Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, ngày 28/2, cuộc họp giữa Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội để trao đổi về công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong năm 2017 và định hướng công tác năm 2018 đã diễn ra.
Cuộc họp do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đồng chủ trì.
Cuộc họp giữa Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Trong năm 2017, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 cơ quan, công tác đối ngoại đã đạt nhiều thành tựu nổi bật về mọi mặt, được lãnh đạo cấp cao, nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Nổi bật trong các thành tựu đạt được năm 2017 là làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội với nhiều đề án, khuyến nghị; riêng Bộ Ngoại giao có tới 50 đề án lớn trình cấp cao; giữ quan hệ ổn định, tiếp tục thúc đẩy hợp tác và đan xen lợi ích với các nước láng giềng, khu vực, đối tác quan trọng, trong đó có việc xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn.
Năm APEC Việt Nam 2017 đã được tổ chức thành công toàn diện với 243 hoạt động trong suốt năm và trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao có sự tham gia của tất cả 21 lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, cùng 4 chuyến thăm cấp cao đem lại 121 thỏa thuận hợp tác và hợp đồng với tổng trị giá 20 tỷ USD.
Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế, đối ngoại đa phương được nâng cao cả về tần suất và mức độ tham gia, phục vụ lợi ích quốc gia cũng như lợi ích chung, với nhiều dấu mốc như cùng ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập, ứng cử thành công vào ủy ban Luật pháp quốc tế, Liên Hợp Quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các cơ quan của tổ chức quốc tế.
Chủ quyền quốc gia được bảo vệ vững chắc góp phần duy trì môi trường hòa bình phục vụ phát triển đất nước; công tác ngoại vụ địa phương được đẩy mạnh với nhiều kết quả tích cực, kết nối các địa phương với các đối tác nước ngoài, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của địa phương…
Công tác đối ngoại Quốc hội năm 2017 cũng được triển khai sôi nổi với việc đón 43 đoàn nghị sĩ các nước, thu xếp 26 đoàn đại biểu Quốc hội thăm các nước, phục vụ Lãnh đạo Quốc hội tham dự các hội nghị, diễn đàn lớn như IPU (Liên minh Nghị viện thế giới), AIPA (Liên minh Nghị viện ASEAN), APF (Liên minh Nghị viện Pháp ngữ) và gần đây nhất là việc chủ trì tổ chức thành công Hội nghị APPF-26 (Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á Thái Bình Dương) vào đầu năm 2018.
Cuộc họp khẳng định sự phối hợp tốt giữa 3 cơ quan trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đối với công tác đối ngoại nói chung mà còn với từng hoạt động đối ngoại đặc thù do Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội chủ trì thực hiện; nhất trí tiếp tục phối hợp tốt để thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại năm 2018.
Cuộc họp cũng nhất trí đánh giá cao sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa 3 cơ quan,với vai trò là 3 đầu mối, trong việc thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại. Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đánh giá cao việc trao đổi thông tin và tham vấn lẫn nhau với Bộ Ngoại giao trong xử lý các vấn đề đối ngoại cụ thể cũng như phục vụ công tác nghiên cứu tham mưu thường xuyên.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh sự đóng góp và phối hợp giữa 3 cơ quan, đồng thời nhấn mạnh các hoạt động đối ngoại năm 2018 cần tiếp tục được thực hiện tốt với định hướng lớn là giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển gắn với kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thúc đẩy hội nhập quốc tế và thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, đồng thời phát huy vai trò tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước.
Trên cơ sở này, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ lớn trong công tác năm 2018, nổi bật trong số đó là nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả. Việt Nam cần triển khai hiệu quả hội nhập quốc tế, tích cực tham gia đóng góp định hình các thể chế đa phương và nâng cao hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chủ động thúc đẩy giải quyết các tranh chấp và tìm phương án hợp tác cùng phát triển. Việt Nam cũng cần triển khai kịp thời, hiệu quả công tác bảo hộ công dân, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung vào những diễn biến quan trọng liên quan tới khu vực, nước lớn, ASEAN và Biển Đông.