Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đội thi hành án tử hình ở sào huyệt Sài Gòn: Biệt đội bí mật

Nhiệm vụ thi hành án tử hình trung tướng Linh Quang Viên của chính phủ VNCH được trao cho một lực lượng đặc biệt tiềm phục đã được huấn luyện thành thục các kỹ năng ám sát.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, để đỡ rát mặt, Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa mở một chiến dịch tuyên truyền rằng đã "quét sạch Việt Cộng ra khỏi Sài Gòn". Hàng ngày, ông ta lên đài truyền hình kể lể Sài Gòn đã được "chính quyền quốc gia kiểm soát. Việt Cộng suy yếu đến mức không còn tồn tại trong nội đô".

Song song với chiến dịch lộng ngôn, chính quyền Sài Gòn còn tăng cường lực lượng mật vụ, điệp viên săn lùng những cán bộ hoạt động nội thành. Viên trung tướng "nhiệm chức" Linh Quang Viên - Tổng Ủy viên An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Nội vụ, chỉ huy Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo - đích thân chỉ huy chiến dịch Phượng Hoàng ráo riết giăng lưới hòng bắt sống những cán bộ cao cấp của ta đang hoạt động trong nội thành mà chúng đã có danh sách trong tay.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Tài - Lúc bấy giờ là Phó ban An ninh T4 - đề xuất ý kiến lên lãnh đạo T4: "Cần phải tử hình Linh Quang Viên".

Một ngày giữa tháng 1/1969, lệnh thi hành án tử hình viên chỉ huy Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa Linh Quang Viên được truyền đạt từ lãnh đạo T4 đến tận tay ông Nguyễn Tài. Nhiệm vụ thi hành án tử hình được trao cho một lực lượng đặc biệt tiềm phục đã được huấn luyện thành thục các kỹ năng ám sát.

Khóa huấn luyện đặc biệt bí mật giữa lòng Hà Nội

Từ cuối năm 1965, cục diện chiến trường miền Nam diễn biến phức tạp. Mỹ chuẩn bị kế hoạch leo thang chiến tranh, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tăng cường nhiều hệ thống tình báo đan xen dày đặc khắp các vùng đô thị, nông thôn. Ta xác định, đô thị miền Nam là hậu cứ bộ máy chiến tranh của địch. Điều đó có nghĩa là, đô thị miền Nam cũng là một vùng chiến trường trọng yếu.

Trước tình hình đó, đầu năm 1966, Bộ Chính trị đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) (thuộc Bộ Công an) bí mật tổ chức huấn luyện những biệt đội đặc nhiệm để tung vào nội thành các tỉnh miền Nam mà địch đang chiếm đóng - trọng điểm là Sài Gòn. Lực lượng này nằm ẩn mình tiềm phục trong vai thợ thuyền, phu phen để chờ chỉ thị.

Mố cầu Đầu Mầu (khoanh tròn) - di tích còn sót lại sau trận biệt đội của ta đánh sập (Ảnh tư liệu).
Mố cầu Đầu Mầu (khoanh tròn) - di tích còn sót lại sau trận biệt đội của ta đánh sập (Ảnh tư liệu).

Một ngày đầu tháng 1/1966, Bộ Tư lệnh CANDVT cử cán bộ âm thầm xuống tận các đơn vị chiến đấu tuyển lựa những chiến sĩ gan dạ, nhạy bén, có sức khỏe tốt, có thành tích chiến đấu dũng cảm. Sau một tháng mật tuyển, Bộ Tư lệnh đã có danh sách 80 người.

Tháng 2/1966, 80 chiến sĩ tinh tuyển đều nhận được lệnh triệu tập về một doanh trại ở Từ Liêm, Hà Nội. Đến khi đó, họ mới biết mình được tham dự khóa đào tạo một lực lượng đặc biệt chưa từng có tên trong danh sách các binh chủng. Lực lượng này có tên chính thức là "Đặc công thành".

Vì nhiều lý do khách quan, một số người trong danh sách không đến được nơi huấn luyện nên con số không còn tròn 80. Khóa huấn luyện Đặc công thành đầu tiên này, do đích thân Đại tá Cục trưởng Cục Trinh sát chỉ huy.

Trong suốt 10 tháng ròng rã ngày đêm, lực lượng học viên Đặc công thành phải trải qua nhiều bài học khắc nghiệt về nghiệp vụ: Trinh sát nội tuyến, ngoại tuyến; Vượt chướng ngại vật tầm cao, dưới lòng đất trong ánh sáng, bóng tối; Bí mật tiếp cận mục tiêu, đánh cắp tài liệu, vũ khí, bắt cóc, ám sát, thủ tiêu… 

Chỉ có những người có sức khỏe đặc biệt mới kham nổi những bài huấn luyện kỹ năng cao cấp này. Trong suốt quá trình đào tạo, một số học viên bị loại khỏi danh sách vì không đảm bảo thể lực, tố chất.

Trong phần thực hành, các học viên được thực hành bắt cóc "người thật, việc thật" tại một số cơ quan trong TP.Hà Nội.

Ông Lê Việt Bình - cựu học viên khóa 1-Đặc công thành nhớ lại: "Địa chỉ đầu tiên mà tổ của tôi thực hành là Bưu điện Hà Nội. Đó là một địa chỉ được xem là cơ quan trọng yếu của Nhà nước, được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhiệm vụ thực hành là bắt cóc người cán bộ trực đêm. Trước đó, Bộ Tư lệnh đã có công văn thông báo cho Bưu điện biết là chúng tôi sẽ thực tập bắt cóc người nhưng không thông báo ngày giờ và con tin cụ thể.

Đến ngày N, lúc 0h, tôi cùng một số học viên khác bí mật đột nhập vào trụ sở Bưu điện Hà Nội, leo lên tầng. Người trực đang ngủ, chúng tôi áp sát khống chế, trói lại đưa ra ban công chuyền xuống đất rồi đem về doanh trại. Mọi việc diễn ra êm thấm và đảm bảo tính bí mật. Dù đã có thông báo trước nhưng người bị bắt cóc vẫn sợ đến run bần bật. Vụ bắt cóc này, chúng tôi đạt điểm tối ưu.

Bài thực hành thứ 2 là đột nhập vào Đài Phát thanh Mễ Trì, Hà Nội. Đó là một cơ quan trọng yếu có 3 lớp hàng rào bảo vệ. Vòng rào cuối cùng chúng tôi phải đối đầu một bầy chó bécgiê 6 con đã được huấn luyện nhiệm vụ bảo vệ… Suốt những ngày học chúng tôi hoàn toàn không biết mình sẽ được vào Nam chiến đấu".

Đặc công thành Lê Xuân Đường

Tên khai sinh của ông Lê Việt Bình là Lê Xuân Đường. Ông sinh năm 1942 tại làng Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Năm 1962, ông đăng ký nhập ngũ và được bổ sung vào lực lượng CANDVT Đặc khu Vĩnh Linh (thuộc Bộ Công an). 

Sau khóa huấn luyện tân binh, ông được phiên vào đội hình chiến đấu của Đồn biên phòng Cù Bai (Quảng Trị). Từ trường đào tạo tân binh, ông phải băng rừng, trèo đèo, lội suốt suốt 3 ngày mới đến được Đồn Cù Bai trình diện chỉ huy.

Chân dung đặc công thành Lê Việt Bình hiện nay.
Chân dung đặc công thành Lê Việt Bình hiện nay.

Sau 8 tháng cùng đồng đội ngăn chặn thành công nhiều toán biệt kích, thổ phỉ xâm nhập từ Lào, Lê Việt Bình được sĩ quan chỉ huy cử tuyển tham dự khóa đào tạo hạ sĩ quan biên phòng tại Trường Hạ sĩ quan Biên phòng ở Nghệ An. Tốt nghiệp khóa đào tạo, Lê Việt Bình trở về Đồn Cù Bai rồi viết thư xin tình nguyện vào Nam trực tiếp chiến đấu. Nguyện vọng của ông được cấp trên đồng ý.

Ngày 17/7/1964, hạ sĩ Lê Việt Bình trở thành một thành viên trong toán quân vượt sông Sê Hăng Phiên, đặt chân xuống bờ Nam Vĩ tuyến 17 bổ sung vào Phân đội 25 (trực thuộc Đội 45 biệt nhiệm) với nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội hỏa lực. Đội 45 là mật danh của một đơn vị biệt nhiệm trực thuộc Bộ Tư lệnh CANDVT, Bộ Công an.

Nhiệm vụ chính của đơn vị này là luồn sâu, xâm nhập vùng địch tạm chiếm, hỗ trợ lực lượng địa phương giải phóng từng cụm dân cư tỉnh Quảng Trị để mở cửa cho tuyến đường tiếp vận, chi viện cho chiến trường miền Nam (đầu ngõ vào đường Trường Sơn). Phương thức tác chiến của đơn vị này rất linh hoạt, thoắt ẩn thoắt hiện, lấy ít đánh nhiều khiến địch luôn sống trong tâm trạng lo âu, hoảng loạn. Vì vậy, Đội 45 đến đâu là vùng đất giải phóng được mở rộng đến đó. 

Lê Việt Bình đã góp phần giải phóng huyện Hướng Hóa, Cam Lộ và Gio Linh. Nhờ đó, cánh cửa đường Trường Sơn mở rộng, thông thoáng. Điều này đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Mc Namara phải sử dụng hàng rào điện tử chắn ngang bờ nam Vĩ tuyến 17. 

Tại chiến trường này, Lê Việt Bình cùng đồng đội đã đánh trận đầu tiên vào cầu Đầu Mầu bắc qua Khe Gió, hạ nguồn sông Ba Lòng, Quảng Trị.

Ở giai đoạn đó, cầu Đầu Mầu là một cứ điểm quan trọng án ngữ cửa ngõ hành lang chiến thuật đi vào Đường 9 Nam Lào. Địch đánh giá rằng, ai chiếm giữ được cầu Đầu Mầu, kẻ đó làm chủ Đường 9 Nam Lào. Vì vậy, địch đã cắt cử 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ trấn giữ. Mặt khác, 1 phi đội pháo binh, 1 lữ đoàn thiết giáp và 1 phi đội không quân luôn trực chiến, sẵn sàng yểm trợ bảo vệ cầu.

Nhận ra yếu huyệt của địch, Bộ Tổng tham mưu của ta quyết thực hiện ý định chiến lược "Kéo chiến trường đánh Mỹ ra Đường 9" đưa vào vùng núi hiểm trở mà các phương tiện hiện đại của địch không thể cơ động, tạo thế hiểm để quân và dân ta đánh những đòn tiêu diệt. Để kéo Mỹ ra Đường 9, ta phải hủy bỏ chiếc cầu.

Nhận lệnh phá sập cầu Đầu Mầu, Lê Việt Bình cùng đồng đội chờ nước sông dâng cao rồi thả bè 50 kg thuốc nổ TNT ẩn dưới lớp lá rừng trôi. Ông cùng đồng đội lặn theo các khối thuốc nổ để móc vào các chân mố cầu.

Cầu Đầu Mầu bị đánh sập, Mỹ phải triển khai quân ùa ra án ngữ Đường 9, rơi vào các ổ phục kích của quân ta, đúng như ý đồ chiến thuật của Bộ Tổng tham mưu.

Cầu cũ bị đánh sập, địch vội vã xây chiếc cầu mới bên cạnh. Cho đến tận bây giờ, di tích chiếc cầu cũ vẫn còn hiện hữu như một tấm bia ghi công đơn vị biệt nhiệm 45.

Với khả năng nhạy bén bẩm sinh trong chiến đấu, ông Lê Việt Bình lọt vào tầm ngắm của đơn vị mật tuyển đào tạo Đặc công thành.

Tiềm phục giữa lòng Sài Gòn

Kết thúc khóa học, các học viên được xác định lập trường tư tưởng "Vì miền Nam ruột thịt, vì Tổ quốc phải hy sinh" trước khi được nghỉ phép 5 ngày về quê thăm gia đình. Họ được chỉ huy khuyến cáo nghiêm khắc: "Chưa có người yêu, khoan yêu. Đã yêu, khoan cưới. Đã cưới, khoan có con". Đến lúc đó, các học viên mới hiểu lờ mờ rằng mình sẽ được vào Nam chiến đấu và phải chấp nhận hy sinh. Dù vậy, khi hết phép, tất cả học viên đều trở lại doanh trại đầy đủ.

Sáng ngày 26/10/1966, đích thân Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh Lực lượng CANDVT - Trung tướng Phạm Kiệt đến tận doanh trại phân công từng chiến sĩ đặc công vào các cụm đô thị miền Nam. Các học viên được phân thành nhiều đoàn. Đoàn Trị Thiên được phân vào TP.Huế; Đoàn Khu 5 vào TP.Đà Nẵng; Đoàn Khu 6 vào TP.Nha Trang; Đoàn Khu 8 vào TP Cần Thơ; Đặc biệt, những học viên tinh nhuệ nhất được đưa vào Đoàn Khu 7, điểm đến là "Ông cụ Hải Yến" (mật danh của Trung ương Cục miền Nam).

Mỗi học viên đều được đặt mật danh. Ông Lê Việt Bình có tên khai sinh là Lê Xuân Đường, được mang mật danh là Lê Công Định. Sau khi phân nhiệm xong, Trung tướng Phạm Kiệt ôm chặt từng chiến sĩ trước khi chia tay. Từng chiếc xe vận tải rời doanh trại Hà Nội nhắm hướng Nam thẳng tiến.

Đoàn Khu 7 được xe đưa đến tận Đèo Ngang rồi tiếp tục đi bộ vượt Trường Sơn. Sau 8 tháng hành quân ròng rã, một ngày giữa tháng 5, Đoàn Khu 7 đến được khu vực căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Đó là thời điểm đại chiến dịch Junction City của Mỹ đánh vào căn cứ Trung ương Cục đang vào giai đoạn cuối. Đoàn Khu 7 phải đóng quân tạm giữa một cánh rừng giáp biên giới Việt - Campuchia chờ liên lạc với Ban An ninh Trung ương Cục.

Khi chiến dịch Junction City vừa kết thúc, ông Tư Hổ tức Nguyễn Văn Lệnh - Đội phó Đội trinh sát có mật danh là B5, trực thuộc An ninh Vũ trang T4 đến tận nơi đóng quân của đoàn tiếp nhận 4 đặc công, trong đó có ông Lê Việt Bình.

Nhà giam Chín Hầm: Quan tài chôn những người đang sống

Trong lòng xứ Huế mộng mơ có một nhà tù - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” - Nhà giam Chín Hầm do Ngô Đình Cẩn cải tạo từ một nơi để vũ khí đạn dược do người Pháp để lại.

Ông Tư Hổ đưa 4 sĩ quan đặc công về căn cứ của đơn vị đóng tại ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, Củ Chi để làm quen với "thổ nhưỡng", tập cách ăn, nói, đi, đứng và các thói quen của cư dân miền Nam. Nơi đó cách đồn Trung Hòa của địch non 1 km.

Một ngày giữa tháng 12/1967, lực lượng thám báo Sư đoàn 25 "tia chớp nhiệt đới" của Mỹ đánh hơi được vị trí căn cứ của B5. Chúng dùng trực thăng bất ngờ đổ quân bao vây căn cứ. Tuy quân địch có số quân đông gấp nhiều lần lại có pháo và máy bay yểm trợ nhưng các chiến sĩ B5 cùng 4 chiến binh đặc công chi viện từ miền Bắc đã bình tĩnh đối đầu với địch. 

Đặc công Lê Việt Bình không nấp hầm, đứng chờ 1 chiếc trực thăng chuẩn bị đổ bộ, trực xạ thẳng vào đầu viên phi công. Chiếc trực thăng cùng hàng chục tên địch bị loại khỏi vòng chiến. Khi địch bỏ chạy, một đặc công khác còn chạy bộ theo, hạ thêm 1 chiếc trực thăng chở quân.

Sau trận đánh chứng tỏ bản lĩnh chiến đấu thiện chiến, các chiến sĩ Đặc công thành được Ban An ninh T4 cấp giấy khai sinh mới. Đó là loại giấy khai sinh giả, nhái mẫu của chính quyền VNCH để nhập thành. Đặc công Lê Việt Bình được "khai sinh" tên mới là Nguyễn Văn Biên, 17 tuổi.

Một đêm cuối năm 1967, một nữ giao liên giao đặc công Lê Việt Bình cho một người chạy xe ôm chở thẳng vào nội thành Sài Gòn.

Đặc công Lê Việt Bình nhớ mãi cảm giác bâng khuâng khó tả khi lần đầu tiên xâm nhập vào vùng đô thị lớn nhất miền Nam. Ông nhận thức rất rõ, đây là quê hương đất Việt đang bị thế lực ngoại xâm chiếm đóng. Ông đang xâm nhập sâu vào giữa lòng địch. Nếu lộ nhân thân, chết là cái giá cuối cùng phải trả. Ông không sợ chết khi viết lá đơn tình nguyện chiến đấu. Ông chỉ sợ mình không có được cái chết xứng đáng với nhiệm vụ được giao.

http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2014/9/84119.cand

Theo Nông Huyền Sơn/An Ninh Thế Giới

Bạn có thể quan tâm