Apple đang chuẩn bị các thủ tục để kiện GEEP Canada, đối tác tái chế cũ của họ vì hành vi lấy cắp và bán lại ít nhất 103.845 chiếc iPhone, iPad và Apple Watch.
"Có ít nhất 5.336 kg thiết bị Apple rời khỏi khu vực quản lý của GEEP mà không được tiêu hủy. Chính GEEP đã thừa nhận điều này", AppleInsider trích tài liệu pháp lý của Apple.
Apple thuê nhiều công ty bên ngoài để tái chế thiết bị, nhằm thu lại những vật liệu quan trọng bên trong những chiếc iPhone, iPad. Ảnh: Apple. |
GEEP Canada, nay thuộc về công ty Quantum Lifecycle Partners, là đối tác xử lý tái chế các thiết bị Apple. Từ tháng 1/2015-12/2017, Apple đã chuyển hơn 500.000 iPhone, hơn 25.000 iPad và 19.000 Apple Watch tới GEEP để tái chế.
Tuy nhiên khi kiểm toán, Apple nhận thấy 18% trong số các thiết bị đó vẫn đang kết nối vào mạng di động. Con số này chưa tính đến các máy chỉ có kết nối WiFi như Apple Watch bản GPS, do vậy số lượng thực tế có thể còn lớn hơn.
Apple yêu cầu GEEP trả lại toàn bộ số tiền bán thiết bị, đồng thời bồi thường 22,7 triệu USD. Tuy nhiên, GEEP cho biết họ không làm gì sai, và cho rằng vụ việc xảy ra do các nhân viên gian lận, tự ý mang thiết bị đi. Công ty này cho biết họ sẽ buộc 3 nhân viên của mình bồi thường tiền bán máy cùng thiệt hại do bị Apple hủy hợp đồng.
Dù vậy, Apple cho rằng nếu nhân viên của GEEP vi phạm thì công ty này cũng phải chịu trách nhiệm.
Năm 2019, lượng rác thải điện tử do con người tạo ra lên tới 53,6 triệu tấn. Rác điện tử bao gồm các thiết bị như điện thoại, máy tính, đồ gia dụng cũ bị con người thải loại. Apple đã có nhiều nỗ lực để tăng khả năng tái chế, giảm thiểu lượng rác thải điện tử. Trong những sự kiện gần đây, họ nhắc đến robot tái chế Daisy và Dave, cho phép tháo các thành phần của iPhone một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, Apple vẫn cần đến các đối tác tái chế để thu hồi lại các vật liệu trên những thiết bị cũ. GEEP Canada là một trong những đối tác như vậy từ năm 2015-2018. Ngoài ra, GEEP cũng bán các thiết bị đã tân trang lại.