Ở cấp bậc quan trọng nhất của quan hệ đối ngoại, đây sẽ là đối tác chiến lược thứ 16 Việt Nam từng thiết lập.
Sự thay đổi quan hệ này được quan sát rất kỹ qua góc nhìn của ông Gareth Evans, nguyên ngoại trưởng giai đoạn 1988-1996 và giờ là Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Australia (ANU) – nơi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm đầu tiên sau khi ông hạ cánh ở Canberra chiều 13/3.
Chiều 14/3, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Canberra ở thủ đô Canberra, chính thức thăm Australia theo lời mời của Thủ tướng Malcolm Turnbull. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Ông Evans từng biết Việt Nam của chiến tranh khi tới đây vào năm 1968, một trong thời điểm đỉnh điểm của cuộc chiến, khi còn là sinh viên. Sau này, ông nhiều lần làm việc với cố bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, thân sinh của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong thời kỳ vấn đề Campuchia của những năm cuối 1980, đầu 1990.
“Tôi đã chứng kiến Việt Nam từ một quốc gia nghèo trở thành một quốc gia thu nhập trung bình và giờ có một trong những nền kinh tế cởi mở nhất ở khu vực, ngang ngửa với Singapore”, Hiệu trưởng Evans nói trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
30 năm sau, trong ngày hôm nay, ông Evans sẽ chứng kiến người con của cố bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đóng góp vào tiến trình để nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Quan hệ hai nước đã có những thay đổi dài kể từ 1988.
Thời điểm “chín muồi”
Học giả Lê Thu Hương viết cho ASPI nhấn mạnh rằng thời điểm đã “chín muồi” cho quan hệ đối tác chiến lược và việc ký kết này thực tế là hiện thực hóa mục tiêu được đề ra trong sách trắng Đối ngoại 2017 của Canberra. Sách trắng nói rõ Australia sẽ tập trung nhiều hơn tới Đông Nam Á. Sách trắng của Australia cũng miêu tả Việt Nam là đối tác ngày càng thịnh vượng với tư duy mở và ổn định.
Với 10 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Australia trong ASEAN (sau Indonesia với 16,4 tỷ USD) nhưng Việt Nam đang là đối tác với tốc độ tăng kim ngạch mạnh nhất với tỷ lệ 12%/năm trong 5 năm qua.
Tốc độ xuất khẩu của Australia vào Việt Nam tăng tới 16%/năm trong thập kỷ qua và đã tăng từ 32,3 triệu USD của 1990 tới 6 tỷ USD trong năm 2017.
Cựu ngoại trưởng Evans trong bài nói chuyện tại ANU nhắc đến lợi ích chiến lược mà hai nước cùng chia sẻ, đặc biệt là “trật tự thế giới dựa trên luật lệ cần được đảm bảo”. Ông cũng đặt ra một loạt câu hỏi về những tranh chấp lãnh thổ đang là tâm điểm ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trước cuộc hội đàm tại Nhà Quốc hội ở thủ đô Canberra ngày 15/3. Ảnh: Thanh Tuấn |
Trong bài viết trên Australian Financial Review, Greg Earl chỉ ra “Việt Nam là đối tác cởi mở và kiên định với Australia”, đặc biệt trong các vấn đề khu vực.
Điều này dựa trên ba trụ cột quan tâm: về vấn đề an ninh khu vực, sự bổ trợ về kinh tế giữa hai bên cũng như là thế hệ thứ hai những Việt kiều (hiện có 300.000 người ở Australia) đang mang nhiều kỹ năng của mình về quê hương.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick nêu rất rõ điều này và chỉ ra kinh tế Việt Nam vẫn tăng gấp đôi mỗi 15 năm trong khi các chính phủ trong khu vực thì “không hoạt động hiệu quả vậy”.
Nhờ kết quả của 45 năm quan hệ ngoại giao và 8 năm quan hệ đối tác toàn diện, cả hai đã xây dựng được niềm tin chiến lược đủ mạnh liên quan tới các thách thức an ninh mà khu vực và thế giới đang đối mặt.
“Việt Nam được coi là đối tác mang tính xây dựng ở khu vực, đặc biệt là trong ASEAN. Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với 11 nước khác, bao gồm 4 trên 5 nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, bài báo viết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Hiệu trưởng ANU Gareth Evans (giữa) món quà lưu niệm là hình đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn miếu Quốc tử giám. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Những ưu tiên của đối tác chiến lược
Theo giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, sau khi hiệp định Đối tác Chiến lược được ký kết, hai bên cần nhanh chóng đưa ra kế hoạch hành động cho những năm tới. Ba lĩnh vực nên là ưu tiên theo ông là: Thứ nhất, hai bên nên nhanh chóng đưa ra cơ chế tham vấn cấp bộ trưởng về hợp tác kinh tế để sắp xếp quan hệ thương mại, đầu tư giúp thúc đẩy hội nhập lớn hơn kinh tế hai nước trong khu vực.
Thứ hai, Australia và Việt Nam nên tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh để cùng giải quyết các thách thức an ninh khu vực đang nổi lên, cùng hợp tác trong một loạt vấn đề an ninh như tội phạm xuyên quốc gia: buôn bán người, buôn ma túy.
Thứ ba, Australia và Việt Nam cần sáng tạo hơn trong mọi khía cạnh quan hệ song phương.
Trong cuộc phỏng vấn với Fairfax Media trước thềm hội nghị đặc biệt ASEAN-Australia cuối tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi tất cả các nước tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Thủ tướng nói rằng có “rất nhiều cơ hội” Việt Nam và Australia cải thiện hợp tác và kim ngạch thương mại song phương, đạt 10 tỷ USD trong năm 2017.
Trong bài phỏng vấn, Thủ tướng nói hai nước sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như “tìm kiếm và cứu nạn; chống khủng bố; chống buôn bán người; an ninh mạng và an ninh hàng hải” và hợp tác lẫn nhau trong “các cơ chế hợp tác khu vực về quốc phòng và an ninh”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông nói có những tuyến hàng hải lớn đi qua là lợi ích và mục tiêu chung của mọi quốc gia”.
“Việc các nước chủ động đóng góp cho mục tiêu chung này, tránh các hành động có thể gây hoặc làm tăng căng thẳng, giải quyết khác biệt qua đối thoại và các biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở và luật quốc tế... Cả Australia và ASEAN đều có vị trí và vai trò quan trọng ở khu vực”.