Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đời sống người Việt 100 năm trước qua ảnh liệu Viện Viễn Đông Bác Cổ

Kho lưu trữ ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) có nhiều bức ảnh quý hiếm phản ánh đời sống sinh hoạt của người Việt Nam hàng trăm năm trước.

Ky uc Dong Duong anh 1

Sách Ký ức Đông Dương: Việt Nam - Campuchia - Lào giới thiệu nhiều hình ảnh quý từ kho lưu trữ ảnh liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO). Những hình ảnh này không chỉ phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của Viện Viễn Đông Bác Cổ qua các giai đoạn lịch sử, mà còn phản ánh tự nhiên và văn hóa, con người và thiên nhiên, lễ hội và truyền thống, thực hành Phật giáo… của Đông Dương. Trong số đó, có nhiều bức ảnh quý hiếm phản ánh đời sống sinh hoạt của người Việt Nam hàng trăm năm trước. Ảnh năm vị quan trong trang phục cung đình (tháng 4/1926, khuyết danh).

Ky uc Dong Duong anh 2

Bốn kỵ binh trong quân phục tập luyện (1908, khuyết danh). Phần lớn các đơn vị quân đội thuộc địa bản xứ Bắc Bộ chỉ bao gồm bộ binh nhưng riêng binh đoàn Hà Nội có một biệt đội kỵ binh. Do thời tiết bản địa khắc nghiệt, số ngựa được gửi từ Pháp sang Việt Nam có tỷ lệ tử vong rất cao.

Ky uc Dong Duong anh 3

Hai nhạc công mù biểu diễn, các nữ cung văn ca hát, thu hút đám trẻ trên phố (khuyết niên đại, khuyết danh).

Ky uc Dong Duong anh 4

Hai cụ đồ kiêm thầy bói, người viết sớ, tham vấn về mọi việc liên quan đến thần linh và con người. Không thể thiếu sự hiện diện của họ trong các đền phủ (Hà Nội, tháng 3/1953, J. Manikus).

Ky uc Dong Duong anh 5

Người bán tranh dân gian và câu đối in sẵn (khuyết niên đại, khuyết danh). Tranh dân gian Việt Nam được làm bằng cách dùng bản gỗ khắc hình rập lên giấy dó. Phong cách tranh của phố Hàng Trống đặc trưng bằng kiểu rập độc nhất với màu đen, sau đó tranh được tô màu đỏ và đôi khi tô điểm thêm các ghi chú bằng bút lông, rất dễ nhận ra so với các thể loại tranh khác. Thời xưa, tranh dân gian được phổ biến rộng ở miền Bắc vào dịp Tết âm lịch, khai thác nhiều chủ đề đa dạng, cả tôn giáo lẫn thế tục.

Ky uc Dong Duong anh 6

Ép dầu trên đường Cái Quan (Hà Nội, tháng 12/1937, khuyết danh). Dù nhìn qua có vẻ sơ sài nhưng kiểu ép dầu bằng chêm này rất hiệu quả, từng được nhiều ngành nghề khác nhau sử dụng, trong đó có những người làm dầu trẩu, còn gọi là dầu gỗ Tàu, dùng làm sơn mài. Bã hạt được nghiền nát, rang sơ qua rồi cho vào một cái khoang nằm giữa hai vật chèn bằng gỗ. Những vật chèn này được gắn một cái vồ tạo lực mạnh và dầu chảy qua một cái khe được làm sẵn để hứng dầu.

Ky uc Dong Duong anh 7

Thợ thủ công nam, nữ đang làm mành tre (khuyết niên đại, khuyết danh). Thường được gọi chung là “khu 36 phố phường” dành cho nhiều phường hội nghề nghiệp nhưng khu phố cổ Hà Nội, nằm ở phía Bắc bờ hồ, chỉ trải dài trên diện tích không quá một trăm héc ta bao gồm các phố có tên gọi theo hoạt động nghề nghiệp ngày xưa (Hàng Dầu, Hàng Bông, Hàng Vải, Hàng Buồm, Hàng Muối, Hàng Than, Hàng Thiếc, Hàng Mành...).

Ky uc Dong Duong anh 8

Thợ thủ công, bán đồ thiếc và người bán nón (khuyết niên đại, khuyết danh).

Ky uc Dong Duong anh 9

Đàn trâu trầm mình dưới ao, bên cạnh ruộng lúa, hình ảnh bình thường nhưng thể hiện vị trí quan trọng của con trâu trong sản xuất nông nghiệp (khuyết niên đại, L. Finot).

Ky uc Dong Duong anh 10

Thầy cúng đứng sau hai người đàn ông đang ngồi gọi hồn trước cây đa ở Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Đồ cúng được bày trên hai chiếc bàn ở dưới gốc gây. Cây đa cổ thụ trăm tuổi hiện nay vẫn còn trước Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tên cũ là bảo tàng Louis Finot (khuyết niên đại, khuyết danh).

Ky uc Dong Duong anh 11

Sách Ký ức Đông Dương: Việt Nam - Campuchia - Lào, tác giả: Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Eric Bourdonneau, Philippe Lefailler, Michel Lorillard; Nguyễn Thị Hiệp dịch tiếng Việt; David Smith dịch tiếng Anh; Olivier Tessier biên soạn; Zac Herman hiệu đính. Sách do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM và Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) Pháp tại Việt Nam ấn hành tháng 6/2020, sau hơn hai năm bắt tay thực hiện. Đây là ấn bản đầu tiên có 3 ngôn ngữ: Việt - Pháp - Anh.

Cảnh quan, kiến trúc của TP.HCM xưa và nay

Những hình ảnh Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và TP.HCM ngày nay được trình bày cạnh nhau, cho phép chúng ta thấy được sự thay đổi cảnh quan kiến trúc của thành phố.

Minh Châu - Quỳnh My

Bạn có thể quan tâm