Muôn nẻo vật lộn 'xuân vận' - cuộc di chuyển lớn nhất mỗi năm ở TQ
Thứ ba, 6/2/2018 12:59 (GMT+7)
12:59 6/2/2018
Khái niệm "xuân vận" ra đời cùng với công cuộc cải cách mở cửa tại Trung Quốc và đến nay đã trở thành bức tranh thu nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế của nước này.
Hơn 10 con tàu chờ xuất xưởng hôm 1/2 để phục vụ kỳ "xuân vận" năm 2018 tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. "Xuân vận" là từ dùng để chỉ hành trình về quê nghỉ Tết Nguyên Đán của người dân Trung Quốc, được biết đến là "cuộc di cư lớn nhất lịch sử nhân loại". Ảnh: China News.
Theo China News, khái niệm "xuân vận" được nhắc đến lần đầu vào năm 1980 trên Nhân dân Nhật báo. Khi đó, Trung Quốc đang trải qua những năm đầu của quá trình "cải cách mở cửa". Trong ảnh là quang cảnh ga Thượng Hải vào năm 1983. Ảnh: Xinhua.
Chính sách cải cách đã tạo ra luồng di dân khổng lồ từ vùng nông thôn đến các thành phố lớn và đặc khu kinh tế để làm việc, học tập. Mỗi khi Tết đến, những người này lại về quê để sum họp với gia đình, hình thành nên "xuân vận". Trong ảnh là người chờ mua vé tại ga Trường Sa ở tỉnh Hồ Nam năm 1994. Ảnh: Xinhua.
Trong ảnh là cảnh người xếp hàng chờ tại một điểm mua vé tàu ở tỉnh Quảng Đông vào ngày 7/2/1999 (22 tháng Chạp). Quảng Đông thu hút rất đông lao động từ các nơi khác đến làm việc vì tỉnh này tập trung đến ba trong năm đặc khu kinh tế thời kỳ đầu tại Trung Quốc (Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu). Ảnh: China News.
Một chuyến tàu từ Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, khởi hành đi Trùng Khánh vào năm 2000. Khi đó, tàu cao tốc vẫn chưa phổ biến tại Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Đi tàu dịp Tết, cảnh tượng 4 người ngồi 3 ghế không hiếm. Hình trên được chụp trên chuyến tàu từ Bắc Kinh về Trịnh Châu năm 2001. Ảnh: China News.
Những người ngồi ghế bổ sung thường phải tìm mọi cách để có thể ngủ. Ảnh: China News.
Gần như mỗi không gian trống trên tàu đều chật kín người và hành lý. Ảnh: China News.
Băng rôn tại ga Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, vào dịp Tết 2003 viết: "Trời lạnh đất đóng băng cũng không hề gì/Đã có tàu hỏa đưa bạn về nhà sớm". Tết Nguyên Đán là kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm với người Trung Quốc. Ảnh: China News.
Cảnh tượng "biển người" chen chúc chờ mua vé tại các ga tàu, bến xe không còn xa lạ vào mỗi dịp Tết tại Trung Quốc. Trong ảnh là ga Thái Viên Bá tại thành phố Trùng Khánh vào ngày 14/2/2007 (27 Tết). Ảnh: China News.
Không phải ai xếp hàng chờ cả ngày cuối cùng đều có thể mua được vé. Ảnh: Getty.
Những người đến sát giờ tàu chạy được nhân viên ga tàu trợ giúp lên tàu qua cửa sổ. Cảnh tại ga Vô Tích ở Giang Tô vào năm 2009. Ảnh: China News.
Nếu không mua được vé tàu, không ít người lựa chọn về nhà bằng xe khách hoặc xe máy. Dọc đường cao tốc là các trạm dừng chân để người đi xe máy ăn uống, nghỉ ngơi, đổ xăng... Ảnh: China News.
Những năm qua, việc đưa vào khai thác các tuyến đường sắt cao tốc đã giúp cuộc xuân vận trở nên "dễ thở" hơn. Dù vậy, với gần 3 tỷ lượt di chuyển trong thời gian 40 ngày, đây là thách thức không nhỏ với ngành giao thông ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong ảnh là tàu cao tốc Phục Hưng do Trung Quốc tự sản xuất. Ảnh: China News.
Những chuyến tàu cao tốc cũng tiện nghi như máy bay với khoang hạng nhất và đội ngũ tiếp viên được đào tạo chuyên nghiệp. Ảnh: Xinhua.
Việc mua vé tàu, xe, máy bay... không còn quá khó khăn như trước với sự ra đời của các ứng dụng trên di động. Từ khoảng 100 triệu lượt di chuyển vào dịp "xuân vận" những năm 1980, đến nay con số này đã tăng gấp gần 30 lần. Ảnh: China News.
Các công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt cũng giúp việc đi lại trở nên thuận tiện, tiết kiệm thời gian hơn. "Xuân vận" 2018 bắt đầu từ 1/2 và kết thúc ngày 12/3. Ảnh: China News.
Từ hôm nay, người dân Trung Quốc bắt đầu hành trình về quê ăn Tết, hay còn gọi là "xuân vận", cuộc di chuyển lớn nhất thế giới thường kéo dài 40 ngày dịp Tết Nguyên Đán.
Cuộc "di cư" lớn nhất thế giới đang diễn ra tại Trung Quốc khi hàng trăm triệu người rời khỏi các thành phố lớn, lên đường về quê đoàn tụ gia đình trước dịp Tết Nguyên đán.