Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định việc chuyển đổi mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao. Khi thực hiện cuộc gọi nội hạt (từ cố định đến cố định trong cùng một tỉnh, thành phố), người dùng sẽ không thấy bất cứ thay đổi nào.
Tác động không lớn
Tuy nhiên, các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định (các cuộc gọi có sử dụng mã vùng) sẽ chịu sự tác động của kế hoạch này. Với các cuộc gọi này, người dùng phải thay mã vùng cũ bằng mã vùng mới.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam.
Như vậy, tác động thực sự của việc chuyển đổi mã vùng tới các cuộc gọi không nhiều, hơn nữa tác động này cũng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian. Khi người sử dụng quen với mã vùng mới, ảnh hưởng của nó không còn.
Nói cách khác, việc thay đổi mã vùng có ảnh hưởng nhưng tác động rất nhỏ. Đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân cũng chịu sự tác động là có thể phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng ví dụ như: card visit, bao bì, biển quảng cáo...), phải sửa đổi lại mã vùng cho các số đã lưu trên điện thoại di động...
Giải pháp giảm thiểu tác động của chuyển đổi mã vùng
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định tại Việt Nam tuân thủ theo khuyến nghị của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).
Ông Phan Tâm - Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông cho biết mọi thứ đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định trên toàn quốc. Ảnh: Thành Duy. |
Quy trình chuyển đổi tiến hành theo 4 bước gồm thông báo rộng rãi đến các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan quản lý viễn thông các nước và ITU trước thời điểm chuyển đổi tối thiểu 60 ngày, thực hiện việc quay số song song trong 30 ngày từ thời điểm bắt đầu chuyển đổi, duy trì âm thông báo trong thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ thời điểm kết thúc việc quay số song song và kết thúc duy trì âm thông báo.
Chia sẻ thêm về biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc chuyển đổi mã vùng, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó cục trưởng cục Viễn thông cho biết: “Ngay khi ban hành quy hoạch vào cuối 2014, Cục đã làm việc chặt chẽ với tất cả các doanh nghiệp viễn thông, cả cố định và di động, cùng nhau bàn bạc đưa ra phương án để đưa ra quy hoạch vùng như bộ trưởng đã ký. Các doanh nghiệp có liên quan đều phải tham gia, làm việc nhiều buổi để thống nhất ban hành kế hoạch cụ thể”.
Ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chia sẻ chỉ đến khi các doanh nghiệp đã sẵn sàng, bộ mới công bố kế hoạch cho việc chuyển đổi mã vùng. Ông cho biết thời điểm hiện tại cả bộ và người dùng đều có thể tương đối an tâm.
“Tính khả thi của việc chuyển đổi mã vùng phụ thuộc vào hệ thống của các nhà mạng, đặc biệt là giải pháp quay số song song, hỗ trợ ban đầu.
Bộ chỉ đạo doanh nghiệp phải khảo sát, đánh giá năng lực của hệ thống, sau đó thử nghiệm hệ thống trên thực tế như giải pháp quay số song song, hồi âm thông báo. Chỉ đến khi doanh nghiệp thông báo sẵn sàng, bộ trưởng mới quyết định ký ban hành kế hoạch chuyển mã vùng”.
Bên cạnh đó, bộ cũng góp ý doanh nghiệp về kế hoạch thông tin tuyên truyền, chẳng hạn cung cấp thông tin cho đại lý về bảng chuyển đổi mã vùng, yêu cầu doanh nghiệp tập huấn bộ phận chăm sóc khách hàng để hỗ trợ người dùng.
Theo số liệu từ Cục viễn thông, Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu thuê bao cố định. Thuê bao cố định đang dùng các đầu số rải rác từ 02 đến 08 (đầu 01 và 09 cho thuê bao di động).
Sau khi quy hoạch, tất cả thuê bao cố định sẽ dồn về đầu 02, thu lại được 6 đầu số. Trong 6 đầu số này thì đầu 06 sẽ được dùng cho các dịch vụ mới như điện thoại Internet, điện thoại vệ tinh, dùng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, dư ra được 5 đầu số cho tài nguyên quốc gia, phục vụ cho mục đích lâu dài về sau.