"Nếu sản xuất được iPhone, tại sao chúng ta không thể làm xe điện? Đó là chiếc iPhone có 4 bánh", nhà sáng lập kiêm cựu Chủ tịch Foxconn Terry Gou thường xuyên nhắc lại điều này trong những cuộc họp tại công ty.
Năm 2014, Gou từng "bật đèn xanh" cho dự án A-Fu của Foxconn nhằm tạo ra nguyên mẫu xe điện hoàn chỉnh. Ông cam kết chia bớt cổ phiếu cho đội ngũ phát triển nếu dự án thành công. Dù vậy, A-Fu chỉ tồn tại trong thời gian ngắn bởi chế tạo xe điện phức tạp hơn dự tính.
Tuy nhiên, giấc mơ xe điện của Foxconn chưa bao giờ tắt. Young Liu, người kế nhiệm Gou vào năm 2019, đặt mục tiêu thiết kế, linh kiện, bộ phận cơ khí và phần mềm của Foxconn sẽ có mặt trong 5% tổng xe điện trên toàn cầu vào năm 2025. Tập đoàn này cũng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ, Thái Lan và một số cơ sở sản xuất ở châu Âu. Foxconn tự tin công nghệ, tiêu chuẩn của họ đủ sức cạnh tranh với các hãng xe hơi truyền thống.
Hướng đi mới của Foxconn
Mục tiêu xe điện được đưa ra trong bối cảnh lợi nhuận ròng của Foxconn giảm liên tục từ năm 2017. Xe điện là hy vọng để Foxconn tăng tỷ suất lợi nhuận gộp từ 6% lên 10% như mục tiêu. Nhờ công bố giấc mơ xe điện, cổ phiếu của Foxconn vào tháng 3 đã đạt mức cao nhất trong 4 năm, tăng 15% từ đầu năm đến nay.
Chủ tịch Foxconn Young Liu (phải) tiếp quản giấc mơ xe điện từ người tiền nhiệm Terry Gou. Ảnh: Foxconn. |
Các công ty con của Foxconn đã cung cấp linh kiện điện tử cho nhiều hãng xe điện như Tesla hay BMW, bao gồm màn hình, bảng mạch in, các bộ phận cơ khí và nhựa. Thời gian gần đây, Foxconn còn hợp tác với các chuỗi cung ứng và startup, bao gồm liên doanh với Stellantis (Hà Lan) để phát triển phần mềm cho xe hơi thông minh, liên doanh với Geely (Trung Quốc) cho dịch vụ tư vấn, sản xuất hệ thống truyền động thông minh, phần mềm và cả chiếc xe.
Thông qua công ty con FIH Mobile, Foxconn cũng muốn nâng cao chuyên môn về phần mềm. Đầu tháng 8, tập đoàn này đã mua lại một cơ sở bán dẫn tại Đài Loan để kiểm soát việc sản xuất chip cho xe điện. Foxconn ước tính doanh thu từ linh kiện xe (không bao gồm màn hình điều khiển) có thể vượt 359 triệu USD trong năm 2021, tăng 40% so với năm 2020 dù vẫn khá thấp nếu tính cả ngành xe hơi tại Đài Loan.
Giấc mơ phá vỡ chuỗi cung ứng truyền thống
Trong hàng chục năm qua, các hãng xe truyền thống cạnh tranh nhau bằng cách đầu tư vào động cơ, hộp số và hệ thống truyền động. Tuy nhiên, một chiếc xe điện ít phức tạp hơn mới là giấc mơ của nhiều startup mới nổi.
Nếu sản xuất được iPhone, tại sao chúng ta không thể làm xe điện? Đó là chiếc iPhone có 4 bánh
Nhà sáng lập kiêm cựu Chủ tịch Foxconn Terry Gou
Mục tiêu của Foxconn là thay thế các nhà cung ứng cấp một (tier-one) để sản xuất xe điện hoàn chỉnh cho các startup như Fisker (Mỹ) hay Byton (Trung Quốc). Nhiều công ty công nghệ cũng muốn thử sức như Xiaomi, Samsung hay Apple. Baidu, công ty Internet lớn tại Trung Quốc cũng thành lập liên doanh với Geely để ra mắt xe điện.
Theo Nikkei, cơ hội lớn nhất có lẽ nằm trong tay Apple. Đang lắp ráp hơn 60% lượng iPhone trên thế giới, Foxconn được cho là ứng cử viên cung cấp xe điện cho Táo khuyết.
Khác với những "đại gia" như Apple, giấc mơ xe điện với các startup không hề đơn giản. Được thành lập năm 2016 bởi các giám đốc BMW nhưng Byton từng kiệt quệ tài chính trước khi hợp tác với Foxconn vào tháng 1. Fisker cũng chưa thể ra mắt mẫu xe đầu tiên được sản xuất bởi Magna International, nhà cung ứng cấp một với tuổi đời hơn 60 năm. Bản thân Foxconn cũng chưa thể cho xe điện rời khỏi nhà máy trước năm 2023.
Những công ty con của Foxconn đang cung ứng một số linh kiện cho các hãng xe điện, bao gồm màn hình điều khiển thông minh. Ảnh: EPA. |
Foxconn được xem là cái tên đi đầu trong nỗ lực phá vỡ chuỗi cung ứng xe hơi truyền thống. Tháng 10/2020, tập đoàn này đã ra mắt "liên minh EV mở", với sự tham gia của các công ty phần mềm và phần cứng trong lĩnh vực xe hơi.
Đến tháng 6, Foxconn khởi xướng MIH Consortium (Mobility in Harmony), liên minh với mục tiêu đặt ra tiêu chuẩn chung để phát triển xe điện, với sự tham gia của hơn 1.800 công ty như Qualcomm, Microsoft bên cạnh các nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới.
Dù chưa công bố xe điện hoàn chỉnh, MIH Consortium đã đưa ra tài liệu kỹ thuật chung cho phần mềm và phần cứng trong xe điện, dự kiến cung cấp cho các hãng xe vào cuối năm nay. Foxtron, liên doanh của Foxconn với Yulon Motor (Đài Loan) đang sử dụng nền tảng của MIH cho nguyên mẫu xe bus điện đầu tiên, dự kiến lăn bánh tại Đài Loan trong năm 2022.
Shinpei Kato, nhà sáng lập Tier IV, startup phát triển phần mềm xe tự lái của Nhật Bản cho biết mục tiêu của MIH nhằm tạo ra mô hình chuỗi cung ứng tương tự thị trường xe hơi truyền thống, tuy nhiên sẽ không có chuyện chỉ các hãng xe ở cấp cao nhất mới có toàn quyền quyết định thiết kế, cấu trúc của xe.
Trong xe điện, các thành phần như động cơ, pin được quản lý bằng phần mềm thay vì linh kiện cơ học. Do đó, chúng có thể nằm trong một module và hoạt động như hệ thống phụ. Các nhà cung ứng sẽ có cơ hội làm việc cùng nhau để thiết kế và chế tạo các module này.
Thành bại phụ thuộc vào năng lực
Chiu Shih-fang, nhà phân tích xe hơi điện của Viện Kinh tế Đài Loan (TIER) cho rằng MIH sẽ giúp các nhà sản xuất linh kiện tham gia chuỗi cung ứng xe điện nhanh chóng hơn, trong khi Foxconn có thể tiếp cận nhiều nhà cung ứng để tăng khả năng cạnh tranh.
"Tuy nhiên, sự thành công của MIH vẫn phụ thuộc vào năng lực công nghệ thực sự của các nhà cung ứng", Shih-fang nhận định. MIH đã trở thành tổ chức phi lợi nhuận vào tháng 7, nghĩa là nó không còn thuộc về Foxconn, các công ty tham gia cũng không phụ thuộc vào tập đoàn này.
Xe điện đang là giấc mơ của nhiều hãng xe truyền thống và cả tập đoàn công nghệ. Ảnh: AppleInsider. |
Foxconn không phải công ty công nghệ duy nhất nuôi giấc mơ xe điện. Vào tháng 7, Nidec cho biết đang đàm phán để thành lập liên doanh với Foxconn. Đây là nhà sản xuất động cơ lớn nhất thế giới, sản phẩm của họ xuất hiện trong nhiều thiết bị từ máy tính, smartphone và tủ lạnh. Nidec đặt mục tiêu cung cấp 45% động cơ kéo cho xe điện trong năm 2030.
Những đối thủ của Foxconn như Quanta Computer, Pegatron đã cung ứng bảng điều khiển điện tử cho các hãng xe truyền thống. Delta Electronics, nhà cung cấp giải pháp quản lý điện năng nổi tiếng đã sản xuất hệ thống quản lý nguồn, sạc, nhiệt và động cơ xe điện trong hơn 10 năm.
LG Electronics, công ty điện tử lớn của Hàn Quốc cũng muốn liên doanh với Magna với mục tiêu sản xuất xe điện cho Apple trong những năm tới. Cho đến khi giấc mơ thành hình, các hãng xe truyền thống vẫn giữ vững vị thế. Không chỉ mức độ nhận diện thương hiệu, họ cũng có kinh nghiệm hơn hẳn những startup hay công ty công nghệ.
Chế tạo xe điện có thể đơn giản hơn xe truyền thống, nhưng phức tạp hơn iPhone. Tiêu chuẩn an toàn cho xe điện cao hơn nhiều so với điện thoại di động. Sanshiro Fukao từ Viện nghiên cứu Itochu cho biết các hãng xe đang theo dõi dự án của Foxconn song nhận định Foxconn "dường như không hiểu ngành công nghiệp này".
"Một hãng xe hơi đủ khả năng kết hợp linh kiện và chứng nhận an toàn cho chúng... Foxconn nghĩ rằng kết hợp chuỗi cung ứng cấp 2 sẽ giúp ích cho quá trình này. Nhưng điều đó là không đúng", ông Fukao nhận định.
Cựu chủ tịch Foxconn Terry Gou nhiều lần nói rằng nếu sản xuất được iPhone, tập đoàn này có thể tạo ra xe điện. Ảnh: Apple. |
Các nhà phân tích khác cũng thận trọng về tham vọng của Foxconn, cho rằng chu kỳ phát triển xe hơi dài hơn nhiều so với thiết bị điện tử tiêu dùng, quá trình xây dựng dây chuyền sản xuất xe hơi cũng khác so với hàng điện tử.
Raymond Tsang, đối tác tại Thượng Hải của công ty tư vấn Bain & Co cho rằng chuỗi cung ứng xe hơi cần đảm bảo linh hoạt trong các tùy chọn màu sắc, nội thất và phụ kiện bổ sung tùy nhu cầu của khách hàng, khác với dây chuyền sản xuất smartphone có phần tiêu chuẩn hơn.
Liu, Chủ tịch hiện tại của Foxconn khẳng định xe điện sẽ tạo ra di sản của ông tại Foxconn. "Để hiện thực hóa ước mơ này, Foxconn cần làm ra những linh kiện tốt nhất để có được sự tin tưởng từ các khách hàng lớn, bao gồm Apple", Soumen Mandal, nhà phân tích của Counterpoint Research nhận định.