Hành trình đòi nhà của khách hàng dự án 584 Lilama SHB Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú không hề đơn giản. Sau khi khách hàng kiến nghị lên Sở Xây dựng TP HCM về tiến độ bàn giao không đúng với hợp đồng, cơ quan này phản hồi đây là tranh chấp dân sự giữa chủ đầu tư. Trách nhiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền của các tòa án có thẩm quyền.
Việc đòi nhà của khách hàng dự án này lại được chuyển tiếp lên Tòa án Nhân dân quận Gò Vấp. Tại đây, khách hàng bị lôi vào một cuộc chiến pháp lý giữa hai chủ đầu tư, khi 584 đâm đơn kiện Lilama SHB về những vấn đề liên quan đến chuyển nhượng dự án. Trong hoàn cảnh hiện tại, để bảo vệ mình, nhiều khách hàng buộc phải làm đơn độc lập gửi lên Tòa án Nhân dân quận, để hy vọng bảo toàn nguồn vốn đã góp vào.
Chủ đầu tư dự án 584 Lilama SHB đang kéo khách hàng vào cuộc chiến pháp lý của mình. Ảnh: Lê Quân |
Ông Đoàn Trí Dũng, một khách hàng đang gửi đơn lên tòa án, chia sẻ: “Nếu các chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện Hợp đồng Dự án 348 Trịnh Đình Trọng thì phải thanh toán lại hơn 60% số tiền căn hộ mà tôi đã góp, và phải trả lãi suất theo quy định kể từ ngày 1/1/2012 theo điều khoản có trong của hợp đồng. Bởi lẽ tôi cũng phải đi vay tiền để mua căn hộ này”.
Mới đây, Tòa án Nhân dân Quận Gò Vấp cũng có thông báo đến khách hàng nếu có yêu cầu độc lập liên quan đến dự án đề nghị làm đơn gửi đến tòa để xem xét. Sau khi tòa án đưa ra quyết định xét xử vụ án thì những người có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ sẽ không được xem xét khi không làm đơn này.
Tuy nhiên nhiều khách hàng vẫn còn tâm lý e ngại khi làm đơn độc lập, vì sợ khó được giải quyết thỏa đáng. Họ cho rằng, việc 584 kiện Lilama không liên quan đến khách hàng. Số tiền trong vụ việc này là rất lớn, số người liên quan cũng nhiều, đối tượng là ngân hàng luôn được ưu tiên, tình tiết phức tạp, nên quá trình xét xử và thi hành án có khả năng là rất dài.
Ông Nguyễn Thái Học, một khách hàng mua căn hộ tại dự án này chia sẻ: “Nếu như tôi thực hiện 'yêu cầu độc lập' trong vụ án 584 kiện Lilama, là đồng nghĩa với việc quyền lợi của mình đương nhiên bị dính chùm vào những bê bối của 584, Lilama và ngân hàng. Trong khi đơn vị chịu trách nhiệm chính vẫn viện lý do chờ vụ án kết thúc mới tiến hành giải quyết quyền lợi, như vậy tôi cảm thấy như bị sập bẫy thêm một lần nữa”.
Câu chuyện khách hàng mua căn hộ của 584 Lilama SHB chỉ là một minh chứng điển hình cho việc khách hàng mua căn hộ hình thành trong tương lai rơi vào vòng xoáy pháp lý với chủ đầu tư. Mỗi dự án "rùa" đều có một lý do riêng, nhưng cách giải quyết thế nào thì phuơng án kéo dài thời gian tranh chấp vẫn được chủ đầu tư lựa chọn. Đó cũng là tình trạng chung giữa các dự án chậm tiến độ tại TP HCM hiện nay, như PetroVietnam Landmark, Đại Thành, Cao Ốc Xanh… mà Zing.vn đã đề cập.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, số dự án dang dở trên địa bàn thành phố bị có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là doanh nghiệp khó khăn về vốn. Về quản lý nhà nước, sở chịu trách nhiệm theo dõi, nắm tình hình, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án.
Khách hàng "mắc cạn" với
PetroVietnam Landmark hơn 5 năm qua. Ảnh: Lê Quân |
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM chia sẻ, nhà nước cũng khó thu hồi một dự án nhà đầu tư đã bỏ rất nhiều tiền của, công sức để tạo nên, mà phải chia sẻ khó khăn với họ.
"Có những nhà đầu tư họ đã bỏ chi phí lớn bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư trên đất rồi. Đây là dự án tư nhân, họ đã đổ vốn thực hiện dở dang thì cơ quan quản lý nhà nước phải động viên để họ tiếp tục hoàn thiện. Việc dự án ngưng trệ là ngoài mong muốn. Chúng tôi luôn khuyến cáo chủ đầu tư quan tâm đặc biệt đến vấn đề quản lý chất lượng công trình, giữ cảnh quan đô thị, môi trường, khắc phục khó khăn để tiếp tục hoàn thiện dự án, đảm bảo quyền lợi khách hàng", ông Tuấn nói.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết, có một số giải pháp nữa là tạo điều kiện để doanh nghiệp chuyển nhượng dự án cho những nhà đầu tư có năng lực hoàn thiện tiếp theo, nếu họ không còn khả năng.
Giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tại TP HCM lại cho rằng, để dự án hoang thì trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước. Bởi vì theo quy định, khi cấp phép xây dựng phải có điều khoản ràng buộc trong thời gian bao lâu chủ đầu tư phải hoàn thành dự án, bao lâu không triển khai thì nhà nước có biện pháp thu hồi, hoặc cho gia hạn trong thời gian nhất định. Điều cần nhất vẫn là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn phải kiểm tra thường xuyên.