Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đổi mới phương thức lãnh đạo trong giai đoạn mới

Phần đầu tiên trong chuyên đề "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới".

Ảnh: Phạm Cường/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

(Nội dung thuộc Phần thứ nhất: Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị)

1. Quan điểm, chủ trương của Đảng

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, phương thức lãnh đạo vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, là yếu tố quan trọng đảm bảo mọi thành công của Đảng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) làm rõ, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, theo đó: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu”1 , đồng thời, đề ra yêu cầu: “Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo”.

Cùng với quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, đảm bảo và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhận thức về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ngày càng sâu sắc hơn, thể hiện trong các nghị quyết Đại hội Đảng. Đại hội X xác định: “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới kinh tế”, “nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm về Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền làm cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện”. Đại hội XI nhấn mạnh: “Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh, ban hành mới, xây dựng đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước”. Đại hội XII yêu cầu: “nâng cao hiệu quả thực hiện và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước... Tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể”.

Quan điểm của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo được thể hiện xuyên suốt, nhất quán trong nhiều văn bản của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa trong Nghị quyết số 15-NQ/TW với các quan điểm cơ bản, đó là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị được đặt trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; đồng bộ với các mặt của công tác xây dựng Đảng, với đổi mới kinh tế, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước; kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đẩy mạnh phân cấp, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; là công việc hệ trọng, phải chủ động, tích cực, có quyết tâm cao, thận trọng, vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của các cấp, các ngành.

Nghị quyết Đại hội XIII xác định tầm nhìn, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và đến giữa thế kỷ XXI. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đại hội XIII nhấn mạnh: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát; lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Hiến pháp và pháp luật; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp”.

2. Về cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương

Từ năm 2007 đến nay, cùng với các nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW, Kết luận số 12-KL/TW, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định nhằm cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị theo hướng tăng cường thể chế, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Đồng thời, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản tiếp tục cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc của Đảng; trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đổi mới phong cách, lề lối làm việc, cải cách hành chính trong Đảng.

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết, mỗi nhiệm kỳ, Đảng chỉ đạo sơ kết, tổng kết, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các cấp ủy, tổ chức đảng; quy định, quy chế, quy trình liên quan đến tổ chức và hoạt động của Đảng và hệ thống chính trị. Giai đoạn 2007 - 2021, Đảng đã ban hành 104 quy chế, quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương; 27 văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc ở Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; 422 văn bản liên quan đến công tác cán bộ; 80 văn bản về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và 43 quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; 79 văn bản chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động đường lối, chủ trương của Đảng; 9 văn bản về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Những nhiệm kỳ gần đây, Đảng quan tâm, chú trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Căn cứ vào nghị quyết Đại hội Đảng, đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Chương trình làm việc toàn khóa; Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chương trình làm việc hàng năm; đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và kịp thời định hướng đối với các vấn đề lớn, hệ trọng, phức tạp, phát sinh trong quá trình thực hiện.

Từ nhiệm kỳ Đại hội XII, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, để kịp thời quán triệt, phổ biến, vận động, tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường chỉ đạo đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng theo hướng kịp thời hơn; mở rộng hình thức trực tuyến để tăng đối tượng, số lượng tham gia; nâng cao trách nhiệm học tập, nghiên cứu, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng nghiêm túc quán triệt, triển khai các nghị quyết, văn bản của Đảng đến cán bộ, đảng viên.

3. Về công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết

Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, Bộ Chính trị đã chỉ đạo kiểm tra và ban hành Kết luận số 63-KL/TW ngày 31/12/2009 về báo cáo kết quả kiểm tra sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, nhận định những nội dung cơ bản, trọng yếu và việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW đã đạt được kết quả khá tích cực, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thông qua chủ trương, định hướng lớn, không bao biện, làm thay, phát huy tính chủ động, sáng tạo gắn với nhiệm vụ được giao; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; chú trọng công tác cán bộ, quản lý cán bộ và kiểm tra, giám sát; quan tâm đổi mới phong cách, lề lối làm việc.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW chưa tạo được chuyển biến căn bản theo yêu cầu, mục tiêu đề ra. Kết luận số 63-KL/TW yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, cán bộ, đảng viên về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm vừa cấp bách, vừa lâu dài trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; rà soát, bổ sung, ban hành đồng bộ hệ thống quy chế, quy định, quy trình công tác; tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế trên 4 lĩnh vực: đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; công tác tổ chức, cán bộ; phong cách, lề lối làm việc. Đồng thời, gắn thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW với các chủ trương của Đảng, nhiệm vụ chính trị của từng cấp ủy, tổ chức đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã triển khai 132.116 chương trình kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết. Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền có chủ trương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, NXB Chính trị quốc gia Sự thật

SÁCH HAY