Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đối mặt với rác thải thực phẩm

“Chuyên gia chuột học” Robert Corrigan cho rằng các thành phố không gặp vấn đề về việc kiểm soát đàn chuột; vấn đề thực sự mà họ phải đối mặt là rác thải thực phẩm.

Ảnh: Green Queen.

Không lâu sau khi gia nhập đội ngũ của thị trưởng Bloomberg, tôi biết được rằng chính quyền thành phố New York có một “chuyên gia chuột học” tên là Robert Corrigan. Tôi lập tức xin một lịch hẹn với ông ấy.

Dĩ nhiên, tôi có điều quan trọng muốn bàn bạc, nhưng bên cạnh đó tôi cũng muốn gặp một chuyên gia chuột học bằng xương bằng thịt bởi vì trước đó tôi không hề biết rằng trên đời này lại tồn tại một ngành nghề như vậy. Khi ấy, tôi đang muốn triển khai một trong những sáng kiến đầu tiên của mình là chương trình thu gom rác thải thực phẩm, nên tôi cho rằng ông có thể sẽ hỗ trợ được nhiều trong việc tranh thủ sự ủng hộ của mọi người.

Corrigan có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực nghiên cứu loài gặm nhấm. Ban đầu anh vốn lên kế hoạch trở thành một nhà hải dương học, nhưng bài giảng của một vị giáo sư thỉnh giảng chuyên ngành quản lý sinh vật gây hại đã khiến anh mê mẩn. Chàng sinh viên cao học này đã sống 30 ngày trong một nhà kho có rất nhiều chuột, vì thế anh có thể quan sát mọi chi tiết nhỏ trong các bữa tiệc đêm của chúng. Kể từ đó trở đi, anh trở thành một người hâm mộ cuồng nhiệt của “loài động vật có vú đẹp đến mê hồn ở mọi góc cạnh” này và muốn tìm cách kiểm soát sự tăng trưởng dân số của đàn chuột thay vì giết hại tất cả chúng.

Hiện nay Corrigan duy trì một bảng tin rất sinh động trên Twitter nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về loài chuột với những quan sát như: “Bạn biết đấy, bạn chưa từng nghe thấy James Cagney (diễn viên nổi tiếng người Mỹ) nói rằng bạn là đồ con chuột bẩn thỉu”. Ở độ tuổi ngoại lục tuần, với cặp kính gọng sắt và phong thái nghiêm túc, ông dễ bị nhầm tưởng là một kế toán viên thay vì một nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết của cái mà ông gọi là “cuộc hành trình ban đêm thực sự của loài chuột”.

Corrigan hướng dẫn cho các khách hàng của mình “phương pháp Sherlock Holmes” để phát hiện ra những tuyến đường chính và nơi ẩn nấp của các loài gặm nhấm, và cuộc hành trình do ông dẫn dắt này cho thấy một thực tế đáng tiếc là các thành phố của Mỹ là một nơi đãi khách không tồi đối với những chú chuột.

Ông chỉ ra những lỗ hổng tí hon nằm giữa những hàng gạch trong những bức tường của các tòa nhà và gọi đó căn hộ chung cư của loài gặm nhấm, và trong những lỗ hổng này là tầng tầng giấy vụn cùng đồ ăn thừa. Đường phố trở thành luồng di chuyển chân chính của chuột sau khi các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm, và các tòa chung cư của thành phố đem hàng núi các túi rác đựng đầy thức ăn bên trong vứt ra vỉa hè mỗi tối.

Bởi vì hầu hết thành phố đều cho phép cư dân để rác thải thực phẩm chung với các loại rác khác mà họ vứt ra vỉa hè, nên các loài gặm nhấm không gặp khó khăn gì trên hành trình tìm kiếm thức ăn. Corrigan chỉ ra rằng nhiều thùng rác ở New York thậm chí còn vẽ đường cho hươu chạy, bởi vì suốt nhiều năm, phần lớn các thùng rác đều không có nắp đậy và là loại đan lưới mắt cáo, nên chúng trở thành công cụ tối ưu giúp chuột có thể dễ dàng ra vào; ông gọi đó là thang của chuột. Theo ông, các thành phố không gặp vấn đề về việc kiểm soát đàn chuột; vấn đề thực sự mà họ phải đối mặt là rác thải thực phẩm.

Các chính sách về môi trường thường bị mắc kẹt trong những cuộc tranh luận gay gắt trên bàn tròn chính trị. Tuy nhiên, tôi biết có một chính sách được lòng tất cả các bên: cắt giảm dân số của đàn chuột trong thành phố. Dĩ nhiên, việc tách rác thải thực phẩm khỏi các loại rác thải khác để đem đi phân hủy hữu cơ và biến chúng trở thành dưỡng chất cho đất hoặc sử dụng chúng để sản xuất ra nguồn năng lượng sạch thông qua quá trình phân hủy kỵ khí là những giải pháp hấp dẫn - đó là chưa kể chúng còn góp phần giảm bớt chi phí vận chuyển rác thải tới bãi rác.

Nhưng tôi biết, nếu có thể chứng minh được rằng chương trình thu gom rác thải sẽ làm giảm bớt số lượng chuột sục sạo trên vỉa hè và trên các tuyến đường ray tàu điện ngầm, thì chắc chắn đề xuất này sẽ nhận được sự tán thành tuyệt đối.

Robert Corrigan là một nhân tố vô giá bởi vì ông chủ trương sử dụng loại thùng rác đặc biệt trong các khu dân cư để đựng rác thải thực phẩm; theo ông, loại thùng rác này sẽ triệt tiêu khả năng ngửi mùi thức ăn của chuột, từ đó triệt tiêu luôn hứng thú của chúng đối với các khu dân cư. Kết quả là, chương trình này được phê duyệt nhanh chóng và chúng tôi cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cộng đồng trong khu vực.

Mặc dù tận dụng tốt rác thải thực phẩm là một hợp phần then chốt trong công cuộc phát triển hệ sinh thái thực phẩm tuần hoàn, nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng cần cắt giảm mạnh khối lượng rác thải thực phẩm được tạo ra.

Số lượng thực phẩm vẫn trong tình trạng hoàn hảo bị vứt đi mỗi ngày ở khắp nơi trên nước Mỹ cũng như ở phần lớn các nơi khác trên thế giới là rất lớn. Tại Mỹ, ước tính có tới 40% lượng thực phẩm được sản xuất ra bị lãng phí, và con số này trên toàn cầu rơi vào khoảng 30-40%.

Tạp chí Consumer Reports ước tính rằng một người Mỹ trung bình vứt đi khoảng 500 gram, tương đương với 1.250 calo, thực phẩm mỗi ngày. Trong tổng lượng rác thải thực phẩm, các hộ gia đình đóng góp 43%, các nhà hàng chiếm 13%, các cửa hàng thực phẩm chiếm 13%, dịch vụ thực phẩm ở các cơ quan như bệnh viện và trường học chiếm 8%, và các trang trại chiếm 16%. Ngoài ra, lượng thực phẩm mà một người Mỹ trung bình vứt đi cao gấp 10 lần so với một người tiêu dùng trung bình ở Đông Nam Á và châu Phi khu vực hạ Sahara.

Thực ra, rác thải thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn nhất - hơn 20% - trong lưu lượng rác thải được vận chuyển tới các bãi rác. Theo xếp hạng của Dự án Drawdown của Paul Hawken, giảm bớt rác thải thực phẩm là biện pháp có hiệu quả thứ ba trong việc giảm bớt lượng khí thải nhà kính trong bầu khí quyển.

Như vậy, câu hỏi đầu tiên cần đặt ra trên hành trình xây dựng nền kinh tế thực phẩm tuần hoàn là, vì sao chúng ta lại vứt bỏ nhiều thực phẩm vẫn còn trong tình trạng sử dụng tốt đến như vậy? Một lý do ở đây là chúng ta đã được thuyết phục làm như vậy.

Ron Gonen/NXB Công thương & Thaihabooks.

SÁCH HAY