Những cuộc điều trần cho thấy đảng Dân chủ muốn thúc đẩy việc điều tra tại Hạ viện, đang do đảng Dân chủ kiểm soát, và kéo theo việc mà nhiều người trông đợi là sẽ khiến tổng thống bị luận tội.
Báo cáo của công tố viên đặc biệt Mueller tập trung hai câu hỏi chính: liệu tổng thống có cản trở công lý, và có cấu kết với Nga can thiệp bầu cử hay không.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện dự kiến điều trần về “việc tổng thống cản trở công lý và các tội khác” ngày 10/6. Ủy ban Tình báo Hạ viện dự kiến thảo luận về phản ứng của Mỹ khi Nga can thiệp bầu cử ngày 12/6.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu tại trụ sở quốc hội ở thủ đô Washington D.C. ngày 5/6. Ảnh: AP |
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff (đảng Dân chủ, bang California), nói mục tiêu của phiên họp ngày 12/6 là để giải thích với người dân Mỹ “những lo ngại nghiêm trọng về tình báo, tìm hiểu sâu rộng các hành vi thiếu đạo đức và làm hại đất nước mà báo cáo Mueller nhắc đến”.
Ngày 11/6, Hạ viện đã lên lịch bỏ phiếu về tội danh coi thường quốc hội đối với Bộ trưởng Tư pháp William Barr và cựu cố vấn pháp lý Nhà Trắng Donald McGahn vì không tuân thủ các trát của Hạ viện yêu cầu giao nộp hồ sơ.
Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ “chống lại mọi trát yêu cầu hồ sơ”. Ông Barr đã chống lại lệnh yêu cầu công bố toàn văn báo cáo Mueller và các bằng chứng đi kèm. Ông McGahn, được nhắc đến thường xuyên trong báo cáo, cũng chống lại các lệnh giao nộp hồ sơ và yêu cầu ra làm chứng trước Hạ viện.
Sắp tới, đảng Dân chủ có thể kiện ra tòa để buộc những quan chức trên phải giao nộp hồ sơ.
Theo AP, những cuộc điều trần và bỏ phiếu nối đuôi nhau tới đây cũng nhằm làm vừa lòng một nhóm nghị sĩ Dân chủ đang gay gắt kêu gọi luận tội tổng thống ngay lập tức. Dù vậy, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (đảng Dân chủ, bang California) cho đến nay vẫn bác bỏ cách tiếp cận đó, lựa chọn hướng điều tra chậm và theo đúng trình tự hơn, thông qua điều trần và kiện tụng trước tòa.