11h trưa, đang đi bộ trên phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chị Avy (du khách đến từ Australia) giật nảy người vì một thanh niên nhỏ thó lao từ vỉa hè ra chộp lấy chân. Cô gái chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh này đã dùng keo dán vào quai và đế dép. Sau đó người này đòi 900.000 đồng cho vài đường khâu.
"Tôi thực sự bị sốc, số tiền đó còn đắt hơn đôi dép tôi mua ở Australia", Avy ấm ức.
Cách đó không xa, bà Helen, du khách Na Uy, buộc phải trả 500.000 cho một lượt đánh giày. "Đây thực sự là một trải nghiệm tồi tệ", bà giận dữ nói...
Sau vài mũi khâu, chị Avy phải trả tới 900.000 đồng. Ảnh cắt từ clip. |
Theo điều tra của Zing.vn, quanh khu vực phố cổ, hồ Gươm thời gian gần đây xuất hiện đội quân đánh giày kiểu "chặt chém, trấn lột" tiền của khách du lịch. Chẳng cần biết du khách có nhu cầu hay không, bất cứ ai đi qua ngã tư Hàng Đào - Cầu Gỗ, ngã tư Mã Mây - Hàng Chĩnh... liền bị những thanh niên này chạy ra ôm chân và rút giày, dép. Sau đó, họ lấy dụng cụ như dao, keo dán và tự ý sửa trước sự ngạc nhiên của khổ chủ.
Giá mỗi lượt đánh, sửa giày phụ thuộc vào thái độ của khách, nếu gặp người hiền lành, họ không ngại "chặt chém" từ 300.000 cho đến cả triệu đồng. Còn khách cương quyết mặc cả cũng phải trả không dưới 200.000 đồng.
Du khách khi hiểu vấn đề thì đã muộn, đành rút ví ra trả tiền nhằm tránh rắc rối với nhóm người này.
Nam du khách to tiếng khi bất ngờ bị rút dép lúc đang đi dạo ở phố cổ. Ảnh cắt từ clip. |
Sau tiếp nhận thông tin phản ánh của Zing.vn, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND Hà Nội) khẳng định, thành phố đang quyết tâm dẹp bỏ nạn "chặt chém" du khách vì những hành vi này không chỉ xấu hình ảnh thủ đô mà của cả Việt Nam. "Chúng tôi sẽ làm việc với Sở Du lịch về hiện tượng này", bà nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đánh giá, hiện tượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước, làm tổn hại đến môi trường văn hoá, môi trường du lịch và đầu tư.
Nữ đại biểu đề nghị chính quyền địa phương phải lập tức rà soát, xử lý những người có hành vi "chặt chém" du khách sau đó công khai hình ảnh. Thành phố cũng cần tăng cường hệ thống camera tại các khu vực có đông du khách.
"Hành vi này phải bị khép vào tội lừa đảo, không chỉ xử lý hành chính mà phải xử lý hình sự. Bởi nếu nhẹ tay, kẻ lừa đảo nhờn luật. Họ dạt đi đâu đó một thời gian rồi quay lại", bà An nói.
Sau khi xem clip, trung tá Nguyễn Ngọc Linh - Trưởng công an phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, không chỉ những người đánh giày "chặt chém" khách Tây, mà ở phố cổ, nhiều phụ nữ gánh hàng rong, bán hàng lưu niệm cũng chèo kéo, ép giá du khách.
Tuy nhiên, công an phường Hàng Buồn chưa xử lý được vì không có du khách nào phản ánh khi bị cưỡng đoạt tài sản. “Do không có bị hại nên việc xử lý những người này gặp khó khăn”, trung tá Linh nói.