Tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 4/3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng cho hay cơ quan chức năng đề xuất đổi tên cầu Cửa Đại, thu thập rộng rãi ý kiến cộng đồng là cần thiết.
"Việc đổi tên cầu Cửa Đại nhằm tránh trùng với tên gọi của một số cây cầu bắc qua các dòng sông ở miền Trung và phải hợp lòng dân. Việc đổi tên cho cầu Cửa Đại phải gắn liền với lịch sử văn hóa vùng đất, gieo vào lòng người dân cùng du khách ấn tượng về hình ảnh cây cầu ở vùng hạ lưu sông Trà Khúc", ông Dũng nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng phát biểu tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 4/3. Ảnh: Minh Hoàng. |
Những ngày qua, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa tranh luận việc đổi tên cầu Cửa Đại để tránh trùng với một công trình ở Quảng Nam, trong khi số khác muốn giữ tên cũ vì giá trị lịch sử của vùng đất.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Ngãi, sở dĩ lãnh đạo tỉnh này đề xuất lựa chọn tên Cổ Lũy hoặc Thiên Mã để lấy ý kiến cộng đồng thay cho tên cầu Cửa Đại là do hai địa danh này đều gắn liền với lịch sử vùng đất nơi đây.
Vào khoảng thế kỷ XV, vùng đất này ở Quảng Ngãi gọi là Cổ Lũy Động. Bây giờ, Cổ Lũy chỉ còn là tên gọi cho một cửa biển: Cửa Cổ Lũy hay cửa Đại Cổ Lũy, nơi sông Trà và một nhánh sông Vệ đổ về.
Hai bên cửa sông có hai làng: Cổ Lũy Bắc và Cổ Lũy Nam. Làng Cổ Lũy Bắc ở xã Tịnh Khê, từ 2013 thuộc TP Quảng Ngãi. Người dân Quảng Ngãi còn lưu truyền câu ca: "Ai về Cổ Luỹ xóm Câu/ Nhớ mua đôi chiếu đón dâu về làng", chính là nói về làng Cổ Lũy này.
Còn Cổ Lũy Nam là hình bóng của một làng chài cô quạnh, mà Nguyễn Cư Trinh - Tuần vũ Quảng Ngãi vào năm 1750, làm một bài vịnh: Cổ Luỹ cô thôn. Đây là một trong 10 thắng cảnh mà Nguyễn Cư Trinh ca ngợi (Cẩm thành thập cảnh); người đời sau thêm vào hai cảnh nữa, thành Cẩm thành thập nhị.
Công trình bắc ngang sông Trà Khúc, gần cửa biển mang tên Cửa Đại. Ảnh: Minh Hoàng. |
Còn Thiên Mã là dãy núi ở bờ bắc sông Trà Khúc (xã Tịnh Khê), người dân địa phương thường hay gọi là núi Ngang. Có một câu ca dân gian nói về núi này: "Bao giờ Thiên Mã sang sông/ Thì làng Mỹ Lại mới không công hầu". Câu này ý nói về dòng họ Trương nói riêng, và các dòng họ ở vùng đất này nói chung, nức tiếng có nhiều người đỗ đạt, làm quan to (nay là thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi).
"Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi là đổi tên cho công trình này lan tỏa hình ảnh quê hương đặc trưng, tạo hiệu ứng tốt cho du lịch, thu hút đầu tư", ông Võ Văn Hào, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nói.
Ông Hào cho hay lãnh đạo tỉnh đang lắng nghe, thu thập nhiều "kênh thông tin" từ các nhà chuyên môn, báo chí và cả mạng xã hội để có lựa chọn phù hợp.
Sau hơn hai năm khởi công, giữa tháng 1/2020, công trình hợp long nối hai xã Tịnh Khê và Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi). Dự kiến đến tháng 7, cầu có vốn hơn 2.250 tỷ đồng này khánh thành, đưa vào sử dụng.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 3,7 km, trong đó cầu dài hơn 1,8 km có điểm đầu giao với tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đoạn Mỹ Khê - Trà Khúc tại Km 38+125 (xã Tịnh Khê). Điểm cuối kết nối với đường bờ nam sông Trà Khúc (xã Nghĩa Phú).
Người dân làng Cổ Lũy Nam (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi) mưu sinh gần khu vực cầu Cửa Đại. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo Nghị định 91 của Chính phủ việc đặt, đổi tên đường phố và công trình công cộng nhằm thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa- xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế.
Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, gắn với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.
Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.
Cầu Cửa Đại (TP Quảng Ngãi) đang được đề xuất đổi sang tên mới. Ảnh: Google Maps. |