Chuyến vận chuyển bệnh nhân ám ảnh nhất của y sĩ Huỳnh Đức Thành kết thúc với việc anh ngã gục trước sân trạm, toàn thân co giật, sùi bọt mép vì sốc nhiệt. Đồng nghiệp phải kéo anh ra khỏi lớp đồ bảo hộ, dốc ngược chai nước để “tắm” cho anh từ đầu xuống chân.
“Hôm đó chuyển 4 ca dương tính phải thở máy từ Bệnh viện Đà Nẵng về Bệnh viện Hòa Vang. Chúng tôi mặc đồ bảo hộ quá bí mà không ai dám kéo khẩu trang ra để thở", anh Thành nhớ lại.
9 kíp trực của Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng bị số ca bệnh áp đảo trong những ngày đầu bùng dịch. Cả thành phố lúng túng vì ca nhiễm xuất hiện khắp nơi. Mỗi ca F0 lại kèm theo hàng chục F1.
90 người của trung tâm cấp cứu phải rút bớt thời gian nghỉ ngơi, nâng số kíp trực trong một khung giờ từ 9 lên 21 kíp.
"Óe ò...", âm thanh còi hụ phá tan buổi trưa yên ắng của một khu phố tại phường Hòa Khê, quận Thanh Khê. Xe cứu thương 115 lao qua chốt barie đã mở sẵn, đỗ trước cửa một ngôi nhà 3 tầng.
Cả dãy phố lấp ló những khuôn mặt tò mò xen lẫn lo âu. Tiếng cửa xếp ken két hé mở. Từ trong nhà bước ra là một phụ nữ trung tuổi mặc áo cộc tay và đeo khẩu trang. Cô vừa được thông báo kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
"Đứng đó đi cô", nhân viên y tế hô lớn khi thấy người phụ nữ toan bước qua ngưỡng cửa. Kíp xe 2 người nhanh chóng bước xuống với đồ bảo hộ kín mít. Các y sĩ yêu cầu nữ bệnh nhân lùi sâu vào trong nhà. Họ tiến đến cửa và đặt vào trong 1 bộ đồ bảo hộ.
"Cô mặc vô đi, đúng rồi, luồn chân vô... Không phải, ngược rồi!", cả kíp xe chờ hơn 10 phút mà người phụ nữ vẫn luống cuống không biết mặc đồ bảo hộ sao cho đúng.
Hít sâu một hơi, vị y sĩ bước đến gần người bệnh. Anh túm lấy bộ đồ bảo hộ, vạch rộng 2 ống quần rồi nói "cô đưa chân vô đây".
“Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng là đơn vị duy nhất vận chuyển bệnh nhân dương tính Covid-19. Nếu gọi các y bác sĩ điều trị là tuyến đầu thì chúng tôi là tuyến lửa”, bác sĩ Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ.
Một nhân viên 115 thường xuất hiện như những “phi hành gia”. Tất cả phải náu mình trong những bộ quần áo bảo hộ nóng nực và ngột ngạt. Thứ trang phục bào mòn thể lực ấy đã khiến nhiều người đổ gục khi đang làm việc.
Chỉ đến khi họ xong nhiệm vụ, trút bỏ lớp bảo hộ thì mới lộ rõ những mái đầu cạo trọc và đôi bàn tay nhăn nheo vì đeo găng cao su quá lâu.
Khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, gần 20 nhân viên nam của trung tâm 115 Đà Nẵng lần lượt dùng tông đơ húi trọc để đỡ vướng víu mỗi khi mặc đồ bảo hộ. Ban đầu họ chỉ định cắt ngắn còn 3 phân cho gọn gàng, nhưng những đôi tay chưa bao giờ dùng tông đơ tạo ra quá nhiều vết lẹm đến sát chân tóc. “Thôi ủi trọc luôn cho nhanh”, y sĩ Nguyễn Trung kể.
Với các nhân viên cấp cứu 115, mỗi lần vận chuyển bệnh nhân dương tính là thêm 1 lần biến mình thành F1. Không ai muốn tiếp xúc gần, nhưng đó là rủi ro công việc mà họ buộc phải đối mặt.
Tiếp xúc gần cũng có nhiều mức độ. Nhẹ nhất là khi bệnh nhân khỏe mạnh và tỉnh táo, toàn bộ kíp xe gồm 1 tài xế và 1 y sĩ sẽ ngồi ở ghế trước, để bệnh nhân ngồi khoang sau. Mức độ cao hơn là khi bệnh nhân bị suy hô hấp nhẹ, một y sĩ sẽ phải ngồi cùng người bệnh để theo dõi sức khỏe.
Nguy hiểm nhất là khi bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, y sĩ phải trực tiếp chạm vào cơ thể người bệnh để đặt nội khí quản, đồng thời mắt luôn theo dõi các chỉ số sinh tồn như nhịp tim, huyết áp…
Sáng 10/8, các nhân viên trạm 115 Hải Châu nhận được kết quả âm tính lần 2 với SARS-CoV-2. Nhiều người háo hức vì được cho về thăm con cái sau nửa tháng vắng nhà.
Nhưng đến chiều, họ nhận tin bác sĩ Đ. tại Bệnh viện Đà Nẵng - người thường xuyên đi cùng kíp xe 115 trên những chuyến vận chuyển bệnh nhân nặng - mắc Covid-19.
"Anh ấy luôn động viên tôi không việc gì phải sợ. Tuổi trẻ sợ cái gì? Xông pha đi", y sĩ Trung nhớ lại những lần ngồi chung xe với người đồng nghiệp. Người đàn ông đó lúc nào cũng năng nổ và coi Covid-19 như kẻ thù không đội trời chung.
Sáng 10/8, kíp xe 115 đến Bệnh viện Đà Nẵng đón bác sĩ Đ. đi điều trị. Anh bước vào khoang xe và thốt một câu “Nhục quá!”. Cả kíp xe bật cười. Anh cũng cười. Nụ cười tiếc nuối của một người lính vừa bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Giai đoạn cuối tháng 7, TP Đà Nẵng có những ngày ghi nhận hàng chục ca lây nhiễm trong cộng đồng. Khi thành phố đã bố trí được 2 bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 là Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, các kíp xe lại được “tổng động viên” cho nhiệm vụ chuyển bệnh nhân từ các “ổ dịch” sang bệnh viện dã chiến.
Nhiều ngày sau, các ca nhiễm trong khu dân cư ít dần. Kíp xe 115 đảm nhận thêm 2 nhiệm vụ: Chở các bệnh nhân âm tính về đoàn tụ với gia đình và đưa ca tử vong đi hỏa thiêu.
Chị Võ Thị Thanh Huyền, nhân viên cấp cứu tại trạm 115 Hải Châu, còn nhớ trường hợp một sản phụ sợ vào bệnh viện đến nỗi sát ngày sinh vẫn nằm ở nhà. Tới khi người mẹ vỡ ối thì gia đình cuống quýt gọi 115.
Đứa trẻ chào đời ngay tại sàn nhà. Chị Huyền cắt rốn và bế bé lên bằng đôi bàn tay bọc 3 lớp găng cao su. “Cả 2 mẹ con đều khỏe mạnh, nhưng vẫn phải nhập viện để chống nhiễm khuẩn và chích ngừa. Ở trong đó có đủ quy trình phòng dịch cho bệnh nhân”, chị Huyền kể lại.
Với những lái xe 115, tiếng khóc chào đời của đứa trẻ như một thanh âm dịu dàng giữa thời dịch bệnh. Nó khiến mọi người quên đi nỗi ám ảnh về những kíp xe chỉ có một người.
Với nhiều người dân Đà Nẵng, việc thấy chiếc xe 115 đỗ trước khu dân cư, các nhân viên y tế bước ra trong trang phục bảo hộ kín mít giống như thấy cánh chim báo bão. Sự hoang mang là không cần thiết, nhưng nó vẫn hàng ngày bày ra trước mắt các nhân viên 115.
"Alô con à, họ chở bố đi đâu đây? Bố không biết", ông lão nằm mê man trong khoang xe cấp cứu bỗng nhiên tỉnh giấc, móc điện thoại gọi cho con trai.
Xe từ Bệnh viện Đà Nẵng hướng đến Bệnh viện dã chiến Hòa Vang trong khi bệnh nhân 71 tuổi vẫn chưa hay biết mình đã dương tính với SARS-CoV-2. Y sĩ Lê Thị Thùy Dung không đếm được mình đã chứng kiến bao nhiêu kiểu gia đình ly tán vì có người nhiễm bệnh.
Mỗi bệnh nhân Covid-19 lại có phản ứng khác nhau khi đối diện với biến cố sức khỏe của mình. Như một nam thanh niên dương tính với Covid-19 tại khu cách ly Hòa Cầm, dù bị gãy một chân nhưng anh nhất quyết không để cho nhân viên cứu thương chạm vào cơ thể vì sợ lây nhiễm.
"Cậu ấy tập tễnh một lúc mới trèo được lên khoang xe, cảnh tượng đó xót xa lắm", chị Dung nhớ lại.
Có những chuyến xe mà đội cấp cứu buộc phải để người nhà đi cùng bệnh nhân. Không đồng ý cũng không được khi người cha tiều tụy kiên quyết phải đi theo cậu con trai đang nằm hôn mê vì tai biến.
Đến nay, 2 bệnh viện chuyên trách thu dung F0 là Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã nhận hơn 200 ca dương tính. Tất cả nhập viện bằng xe cứu thương 115. "Có ngày chúng tôi đến khu cách ly F1 và chuyển đi gần 10 ca", nữ y sĩ nói.
“Cô đơn vô cùng”, anh Trung nhận xét khi kể về chuyến xe chở thi hài bệnh nhân Covid-19 từ nhà xác bệnh viện về nơi hỏa thiêu. Hơn 10 bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng đã tử vong sau gần 1 tháng dịch bệnh bùng phát. Bệnh lý nền gây bội nhiễm đã đẩy hành trình cận tử đi nhanh hơn.
Không có cuộc đối thoại nào diễn ra trên những chuyến xe chở tử thi. Hành trình cuối cùng của nạn nhân Covid-19 đã kéo dài trong im lặng như vậy.
“Bị vậy thì nghỉ thôi chứ sao đi được nữa?”, phóng viên ngó qua tấm lưng của một y sĩ khi tình cờ thấy anh thay áo.
“Nghỉ răng hè?”, bác sĩ Long hỏi ngược lại. Anh siết chiếc đai vải quanh cột sống sau khi đã đắp thêm một miếng cao dán giảm đau. Lúc đó là 2h chiều, anh vừa trở về sau chuyến vận chuyển bệnh nhân F0 khởi hành từ sáng. Nam bác sĩ tu ừng ực chai nước suối rồi tìm chỗ nằm nghỉ, suất cơm phần anh vẫn đặt trên bàn phòng sinh hoạt chung.
Bên phòng trực ban, tiếng chuông điện thoại reo lên inh ỏi như báo trước rằng kíp trực chỉ có 2 phút để khoác đồ bảo hộ và nổ máy xe. Người trực điện thoại nghe máy và ghi chép thông tin địa chỉ lên một cuốn sổ. Hành trình tiếp theo là một khu dân cư có bệnh nhân dương tính Covid-19 đang chờ đưa đi viện.
“115 Đà Nẵng là trung tâm cấp cứu duy nhất trên cả nước không thu một đồng phí nào của người dân, từ tiền xe cho đến tiền thuốc”, Giám đốc Trung tâm chia sẻ với phóng viên. Đơn vị không có nguồn thu thì chế độ cho nhân viên cũng chỉ có lương là chính. Việc thu hút đội ngũ nhân viên y tế về làm việc rất khó khăn.
“Bác sĩ hay điều dưỡng cũng đều ngại về đây, một năm chỉ có 1-2 em trẻ xin về. Nhiều em làm không nổi lại xin nghỉ”, bác sĩ Thông tâm sự. Sau nhiều năm vận hành, tuổi đời trung bình của các nhân viên y tế tại trạm đã nhích lên con số 40.
Ngoài những chuyến xe suôn sẻ, các y sĩ đôi lúc cũng phải gượng cười vì tình huống ức chế chỉ trong nghề mới hiểu.
Có hôm, anh Thành và một người bạn bị khua dậy giữa đêm vì ca cấp cứu cách trạm 10 km. Cả 2 rời khỏi giường, khẩn trương mặc quần áo bảo hộ và lao ra xe. Khi xe chuẩn bị lăn bánh, gia đình bệnh nhân gọi lại bảo không cần cấp cứu nữa.
“Họ báo lại cho mình là còn hạnh phúc. Có người không cần cấp cứu nữa nhưng cũng im ỉm, để xe cứu thương đến nơi rồi chạy vòng vòng, gọi hoài không ai nghe máy”, anh Thành cười tếu.
Giữa những ngày lo âu và kiệt sức, những nhân viên cấp cứu 115 đón tin vui khi 4 bệnh nhân đầu tiên sẽ được xuất viện vì đã âm tính 4 lần với Covid-19.
Họ đã cười rất nhiều trên chuyến xe chở bệnh nhân khỏi bệnh về với gia đình. Chứng kiến những cái ôm đoàn tụ với người thân, cái vẫy tay tạm biệt và nụ cười hạnh phúc của người trở về, các nhân viên y tế như được tiếp thêm niềm hy vọng vào một ngày dịch bệnh bị đẩy lui.