Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đôi mắt hằn đỏ sau những ngày canh triệu chứng của F0 ở TP.HCM

Khi nguy cơ trở nặng và tử vong của F0 tại bệnh viện dã chiến ở TP.HCM tăng cao, các y bác sĩ phục vụ họ phải thêm giờ canh gác để kịp thời cấp cứu.

benh vien Covid-19 TP.HCM anh 1

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, chị Nguyên bước dọc qua dãy căn hộ của F0 ở tầng 6, cảm nhận những viên gạch đá hoa bập bềnh, kêu lạo rạo dưới chân.

"Chông chênh như cầu khỉ vậy đó. Hồi mới lên đây là chúng tôi còn dọn dẹp sạch sẽ rồi", nữ điều dưỡng cười xòa.

Đó là ngày thứ 5 của chị tại Bệnh viện dã chiến điều trị F0 được trưng dụng từ một tòa chung cư bỏ hoang suốt 5 năm. Hơn 2.300 F0 đã được chuyển đến.

"Bệnh nhân mệt chỉ cần nhắn Zalo, chúng tôi qua ngay"

Tại hành lang tầng 6, một chiếc thùng nhựa loại dùng để đựng cơm cho bệnh nhân được úp ngược. Điều dưỡng Lan, đồng nghiệp của chị Nguyên, sử dụng nó như mặt bàn, bên trên bày la liệt các loại thuốc hạ sốt, cảm cúm, kháng sinh và điện giải.

"Không có thuốc để phát định kỳ cho bênh nhân. Đây chỉ là các loại thuốc làm dứt triệu chứng, được phát khi bệnh nhân ho sốt", chị Lan nói.

benh vien Covid-19 TP.HCM anh 2

Nơi tập kết các loại thuốc hạ sốt, cảm cúm để cung cấp cho bệnh nhân F0. Ảnh: Ngọc Tân.

"Còn bịch này là thuốc cấp cứu nè", điều dưỡng Võ Thị Thủy Nguyên giơ ra bịch nylon đeo sát bên người. Chị cho biết đó là thứ lúc nào cũng mang theo sẵn, bệnh nhân trở nặng thì cho uống ngay.

Khi bệnh nhân khó thở, bác sĩ sẽ có mặt để thăm khám và yêu cầu điều dưỡng cho uống thuốc. Có khi sức khỏe bệnh nhân tốt lên và được ở lại, nhưng cũng có khi buộc phải chuyển họ lên tuyến trên. Khu vực chị Nguyên phụ trách đã có 3, 4 ca phải chuyển viện.

"Cách đây 2 ngày, chúng tôi gặp một ca trở nặng. Bệnh nhân khó thở, sốt, mệt rã người, không ngồi dậy nổi. Đo nồng độ oxy trong máu (SPO2) thì tụt, phải chuyển xuống khu hồi sức", điều dưỡng Nguyên chia sẻ.

Chị cho biết tại khu hồi sức, bệnh nhân đó đã may mắn hồi tỉnh lại nên không cần chuyển viện. Vậy là tiết kiệm được một giường bệnh của bệnh viện tuyến trên vốn đang quá tải.

benh vien Covid-19 TP.HCM anh 3

Những chiếc máy đo SPO2 trở thành vật dụng y tế quý giá ở bệnh viện dã chiến.

Đó là những hoạt cảnh diễn ra hàng ngày tại Bệnh viện dã chiến số 8 thuộc hệ thống 5 bệnh viện dã chiến trưng dụng từ các tòa chung cư ở bán đảo Thủ Thiêm. Đây là bệnh viện thuộc tầng 2 trong tháp 4 tầng điều trị Covid-19, nơi đa số bệnh nhân có triệu chứng nhưng chưa diễn biến nặng.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất kiêm lãnh đạo bệnh viện dã chiến số 8, cho biết những chiếc máy đo SPO2 là thiết bị quan trọng giúp dự báo khả năng diễn biến nặng của bệnh nhân.

"Máy đó chúng tôi đang huy động từ các mạnh thường quân. Nó rất quan trọng vì mặc đồ bảo hộ không thể nghe tim phổi hay đo huyết áp được. Chúng tôi chủ yếu đo thân nhiệt và đo SPO2 để dự báo tình trạng suy hô hấp", bác sĩ Quế chia sẻ.

Để bớt vất vả, tất cả bệnh nhân mới vào đều được xin số Zalo và thêm vào nhóm chung. Mỗi tầng có một nhóm. Bệnh nhân chỉ cần nhắn qua Zalo khi có triệu chứng mệt, đau đầu, khó thở... các điều dưỡng sẽ có mặt.

Đôi mắt hằn đỏ mang hy vọng

- Lần cuối chị soi gương là khi nào?

- Giờ không có thời gian mà soi gương nữa.

Phòng ở của chị Nguyên có một chiếc gương trong phòng tắm, nhưng chị bảo trong đó tối nên chẳng soi bao giờ. Tắm rửa, chải đầu xong là ra nghỉ ngơi. Một ca làm việc 4 giờ, có lúc phải tăng cường lên 6, 8 giờ. Nhiều lúc mới được nghỉ, có lệnh gọi là lại lên đường.

"Chụp thế này gửi về nhà con nó thấy...", nữ điều dưỡng ngập ngừng khi phóng viên giơ máy lên để lấy một góc ảnh chân dung.

benh vien Covid-19 TP.HCM anh 4

Đôi mắt thâm quầng hằn vết khẩu trang của các điều dưỡng tại bệnh viện dã chiến số 8. Ảnh: Ngọc Tân.

Bọng mắt của chị Nguyên thâm quầng, chia thành 2 ngấn vì bị hằn vết gọng khẩu trang. 2 vành tai thì sưng đỏ, ngứa và loét vì bị quai khẩu trang siết chặt. Ấy là chưa kể vết hăm ở cổ vì viền đồ bảo hộ cọ vào. Chị Nguyên bảo trong phòng mình có 2 đồng nghiệp cũng bị như vậy.

Trái với cảnh tượng 5 bác sĩ xúm quanh một bệnh nhân nguy kịch ở Trung tâm Hồi sức Covid-19, tại bệnh viện thu dung F0 triệu chứng nhẹ như Bệnh viện dã chiến số 8, 5 điều dưỡng phụ trách hơn 1.000 bệnh nhân. Họ gần như không có phút nghỉ ngơi trong ca trực 4 giờ của mình.

"Một điều dưỡng chăm sóc gần 300 bệnh nhân. Mỗi ca trực 4 giờ, quán xuyến 4 tầng lầu. Mình đi gõ cửa từng phòng, hỏi thăm sức khỏe từng bệnh nhân", điều dưỡng Võ Thị Thủy Nguyên chia sẻ.

benh vien Covid-19 TP.HCM anh 5

Bệnh nhân lớn tuổi và trẻ nhỏ là nhóm được ưu tiên chăm sóc tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: Ngọc Tân.

Chị cho biết lúc bệnh nhân đã yên vị thì y bác sĩ mới có thời gian để làm việc chuyên môn. Khổ nhất là khi bệnh nhân mới vào, thiếu quạt, thiếu kem đánh răng, ống nước hỏng... thiếu cái gì cũng gọi nhân viên y tế.

Xác định vào bệnh viện đến khi hết dịch mới về, nữ điều dưỡng để 2 con nhỏ 9 tuổi và 11 tuổi ở nhà cho chồng trông nom.

"Cố gắng hy sinh tất cả, hết dịch bệnh mọi người khỏe mạnh là mình mừng. Chứ thấy bà con khổ quá. Nào là người có bầu, người tay bồng con nhỏ trông thương lắm", chị Nguyên bộc bạch.

Bác sĩ điều trị: Khi bệnh nhân Covid-19 tỉnh, việc đầu tiên là khóc

4 ngày qua, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 của TP.HCM trở thành nơi giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19 nguy kịch.

Ngọc Tân

Bình luận

Bạn có thể quan tâm