trong các chuyến công du, tạo ấn tượng khác biệt so với những "đệ nhất phu nhân" tiền nhiệm của Trung Quốc. Ảnh: Sina |
Môn thể thao yêu thích. Tập Cận Bình là một người cực kỳ yêu thích các hoạt động thể thao, trong đó ông đặc biệt yêu thích bơi lội và bóng đá. Ông chính là Tổng chỉ huy công tác tổ chức Olympic Bắc Kinh khai mạc ngày 8/8/2008. Trong chuyến công du Ireland tháng 2/2012, hoạt động đầu tiên của Tập là tham gia một buổi thi đấu bóng đá tại địa phương. Tại đây ông đã thể hiện kỹ thuật tâng bóng tương đối thành thục. Ảnh: Xinhua |