Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đổi mới tư duy làm nông nghiệp tại tỉnh Sơn La

Nhờ đổi mới tư duy làm nông nghiệp, chú trọng chất lượng cũng như mẫu mã, trái cây Sơn La được người tiêu dùng đón nhận và nâng cao giá thành.

Chiến dịch xây dựng thương hiệu mận hậu Ruby Sơn La giúp giá thành sản phẩm nâng cao gấp 5-6 lần, tạo được niềm tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhận thấy hướng đi đúng đắn khi muốn thúc đẩy tiêu thụ nông sản của tỉnh nhà, UBND tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai chiến dịch đổi mới tư duy làm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực khác, trong đó có quả nhãn.

Mạnh dạn thay đổi cây trồng theo nhu cầu của thị trường

Vào những năm 2010, xu hướng tái cơ cấu nông nghiệp buộc tỉnh Sơn La đưa ra định hướng chuyển đổi giống cây trồng. Lãnh đạo tỉnh đã tìm hiểu nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, từ đó đề ra định hướng phát triển nông nghiệp. Hiểu được xu hướng “ăn sạch sống khoẻ”, nhu cầu sử dụng trái cây cao cấp và an toàn, lãnh đạo tỉnh hướng dẫn bà con nông dân chú trọng phát triển các loại cây ăn trái và đặc biệt quan tâm chất lượng sản phẩm.

Tinh Son La,  Mia Fruit anh 1

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “nhãn Sơn La” cho lãnh đạo tỉnh.

Tỉnh đã vận động nông dân gây giống mới, mạnh dạn bỏ cây trồng không mang lại giá trị kinh tế cao (như khoai, sắn, ngô…). Nông dân tiến hành đầu tư cây ăn quả giá trị cao như nhãn, mận hậu, hồng Fuji, bơ, xoài…, giúp Sơn La trở thành vùng trồng cây ăn trái quy mô lớn, cải thiện đời sống cũng như kinh tế cho bà con.

Tinh Son La,  Mia Fruit anh 2

Nông dân thu hoạch nhãn Sông Mã.

Nói về quá trình chuyển đổi giống cây trồng, đại diện tỉnh Sơn La cho rằng bà con nông dân có sự chuyển đổi tư duy, mạnh dạn thay đổi cây trồng theo nhu cầu thị trường. Đồng thời nông dân chú trọng chất lượng cũng như độ an toàn sản phẩm.

Nông dân Sơn La tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm

Tại Việt Nam, một chùm nho mẫu đơn Nhật Bản có giá từ 3,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng, xoài nhập khẩu giá 100 USD/quả (tương đương hơn 2 triệu đồng)… nhưng người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền để mua.

Câu chuyện về nho mẫu đơn lần đầu tiên được kể bởi bà Nguyễn Ngọc Huyền - Tổng giám đốc kiêm Nhà sáng lập thương hiệu trái cây cao cấp Mia Fruit. Điều này khiến lãnh đạo tỉnh Sơn La trăn trở khi nâng cao giá trị trái cây tỉnh nhà là “Làm thế nào để người nông dân có thể bán nông sản giá cao mà người tiêu dùng vẫn đón nhận?”.

Thế rồi họ hiểu rằng muốn bán nông sản giá cao, nông dân phải tập trung đổi mới cách chăm sóc, giảm bớt sản lượng trái, tỉa cành, sử dụng phân vi sinh thay vì phân bón hoá học... Đồng thời, lựa chọn các loại nông sản chủ lực để xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ.

Các chuyên gia, lãnh đạo tỉnh hướng dẫn và theo sát bà con trong việc trồng nhãn. Sơn La đã tạo ra giống nhãn Sông Mã, nhãn Ánh Vàng cơm dày, trái to và hạt nhỏ. Ngoài chú trọng chất lượng sản phẩm, lãnh đạo tỉnh mời bà Nguyễn Ngọc Huyền làm cố vấn chuyên môn để xây dựng thương hiệu trái cây tỉnh nhà.

Trước đó, bà Nguyễn Ngọc Huyền đã thành công xây dựng thương hiệu cam Phủ Quỳ và mận hậu Ruby Sơn La. Không chỉ nhận được niềm tin của người tiêu dùng, giá thành của hai loại trái này tăng gấp 5-6 lần so với trước đây. Để làm được điều này, ngoài chất lượng và độ an toàn sản phẩm, mẫu mã, bao bì, cách thu hoạch, đóng gói… cần quy trình chuyên nghiệp. Sắp tới, tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp Công ty Mia Fruit ra mắt sản phẩm nhãn Sơn La.

Tinh Son La,  Mia Fruit anh 5

Nhãn Sông Mã, Sơn La được xuất khẩu.

Sơn La là một trong những tỉnh có sản lượng trái cây lớn nhất khu vực phía Bắc. Với tư duy học hỏi và đổi mới không ngừng, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã có những định hướng đúng đắn để tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản.

Mộc Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm