Đội tàu cao tốc phục vụ cuộc di chuyển lớn nhất lịch sử ở Trung Quốc
Thứ tư, 7/2/2018 11:51 (GMT+7)
11:51 7/2/2018
Những chuyến tàu cao tốc phần nào giúp hành trình xuân vận trở nên dễ dàng hơn với người Trung Quốc trong thời gian mà mỗi sân bay, ga tàu, bến xe... đều là những biển người.
Những đoàn tàu viên đạn (bullet train) nằm tại một xưởng bảo trì ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Đội tàu này đã và đang vận chuyển hàng trăm triệu người về quê ăn Tết trong kỳ xuân vận năm nay tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Ảnh: VCG/Getty.
Xuân vận, cụm từ chỉ việc di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, đã chính thức bắt đầu từ hôm 1/2. Theo ước tính của cơ quan chức năng, đường sắt là lựa chọn đi lại của 390 triệu lượt người trong thời gian 40 ngày trước và sau Tết. Đây là năm đầu tiên lượng người đi lại bằng đường bộ trong kỳ xuân vận sụt giảm, dù vẫn chiếm đến 80% tổng lượt di chuyển. Trong khi đó, lượng người đi tàu hỏa và máy bay tăng mạnh. Ảnh: Getty.
Theo nhà chức trách Trung Quốc, điều này xuất phát từ việc mạng lưới đường sắt cao tốc tại nước này đã không ngừng được mở rộng. China Daily cho biết tính đến cuối năm 2017,
tổng chiều dài đường sắt của Trung Quốc đã lên đến 127.000 km, bao gồm 25.000 km đường sắt cao tốc. Theo Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, đường sắt cao tốc Trung Quốc hiện chiếm 66,3% tổng chiều dài đường sắt cao tốc trên toàn thế giới. Ảnh: Getty.
Việc mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc tại Trung Quốc tiêu tốn hàng chục triệu USD trong những năm qua, đồng thời chứng kiến hàng loạt vụ bê bối liên quan đến cáo buộc tham nhũng. Nhiều quan chức đường sắt bị tố cáo vì mục tiêu gia tăng tốc độ mà bất chấp các tiêu chuẩn an toàn. Ảnh: VCG/Getty.
Tháng 9/2017, vận tải hành khách bằng đường sắt tại Trung Quốc đạt tốc độ tối đa lên đến 350 km/h khi tàu cao tốc Phục Hưng được đưa vào vận hành. Sự kiện diễn ra 6 năm sau một vụ tai nạn làm 40 người chết, khiến nhà chức trách phải ra quy định giảm tốc độ tối đa về mức 300 km/h. Ảnh: VCG/Getty.
Việc tăng giới hạn tốc độ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Bắc Kinh đến Thượng Hải (1.318 km) xuống chỉ còn 4 giờ 28 phút, nhanh hơn trước 1 giờ. Ảnh: Getty.
Để phục vụ nhu cầu đi lại vào dịp Tết, ngành đường sắt Trung Quốc đã bổ sung thêm 177 tàu cao tốc vào lịch trình, chuyên chở thêm khoảng 100.000 hành khách mỗi ngày. Ảnh: VCG/Getty.
Năm 2017, hơn 3.000 km đường sắt mới đã được đưa vào thi công. Nhà chức trách nói việc này sẽ giúp giảm áp lực lên các loại hình vận tải khác.
Trong 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc, 29 địa phương có đường sắt cao tốc kết nối, trừ hai khu tự trị Tây Tạng và Hồi Ninh Hạ. Ảnh: VCG/Getty.
Xuân vận là thách thức không nhỏ với ngành giao thông Trung Quốc hàng năm. Năm nay, khoảng 2,98 tỷ lượt đi lại sẽ diễn ra trong "cuộc di chuyển lớn nhất lịch sử loài người". Tuyết rơi và băng giá tại nhiều khu vực đã gây thêm khó khăn cho ngành giao thông nói chung và đường sắt nói riêng. Nhân viên đường sắt phải túc trực để dọn tuyết và băng trên đường ray để đảm bảo giao thông thông suốt. Tuy nhiên, nguy cơ muộn chuyến, hủy chuyến luôn hiển hiện. Ảnh: VCG/Getty.
Xuân vận năm nay sẽ kéo dài đến ngày 12/3, với ngày cao điểm nhất dự kiến có 100 triệu lượt người đi lại trên khắp Trung Quốc. Trong ảnh là khung cảnh tại ga Hồng Kiều ở Thượng Hải hôm 1/2. Ảnh: Reuters.
Cuộc "di cư" lớn nhất thế giới đang diễn ra tại Trung Quốc khi hàng trăm triệu người rời khỏi các thành phố lớn, lên đường về quê đoàn tụ gia đình trước dịp Tết Nguyên đán.
Theo thời gian, xuân vận, hành trình về quê ăn Tết Âm lịch của người Trung Quốc và cũng là cuộc dịch chuyển lớn nhất thế giới hàng năm, đã có nhiều thay đổi.
Khái niệm "xuân vận" ra đời cùng với công cuộc cải cách mở cửa tại Trung Quốc và đến nay đã trở thành bức tranh thu nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế của nước này.