Các tòa nhà CT3-106, CT3-107 và CT3-108 rêu mốc sau 4 năm dừng thi công. Ảnh: Cường Ngô |
Lời chào mời “Cơ hội sở hữu nhà trong tầm tay” bằng những hợp đồng góp vốn thường bị dội những gáo nước lạnh từ chủ đầu tư. Sau những hồ hởi ban đầu thì căn nhà hình thành trong tương lai đang trở thành gánh nặng đối với người mua.
Đóng tiền mua nhà và nhìn dự án phủ rêu
Dự án Usilk City Usilk City (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư, có quy mô 9,2 ha với mức đầu tư 10.000 tỷ đồng gồm 13 toà nhà với 2.700 căn hộ. Sau khi hoàn thiện 3 tòa CT1-101, CT1-102, CT1-103 quý III/2013, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long “hết lực”, phải chuyển nhượng tòa CT1-104 và CT2-105 cho Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ Đô (đơn vị thành viên liên kết của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát).
Theo khảo sát của Zing.vn, hiện chỉ có tòa CT2-105 đang thi công, các tòa nhà CT3-106, CT3-107 và CT3-108 vẫn dậm chân tại chỗ. Trong đó, tòa CT3-106 và CT3-107 đang xây dựng dở dang đến tầng 4, các tòa còn lại mới làm móng và đắp chiếu nhiều năm nay.
Dự án Sky Garden Tower (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty TNHH Định Công, trực thuộc Vân Thái Group làm chủ đầu tư, được cấp phép xây dựng ngày 9/3/2011. Thời gian dự kiến hoàn thành là quý III/2014. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, dự án này ngừng thi công. Khách hàng không thể tiếp cận được chủ đầu tư để tìm hiểu lý do dự án bất động.
Tháng 3/2014, nhân viên công ty cho hay, Giám đốc Công ty TNHH Định Công Hồ Anh Thái “mất tích”. Đến thời điểm bỏ trốn, chủ đầu tư đã huy động trên 400 tỷ đồng từ khách hàng. Theo ghi nhận đến thời điểm này, Sky Garden mới chỉ xây được một tầng hầm và 8 tầng nổi. Hiện tại dự án như một “tòa nhà ma”. Công trường không một bóng công nhân, rỉ sắt bám thành từng mảng tại các thanh sắt chờ tầng 8. Cổng vào đóng kín, tường rào xung quanh bị xô đổ. Vật liệu xây dựng ngổn ngang. Rêu mốc phủ xanh những bức tường chắn của tòa nhà.
Sky Garden đang nằm trong danh sách đen các dự án chậm tiến độ gây mất mỹ quan đô thị. Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị với UBND thành phố Hà Nội thu hồi chứng nhận đầu tư, hoặc yêu cầu thay đổi chủ đầu tư.
Nhập nhằng chuyển nhượng, vốn góp của khách hàng đang được quản lý thiếu minh bạch tại chung cư 584 Lilama SHB. Ảnh: VD |
Vất vả truy tìm nguồn vốn góp
Năm 2009, CTCP Đầu tư Xây dựng Lilama SHB ký một loạt hợp đồng góp vốn vào dự án chung cư Lilama SHB (quận Tân Phú-TP HCM), nhưng thực chất đây là những hợp đồng bán căn hộ trong tương lai. Tổng số tiền doanh nghiệp này thu của khách hàng tính đến nay hơn 259 tỷ đồng. Hầu hết người mua đều đóng tiền từ 50% đến 70% giá trị căn hộ.
Nhiều khách hàng phản ánh, chủ đầu tư đã trễ hạn bàn giao nhà 5 năm nay, nhưng không có động thái gặp gỡ hay tổ chức hội nghị khách hàng để giải thích, trong khi vẫn gửi văn bản yêu cầu khách hàng nộp thêm tiền. Đáng nói, trong thời gian dự án đắp chiếu, chủ đầu tư lại chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác mà không hề thông báo với khách hàng.
Hiện chủ đầu tư đã bán 534 căn hộ và 392 hợp đồng mua bán nhà, với tổng số tiền huy động hơn 259 tỷ đồng. Tuy nhiên chủ đầu tư lại dùng tài sản này thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam để vay vốn. Cư dân tại dự án này đang nộp đơn tố cáo về những hành vi thiếu minh bạch trong sử dụng vốn góp của khách hàng.
Anh Đặng Minh Chương, một người mua căn hộ cho rằng: “Sau khi chuyển nhượng dự án, việc cần thiết là phải ký lại hợp đồng mới với những hộ muốn tiếp tục hoặc trả lại tiền cho những người không còn muốn mua. Tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa thực hiện, trong khi nguồn vốn góp của chúng tôi không biết đang sử dụng vào mục đích gì. Chúng tôi góp tiền mua căn hộ cho chủ đầu tư mà bây giờ lại phải đi truy tìm vốn của mình”.
Khách mua nhà chung cư Đại Thành kiểm tra công trình thi công. Ảnh: Khách hàng cung cấp |
Câu chuyên của cư dân chung cư Cao Ốc Xanh (quận 9, TP HCM) do Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 8 (CIC8) làm chủ đầu tư khiến nhiều người thấm thía việc mua nhà hình thành trong tương lai.
Có vị trí đẹp khi nằm trên mặt tiền đường Nam Hòa, quận 9, cách xa lộ Hà Nội chỉ 200 m, thế nhưng dự án lại là nổi ám ảnh của những khách lỡ mua căn hộ tại đây gần 10 năm qua.
Cao Ốc Xanh gồm 3 block nhà cao 19 tầng với 471 căn hộ, mở bán từ năm 2007. Đa số khách đã nộp tiền 70-95% giá trị căn nhà. Nhưng ngoại trừ block C bàn giao tháng 10/2015, block A và B đến nay vẫn ngổn ngang và đã dừng thi công.
Mặc dù cư dân block C đã vào ở từ tháng 10/2015, nhưng hiện nay hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện. Khu tầng trệt và tầng lửng được sử dụng cho các dịch vụ như trung tâm thương mại, nhà trẻ… bừa bộn gạch đá và mọi thứ đều dang dở, không có dấu hiệu đang thi công. Khu sân chung cư chưa được lát nền, người dân nuôi gà, chó rất mất vệ sinh. Đường nội bộ vào dự án cũng chưa được hoàn thiện. Riêng 2 block A và B thì bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp.
Làm nhà thầu bất đắc dĩ
Theo hợp đồng, khách hàng mua căn hộ tại chung cư Đại Thành của Công ty TNHH Xây dựng Đại Thành (quận Tân Phú, TP HCM) sẽ được bàn giao nhà vào quý II/2012, nhưng đến nay dự án vẫn đắp chiếu. Chủ đầu tư đưa ra lý do vì thiếu kinh phí xây dựng, trong khi phần lớn khách đã đóng tiền 70%-90% giá trị căn hộ.
Tháng 8/2013, chủ đầu tư và đại diện khách hàng có cuộc họp để giải quyết khiếu nại. Phía khách hàng chấp nhận hỗ trợ 80% chi phí vật liệu xây dựng, chủ đầu tư trả 20% phí nhân công. Hai bên ký thỏa thuận, chậm nhất tháng 6/2014 sẽ giao nhà. Tuy nhiên, đến thời hạn giao nhà, chủ đầu tư lại gửi “tâm thư” trình bày không đủ khả năng hoàn thiện dự án.
Sau nhiều lần khiếu nại, khách hàng tiếp tục góp thêm tiền hoàn thiện dự án. Lần góp vốn này, khách phải tự lập ra “ban hành động” kiểm soát nguồn tiền cũng như tiến độ công trình. Theo đó, cộng đồng dân cư đã mở một tài khoản chung tại ngân hàng. Tền góp được giải ngân theo khả năng thi công của chủ đầu tư.