Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đổi mới phương thức lãnh đạo

Nội dung thuộc chuyên đề "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới".

Ảnh: Việt Hùng.

(Nội dung thuộc Phần thứ nhất: Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị)

1.3. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội

Những năm qua, Đảng quan tâm lãnh đạo Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; thực hiện tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chú trọng tăng cường công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Đảng lãnh đạo ban hành nhiều chủ trương liên quan đến tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; ban hành nghị quyết, chủ trương đối với từng tổ chức chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát triển tổ chức, thành viên, hội viên, đoàn viên, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát huy tốt vai trò đại diện, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt vai trò cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và thành tựu phát triển chung của đất nước.

Lãnh đạo thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm tổng kết, sửa đổi, hoàn thiện luật pháp có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhiều văn bản pháp luật có liên quan, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò, quyền, trách nhiệm. Đồng thời, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức và Nhân dân tham gia vào quá trình quyết định chính sách, nhất là chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống của Nhân dân, được dư luận xã hội quan tâm, nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong chấp hành pháp luật.

Các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước tiếp tục có bước phát triển mới, khơi dậy được tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung; hướng mạnh về cơ sở với nhiều cách làm thiết thực, huy động được tiềm năng, sức sáng tạo, đóng góp của Nhân dân cho các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều mô hình có hiệu quả như tổ tự quản, tổ hòa giải, tổ an ninh - quốc phòng, khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội... gắn với giải quyết những vấn đề thiết thực trong cuộc sống của Nhân dân, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia. Đảng quan tâm đổi mới cơ chế dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp theo hướng ngày càng thực chất hơn; Mặt trận Tổ quốc tăng cường vai trò nòng cốt thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, chủ trì hoạt động bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, ban giám sát đầu tư cộng đồng, ban thanh tra nhân dân, tổ hòa giải cơ sở, hoạt động tiếp xúc cử tri, đối thoại, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quan hệ giữa chính quyền và Nhân dân tại địa bàn dân cư, trong doanh nghiệp, tại nơi làm việc; thường xuyên lắng nghe, phản ánh ý kiến của Nhân dân với các cấp ủy đảng, chính quyền.

Đảng quan tâm kiện toàn, củng cố Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, định hướng nhân sự chủ chốt và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên. Nhiệm kỳ 2009 - 2014, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 355 thành viên; nhiệm kỳ 2014 - 2019 có 383 thành viên, nhiệm kỳ 2019 - 2024 có 374 thành viên, đồng thời, tổ chức 7 hội đồng tư vấn để tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tạo điều kiện để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo điều lệ và định hướng nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các tổ chức. Các cấp ủy đảng đã quan tâm giới thiệu đồng chí thường vụ cấp ủy để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc; đối với các tổ chức chính trị - xã hội giới thiệu đồng chí trong cấp ủy để tham gia bầu giữ chức chủ tịch các tổ chức chính trị - xã hội, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Bảo đảm tính hệ thống, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở, làm tốt công tác phát triển đảng; sửa đổi, bổ sung, củng cố, kiện toàn các cơ quan chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, có chính sách động viên đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, dân vận, đoàn thể; không bố trí cán bộ thiếu gương mẫu, đạo đức kém, vi phạm kỷ luật làm công tác dân vận; chú trọng lựa chọn cán bộ có uy tín, kinh nghiệm, trưởng thành từ phong trào quần chúng.

Tuy nhiên, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát cơ sở; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, kết quả tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và phát triển tổ chức có mặt còn hạn chế. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa tôn trọng ý kiến, kiến nghị của Nhân dân; chưa kịp thời giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; quyền làm chủ của Nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật. Một số hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động hiệu quả chưa cao, quản lý còn lỏng lẻo, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

1.4. Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng địa phương

Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy; quy chế làm việc mẫu, là cơ sở để cấp ủy địa phương cụ thể hóa mối quan hệ lãnh đạo đối với đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc; quy chế làm việc, chương trình công tác toàn khóa, hàng năm; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc của Đảng; phân công nhiệm vụ cụ thể, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng, nêu cao trách nhiệm của ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực và từng cấp ủy viên.

Các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng nội dung hoạt động, nâng cao chất lượng của Hội đồng nhân dân nhằm đảm bảo vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương; ban hành nghị quyết, văn bản để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Duy trì nền nếp giao ban giữa thường trực, thường vụ cấp ủy với đảng đoàn Hội đồng nhân dân, ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân cùng cấp. Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; kiện toàn tổ chức, định hướng nhân sự chủ chốt của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Những nhiệm kỳ qua, tỷ lệ bầu chức danh chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các ban của Hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân đều đảm bảo định hướng nhân sự của Đảng.

Lãnh đạo ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân đảm bảo đường lối, chủ trương của Đảng, tăng cường vai trò là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực thi công vụ và xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ủy ban nhân dân các cấp ngày càng chú trọng việc tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên địa bàn.

Đối với ban cán sự đảng các cơ quan tư pháp, lãnh đạo chặt chẽ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Thực hiện việc giới thiệu nhân sự cấp trưởng, cấp phó; thẩm phán và kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân và tòa án nhân dân cùng cấp. Thường xuyên giao ban định kỳ với các cơ quan tư pháp để nghe báo cáo và định hướng hoạt động.

Thông qua đảng đoàn, cấp ủy lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương; phát triển tổ chức, đoàn viên, hội viên; lắng nghe, phản ánh ý kiến nhân dân; giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Định hướng nội dung hoạt động nhiệm kỳ, hàng năm, xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp; cho ý kiến về tổ chức bộ máy, giới thiệu nhân sự chủ chốt, kiện toàn đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động. Định kỳ giao ban, đánh giá kết quả hoạt động, ghi nhận phản ánh, chỉ đạo giải quyết kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Hàng năm, gợi ý kiểm điểm đối với cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực hiện nghiêm quy định của Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, có cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hệ thống chính trị ở địa phương còn một số hạn chế. Việc tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết, quy định của Trung ương, địa phương ở một số nơi chưa đổi mới, chưa đi vào chiều sâu, chưa sát với thực tiễn của địa phương. Một số quy định, quy chế, quy trình công tác chưa kịp thời rà soát, bổ sung. Chưa dự báo đầy đủ những vấn đề phát sinh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Một số cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, thiếu chủ động, sáng tạo, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Việc chấp hành pháp luật, công tác vận động quần chúng, giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân, công tác kiểm tra, giám sát, đổi mới phong cách, lề lối làm việc có mặt còn hạn chế. Vai trò của đảng đoàn, ban cán sự đảng một số nơi trong mối quan hệ với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân chưa rõ.

Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, NXB Chính trị quốc gia Sự thật

SÁCH HAY