Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bác sĩ điều trị: Khi bệnh nhân Covid-19 tỉnh, việc đầu tiên là khóc

4 ngày qua, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 của TP.HCM trở thành nơi giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19 nguy kịch.

bac si Tran Thanh Linh anh 1

"Khụ khụ khụ", "Tít tít tít", "Khụ khụ..."

Tiếng ho khan lẫn với tiếng máy đo nhịp tim phát ra tại một phòng bệnh nằm trong góc tầng 2 của Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 TP.HCM. Phần đầu giường đã được nâng lên, đỡ lấy tấm lưng của người bệnh trông già nua hơn nhiều so với số tuổi ghi trên bệnh án.

Một nữ điều dưỡng đứng nép ngoài cửa, gọi với vào: "Đừng gắng sức chú ơi, chú đừng lo lắng quá".

Sau những tràng ho liên tiếp, ước chừng căn phòng đã đầy những giọt bọt khí lơ lửng chứa virus SARS-CoV-2, nữ điều dưỡng chủ động đứng từ xa để trấn an người bệnh.

Phòng tuyến cuối cùng

Buổi sáng 17/7, tại tầng 2 của Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 TP.HCM, 30 bệnh nhân Covid-19 đang phải gắn quanh cơ thể các loại máy thở, máy lọc máu và máy đo chỉ số sinh tồn. Gần 20 bác sĩ, điều dưỡng túc trực để chăm sóc cho họ.

Người đàn ông còn sức để ho và còn ý thức để cảm thấy lo lắng, tức là ông đang trong tình trạng tốt hơn nhiều bệnh nhân khác. Ngay buồng kế bên, một nữ sản phụ nằm hôn mê bên cạnh chiếc máy chạy ECMO - loại thiết bị y tế dành cho ca bệnh diễn biến xấu nhất.

bac si Tran Thanh Linh anh 2

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại phường Tân Phú, TP Thủ Đức được trưng dụng một phần diện tich làm Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Ngọc Tân.

Nằm ở rìa phía đông của TP.HCM, bước thêm 300 m là sang đất Bình Dương, Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 được trưng dụng từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã qua 4 ngày đón bệnh nhân vào điều trị. Đây là đơn vị thuộc tầng 4 trong mô hình tháp 4 tầng điều trị Covid-19 của TP.HCM

Tối 16/7, Trung tâm hồi sức nhận được báo động đỏ của thành phố, lập tức di chuyển một bộ máy ECMO đến Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương.

Trước đó, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương thực hiện mổ bắt con cho một thai phụ 35 tuần mắc Covid-19. Ca mổ hoàn tất, đứa trẻ khỏe mạnh nhưng người mẹ bị tổn thương phổi rất nguy kịch.

Bệnh nhân diễn biến nguy kịch, hôn mê, phải thở máy, khi tỉnh dậy thì cảm xúc đầu tiên của họ thường là khóc. Họ cứ nghĩ là sẽ không có cơ hội để sống được

Bác sĩ Trần Thanh Linh

Sau khi can thiệp ECMO và giữ được tính mạng cho bệnh nhân, cả người và máy được chuyển đến Trung tâm hồi sức Covid-19 lúc 2h sáng 17/7.

"Tình hình bệnh nhân thế nào? Di chuyển sang đây hết bao nhiêu thời gian? Được rồi, chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Trưng Vương nhé", bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, đang trao đổi qua điện thoại với một đồng nghiệp ở bệnh viện khác.

Ngày 14/7, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh đến nhận nhiệm vụ tại Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid-19. Ông từng là bác sĩ dẫn đầu đoàn chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện cho tỉnh Bắc Giang và cũng là bác sĩ điều trị thành công cho bệnh nhân số 91 là phi công người Anh

Thức cả đêm để hỗ trợ ca cấp cứu, bác sĩ Linh không có thời gian để hồi sức cho chính mình. Ông tiếp tục trải qua buổi sáng 17/7 với hàng chục cuộc điện thoại xin chuyển tuyến vì sức khỏe bệnh nhân diễn biến nặng.

"Chúng tôi ưu tiên nhận bệnh nhân nguy kịch từ các bệnh viện ở tầng 1 (điều trị F0 không triệu chứng - PV) vì tại đó thiết bị y tế rất hạn chế. Những bệnh viện ở tầng 3 như Bệnh viện Trưng Vương thì còn tương đối đầy đủ thiết bị để hồi sức cho bệnh nhân", ông Linh nói.

bac si Tran Thanh Linh anh 3

Mô hình tháp 4 tầng phân chia các cơ sở điều trị Covid-19. Trong đó, tầng thứ 4 cũng là phòng tuyến cuối cùng, nơi các chuyên gia hồi sức cấp cứu giành giật sự sống cho bệnh nhân. Ảnh: Moh.gov.vn.

Vị Phó khoa hồi sức cấp cứu cho biết các bệnh nhân Covid-19 được chuyển đến Trung tâm Hồi sức đều là những trường hợp diễn biến nặng và nguy kịch, khi các bệnh viện cấp dưới không có đủ khả năng để cứu chữa bệnh nhân.

"Bệnh nhân diễn biến nguy kịch, hôn mê, phải thở máy, khi tỉnh dậy thì cảm xúc đầu tiên của họ thường là khóc. Họ cứ nghĩ là sẽ không có cơ hội để sống được", bác sĩ Linh chia sẻ đồng thời cho biết bệnh nhân thường có tâm lý lo lắng, hoang mang khi thấy con số tử vong vì Covid-19 tăng cao.

Chưa đủ nguồn lực y tế

"Đường đi trong đây phức tạp đó, có đường dơ và đường sạch, nhìn thấy chỗ trước mặt mà đi đến đó không dễ đâu", bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 kiêm Phó giám đốc Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid-19, chia sẻ với phóng viên.

Từ chỗ vận hành cả bệnh viện cho việc chữa trị bệnh nhân ung bướu, đến nay bệnh viện của ông Tuấn được chia ra 2 khu vực, một khu vực tiếp tục đón bệnh nhân ung bướu đến thăm khám, khu vực còn lại trở thành Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19.

bac si Tran Thanh Linh anh 4

Bộ máy ECMO đầu tiên tại Trung tâm cấp cứu đã được sử dụng cho một sản phụ mắc Covid-19 bị tổn thương phổi. Ảnh: Ngọc Tân.

Lãnh đạo bệnh viện cho biết cơ sở vật chất ở đây vẫn còn mới, nhưng do không được xây dựng chuyên cho lĩnh vực hồi sức và truyền nhiễm nên nhiều thứ phải điều chỉnh như phân luồng lại, đảm bảo phòng chống lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế.

Trung tâm Hồi sức dự kiến sẽ phải huy động đủ 340 bác sĩ, hơn 1.000 điều dưỡng và 500 nhân viên hỗ trợ. Khi phóng viên có mặt tại đây, các đoàn y bác sĩ từ Thanh Hóa, Phú Thọ, Hải Phòng cũng đã có mặt để bổ sung nhân lực cho trung tâm.

Về vật tư y tế, Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 đã tận dụng thiết bị tại chỗ của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, đồng thời huy động thiết bị từ nhiều bệnh viện khác.

Với quy mô 1.000 giường bệnh, 100 giường dự kiến sẽ dành cho bệnh nhân nguy kịch và 900 giường dành cho bệnh nhân nặng.

bac si Tran Thanh Linh anh 5

Bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được chuyển đến Trung tâm Hồi sức khi sức khỏe chuyển biến xấu. Ảnh: Ngọc Tân.

Tính đến sáng 17/7, khu bệnh nhân nguy kịch đã đón 60 ca, trong đó 50 ca phải thở máy, nhiều ca phải thở oxy dòng cao. 6 ca phải lọc máu.

Tại khu bệnh nhân nặng, gần 100 ca đã được đưa tới. Các bệnh nhân chuyển biến xấu hầu hết ở độ tuổi 50-60, có bệnh lý nền.

"Lượng bệnh nhân tăng lên rất nhanh nên vẫn còn một số thiếu thốn, sẽ được tiếp tục hoàn thiện, bổ sung", bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ.

Trung tâm hồi sức Covid-19 TP.HCM hiện có 4 máy ECMO chuyển sang từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo bác sĩ Linh, phải có 10-15 máy ECMO mới đảm bảo phục vụ công suất của bệnh viện.

Sắp tới, ngành y tế TP.HCM sẽ phải huy động thêm máy ECMO và máy thở từ các đơn vị chưa sử dụng đến như Đại học y dược, Vinmec...

Khi rời Chợ Rẫy sang đây làm nhiệm vụ, tôi nghĩ có lẽ đây là trận chiến lớn nhất trong cuộc đời của mình

Bác sĩ Trần Thanh Linh

Máy ECMO là công cụ thay thế chức năng phổi và phải chạy liên tục trong lúc chờ phổi hồi phục. Khi cho một bệnh nhân sử dụng máy, thời gian sử dụng thường khoảng 7-14 ngày.

Tâm sự với phóng viên, bác sĩ Linh cho biết công việc những ngày qua rất cực nhọc, mệt mỏi, nhưng khi giành giật được sự sống của từng người bệnh thì lúc các y bác sĩ cảm thấy khỏe nhất.

"Khi ngồi trên xe cứu thương đi sang Bệnh viện Trưng Vương để làm ECMO, nhìn thấy không khí Sài Gòn lúc nửa đêm... rất là bùi ngùi. Tôi nghĩ có lẽ đây là trận chiến lớn nhất trong cuộc đời của mình", bác sĩ Trần Thanh Linh nói, giọng ông nghẹn lại.

7 ngày tới phải giải ngân 95% gói hỗ trợ Covid-19 cho người dân TP.HCM

TP.HCM yêu cầu các địa phương đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng của Covid-19.

Ngọc Tân

Bình luận

Bạn có thể quan tâm