Bóng đá đôi khi là câu chuyện của những lứa cầu thủ. Ở bất kỳ nền bóng đá nào, thời thế luôn đổi thay dựa trên các nhóm tài năng nối tiếp nhau.
Làm lại một lời chào
Tại Việt Nam, thế hệ 1995-1996 đã khơi dậy cảm hứng và kéo người hâm mộ trở lại các sân bóng với những gương mặt điển hình như Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tiến Dũng, Đỗ Duy Mạnh. Ở đó, có những cầu thủ 1997 đã tham gia với lớp đàn anh điển hình là Nguyễn Quang Hải.
Quang Hải là gương mặt gạch nối, tiếp tục đóng góp trong thế hệ đại thành công 1997-1998. Anh cùng Trần Đình Trọng, Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh, Hồ Tấn Tài và những đồng đội khác đưa Việt Nam lần đầu góp mặt tại vòng chung kết U20 World Cup 2017. Cũng chính thế hệ này đã đưa Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á ở AFF Cup và SEA Games.
Tiếp theo sẽ là thế hệ 1999-2000 cộng thêm một vài gương mặt 2001-2002 triển vọng cao. Với chấn thương của ngôi sao Đoàn Văn Hậu, lứa cầu thủ này không có nhiều gạch nối ấn tượng. Nguyễn Văn Toản, Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Văn Xuân... đều từng được triệu tập sánh vai các đàn anh, nhưng chủ yếu họ chỉ phụ trách vai trò dự bị. Thậm chí, có thể tin rằng họ được HLV Park Hang-seo cấy lên nhằm trải nghiệm và học hỏi chứ không phải vì khả năng đóng góp ngay lập tức.
Vòng loại U23 châu Á tới không phải lần đầu tiên lứa cầu thủ này chinh chiến cùng nhau. Nhưng nói như Đặng Văn Tới, mọi thứ tới nay tạm phải gói gọn vào hai chữ "thất bại". Họ đã không thành công tại các giải đấu cấp U16, U19 của khu vực và châu lục trừ lần hiếm hoi lọt vào tứ kết U16 Châu Á 2016 của các cầu thủ sinh năm 2000. Vòng loại U23 Châu Á được xem là một cơ hội để thế hệ 1999-2000 "làm lại" một lời chào gửi tới người hâm mộ.
Vậy đâu là những gương mặt triển vọng nhất trong danh sách chuẩn bị được HLV Park Hang-seo mang tới vòng loại U23 Châu Á?
Văn Toản (phải) được quy hoạch cho đội U23 từ vài năm qua và nhiều khả năng sẽ là người gác đền số một. Ảnh: Minh Chiến. |
Thủ môn
Nguyễn Văn Toản (1999) chắc chắn là cái tên được dành nhiều kỳ vọng nhất trong thế hệ 1999-2000.
Điều thú vị về Văn Toản là anh không phải cái tên nổi trội từ khi còn trẻ. Trong giai đoạn 2016-2019, Văn Toản không hề xuất hiện trong danh sách triệu tập các đội tuyển trẻ của lứa 1999-2000.
Đó là bởi ở quãng thời gian ấy, Văn Toản rời khỏi CLB Hải Phòng vì một án kỷ luật dù được đôn lên đội một từ năm 2016. Toản thực sự đã có thời gian bỏ bóng đá và đi làm thợ nhôm kính trước khi cơ may trở lại. Đặng Văn Lâm ra đi vào năm 2018, HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh đã đề xuất với lãnh đạo đội bóng để Toản có cơ hội thứ hai. Và đó là khởi đầu cho những ngày tháng tấn tới. Từ một cái tên ít được biết đến, Văn Toản trở thành thủ môn số một tại đất cảng và giờ là thành viên ĐTQG.
Hiện tại, Văn Toản đang gặp một chấn thương. Dự bị cho Toản sẽ là chàng thủ môn sinh năm 2001 với cái tên bắt tai Quan Văn Chuẩn, cũng là một gương mặt đáng chú ý khác.
Trong các trung vệ của U23 Việt Nam, Bùi Hoàng Việt Anh trưởng thành nhanh nhất nhờ được chơi V.League thường xuyên. Ảnh: Minh Chiến. |
Bộ ba trung vệ
Xét ở thời điểm hiện tại, nếu phải chọn ra 3 cái tên chắc chắn nhất cho U23 Việt Nam, đó sẽ là Nguyễn Thanh Bình (2000), Bùi Hoàng Việt Anh (1999) và Đặng Văn Tới (1999).
Trong đó, Thanh Bình gần đây được người hâm mộ biết tới chủ yếu bởi sự non nớt trong trận gặp Trung Quốc tại vòng loại thứ ba World Cup. Dù vậy, hai trận giao hữu cùng U23 Việt Nam cho thấy Bình vẫn là cái tên đủ để tin tưởng.
Không nhiều người biết rằng chỉ 3 năm trước, Thanh Bình còn là một cầu thủ chơi tại giải hạng Ba 2018 dưới dạng cho mượn tại PVF. Theo chính sách phát triển cầu thủ bằng hình thức cho đội hạng thấp mượn người, Thanh Bình đã có 2 năm thi đấu thường xuyên tại hạng Nhất Quốc gia cho CLB Huế và CLB Topenland Bình Định. Anh thậm chí giúp Bình Định thăng hạng. Phần thưởng là vị trí trong đội một Viettel từ mùa 2021.
Chấn thương của các đàn anh giúp Bình có cơ hội ra sân thường xuyên, từ đó được chú ý và triệu tập lên ĐTQG.
Khi Bình mắc lỗi trước Trung Quốc, nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao người vào thay Bùi Tiến Dũng không phải Bùi Hoàng Việt Anh. Bản thân điều này đã cho thấy vị thế của trung vệ thuộc biên chế CLB Hà Nội.
Cao 1,86 m và nặng 77kg, Bùi Hoàng Việt Anh sở hữu thể hình lý tưởng cho vị trí trung vệ và từ lâu đã gây ấn tượng ở các giải trẻ toàn quốc. Sau 2 năm đá chính thường xuyên cho CLB Hà Tĩnh tại hạng Nhất, Việt Anh được đôn lên đội một CLB Hà Nội từ năm 2020. Cũng như Thanh Bình, bão chấn thương của các đàn anh là điều kiện lý tưởng để Việt Anh được ra sân thường xuyên. Không dừng lại ở đó, thế mạnh không chiến đã giúp anh đóng góp cho đội một tới 4 bàn ở V.League 2020.
Sát cánh với Việt Anh từ năm 11 tuổi, Đặng Văn Tới cũng là cái tên đã ghi dấu xuyên suốt các thành công giải trẻ của CLB Hà Nội những năm qua, thậm chí trong vai trò đội trưởng.
"Chỉ" cao 1,78 m, nhưng Tới "Trâu" là mẫu trung vệ không thiếu mạnh mẽ đồng thời rất tinh quái. Anh có khả năng chỉ đạo hàng phòng ngự hiếm thấy ở những cầu thủ trẻ. Trên thực tế, Văn Tới đã xuất hiện ở đội một CLB Hà Nội từ tận năm 2018, nhưng một số chấn thương đáng tiếc đã cướp đi cơ hội thể hiện của anh tại V.League những năm qua. Trước đây, dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn, đội trưởng tuyển Việt Nam lứa 1999-2000 chính là Văn Tới.
Dĩ nhiên, HLV Park Hang-seo dường như vẫn mong muốn có một trung vệ lệch trái thuận chân trái. Vì vậy, không loại trừ khả năng Liễu Quang Vinh (1999, SHB Đà Nẵng) và Nhâm Mạnh Dũng (2000, Viettel) sẽ có cơ hội vào sân.
Trưởng thành từ PVF, được trao cơ hội ở CLB Hà Tĩnh, thay thế Văn Hậu tại đội Hà Nội và sau đó được lên cả U23 lẫn tuyển quốc gia, Lê Văn Xuân (trái) sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng ở vòng loại châu Á lần này. Ảnh: Minh Chiến. |
Hai cầu thủ chạy cánh
HLV Park Hang-seo đã mang tới cho bóng đá Việt Nam sự trở lại của mẫu sơ đồ 3 trung vệ. Đi kèm với đó là yêu cầu rất cao dành cho hai vị trí chạy cánh. Đó buộc phải là những gương mặt có khả năng công thủ toàn diện cùng nền tảng thể lực tốt.
Với thế hệ 1999-2000, những thể hiện trong 2 trận giao hữu vừa qua đã chỉ ra một cặp đôi giàu tiềm năng, đều trưởng thành từ Trung tâm PVF: Lê Văn Xuân (1999) và Lê Văn Đô (2001).
Văn Xuân là một cái tên rất thú vị. Anh là đội trưởng của lớp 1999 tại PVF nhưng không phải mẫu thủ lĩnh hô hào như Văn Tới. Thay vào đó, anh "làm gương" cho đồng đội bằng sự gan lì, bền bỉ và ổn định. Chỉ cao 1,68 m nhưng Xuân rất mạnh mẽ nhờ thân hình dày dặn bẩm sinh cùng cặp bắp đùi mà kích thước đủ để cạnh tranh với Vũ Văn Thanh và... Roberto Carlos.
Kĩ thuật căn bản tốt, Văn Xuân lại gần như thuận cả hai chân. Bằng chứng là anh có thể thực hiện các quả phạt góc, phạt trực tiếp bằng cả chân trái lẫn chân phải tùy theo ý định.
Chưa kể, Văn Xuân lại cực kỳ đa năng. Xuân không có vị trí "sở trường". Anh có thể chơi tiền vệ cánh, hậu vệ cánh, tiền đạo cánh cả trái và phải đều tốt. HLV Hoàng Anh Tuấn trước đây thậm chí đã dùng Văn Xuân đá tiền vệ trung tâm.
Trong số các cầu thủ 1997-2000 từng được PVF bàn giao cho CLB Hà Nội, Văn Xuân là cái tên được cựu HLV trưỏng Chu Đình Nghiêm đánh giá cao nhất, đã ra sân 24 trận tại V.League cho đội bóng thủ đô hai mùa giải qua.
Cùng trưởng thành tại PVF nhưng Lê Văn Đô (2001) lại là một cái tên khác hẳn Văn Xuân. Văn Đô đôi lúc không thực sự ổn định về mặt phong độ, nhưng khi đã đạt cảm hứng, đây là mẫu cầu thủ có thể mang tới những màn trình diễn "10 điểm".
Văn Đô giàu tốc độ, kỹ thuật và chơi đột biến. Đô xử lý tốt để qua người trong những tình huống một đối một và luôn khát khao săn bàn. Đây là lý do vì sao tại PVF, cầu thủ người Quảng Nam chủ yếu thi đấu trong các vai trò như tiền đạo, tiền vệ trái, tiền vệ con thoi trong sơ đồ 3 tiền vệ.
Văn Đô sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với Mai Sỹ Hoàng (1999) cho một suất chạy cánh trái. Những gì đã thể hiện tại 2 trận giao hữu vừa qua cho thấy Đô nhỉnh hơn cả về hiệu suất tấn công lẫn đóng góp phòng ngự.
Văn Công (trái) tranh chấp với Văn Toàn (áo vàng) ở V.League 2021. Ảnh: Minh Chiến. |
Tiền vệ trụ
VỊ trí tiền vệ trụ sẽ là cuộc cạnh tranh trực tiếp giữa hai cái tên đáng chú ý của V.League 2021: Trần Văn Công (1999) và Nguyễn Trọng Long (2000).
Văn Công trưởng thành từ trung tâm VSH và đã kinh qua các lứa trẻ CLB Hà Nội. Anh được 2 trong số những chuyên gia đào tạo trẻ khó tính nhất là Phạm Minh Đức và Hoàng Anh Tuấn tin tưởng cho đá chính thường xuyên.
Cầu thủ quê Nghệ An có khả năng thu hồi bóng mạnh mẽ và luân chuyển nhịp nhàng, thông minh. Hai năm qua, Văn Công thậm chí đôi lúc chơi trung vệ và rất tròn vai khi HLV Phạm Minh Đức áp dụng mẫu sơ đồ 3 trung vệ cho Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Trọng Long là một trường hợp thú vị. Năm 2016, với tấm băng thủ quân của U16 Việt Nam, Long cùng các đồng đội gây chú ý khi tiến vào tứ kết châu Á. Thời ấy, anh là một chàng trai mềm mại, tầm chuyền bóng rộng, ưa thực hiện những pha nhả - nhú, bật tường điệu nghệ.
Năm 2017, Trọng Long gặp chấn thương đứt dây chằng. Nhờ điều kiện phục hồi tốt tại PVF, anh đã trở lại với tiềm năng của mình, nhưng theo một cách rất khác: giàu sức mạnh hơn, cơ bắp hơn.
Bây giờ, Long là một cỗ máy tranh chấp bóng ở giữa sân với khả năng bám đuổi đối thủ dai dẳng và cực kỳ khó chịu. Khả năng giữ bóng cùng những cú nhú bật tường vẫn còn đó, nhưng thân hình dày dạn mang tới một cảm giác rất khác so với khi còn trẻ.
HLV Mano Polking đã không ngại ngần cho Trọng Long đá chính trong một loạt trận đấu trước khi V.League phải hủy vì dịch bệnh.
Cả Văn Công và Trọng Long đều đã thể hiện ổn trong 2 trận giao hữu vừa qua. Cuộc cạnh tranh giữa 2 cái tên này sẽ mang tới cơn đau đầu dễ chịu cho HLV Park Hang-seo.
Tại tuyến giữa U23 Việt Nam, không ngôi sao nào để lại ấn tượng mạnh mẽ ở V.League hơn Hai Long. Ảnh: Minh Chiến. |
Hai tiền vệ con thoi
Có 3 cái tên đáng nêu ra nhất cho 2 suất này là Lý Công Hoàng Anh (1999), Nguyễn Hai Long (2000) và Nguyễn Hữu Thắng (2000).
Lý Công Hoàng Anh nhiều khả năng chiếm một vị trí chính thức, không hẳn vì anh đang giữ băng đội trưởng, cũng không phải vì anh là một thành viên ĐTQG được đưa xuống.
Trưởng thành từ lớp trẻ của CLB Hà Nội, Hoàng Anh đã được chuyển giao cho Hà Tĩnh từ cuối năm 2018 và chuẩn bị kết thúc hợp đồng lao động 3 năm tại đây. Bản thân điều này đã cho thấy rằng Hoàng Anh không phải mẫu cầu thủ hào nhoáng, bắt mắt.
Cùng lứa Hoàng Anh, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Văn Minh, Văn Xuân, Lê Xuân Tú và một số cái tên khác chỉ chơi cho Hà Tĩnh theo dạng cho mượn, và sau này đã được CLB Hà Nội gọi về. Còn Hoàng Anh thì giờ chuẩn bị cập bến Topenland Bình Định.
Hoàng Anh có sự tròn trịa, toàn diện và ổn định. Anh chạy nhiều và chạy cũng rất thông minh. Ở trận gặp U23 Kyrgyzstan vừa qua, cách di chuyển đâm vào các khe nách phòng ngự của Hoàng Anh đã mang tới nhiều đột biến.
Hai Long và Hữu Thắng thì khác Hoàng Anh.
Hai Long nổi lên là "người đóng thế" Nguyễn Hải Huy. Chỉ nói vậy là đủ để thấy tiềm năng của tân binh CLB Hà Nội. Cũng như Hải Huy, Long có khả năng liên kết các tuyến, phân phối và triển khai lối chơi mạch lạc. Một chi tiết thú vị là Hai Long chỉ chuyển tới CLB Than Quảng Ninh sau khi bị Trung tâm Viettel sàng loại. Ở đất mỏ, anh chàng nhỏ con này đã phát lộ dưới bàn tay HLV Phan Thanh Hùng.
Cùng lứa 2000 của Viettel với Hai Long khi xưa, nhưng Hữu Thắng là gương mặt được đánh giá cao hơn rất nhiều. Hữu Thắng cũng là cái tên đá chính của tập thể U16 Việt Nam năm 2016, cùng Thanh Bình đưa Topenland Bình Định thăng hạng năm 2020.
Hữu Thắng đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong 2 trận giao hữu giữa U23 và tuyển quốc gia cuối năm ngoái. Ảnh: Minh Chiến. |
Đôi chân vòng kiềng dị biệt của Thắng "Huế" đã từng nhận nhiều lời khen từ các HLV khác nhau như Đinh Thế Nam, Đặng Phương Nam, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Đức Thắng. Không giống Hai Long, gần như giải trẻ nào, Hữu Thắng cũng được chú ý nhờ những màn trình diễn ấn tượng, gần nhất là chức vô địch U21 Quốc gia 2020 cùng đội trẻ Viettel.
Khác thì rất khác, nhưng giống thì cũng rất giống. Long và Thắng không chỉ chia sẻ điểm chung về năm sinh mà còn tương đồng cả về lối chơi.
Cả hai đều cực kỳ khéo léo, có cảm quan nhịp độ chiến thuật tốt, có khả năng tung ra những đường chuyền nhạy cảm và chết chóc. Họ đều sở hữu những phẩm chất để trở thành mẫu tiền vệ điều phối hàng đầu. Trên thực tế, đây cũng chính là thương hiệu của hai chàng trai này.
Cả hai đều cần được chạm bóng nhiều, đều muốn điều phối thế trận tấn công. Điều này vô tình khiến cho bộ đôi tiền đạo bị thiếu hỗ trợ, bởi cả Long và Thắng đều không có thói quen di chuyển tạo đột biến, tới gần và kết nối với các tiền đạo.
Có lẽ, đây chính là lý do vì sao màn trình diễn của U23 Việt Nam trước U23 Tajikistan khá nhạt nhòa khi cả Long và Thắng thi đấu cùng nhau trên sân. Không phải không có cách để cả hai cùng góp mặt một lúc, nhưng họ phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu của hệ thống hoặc hệ thống phải thay đổi để đặt họ vào vị trí tương ứng.
HLV Park có phương án đơn giản hơn để tối ưu: Một trong hai người ghép cùng Hoàng Anh.
Không được trao nhiều cơ hội tại CLB Hà Nội, Xuân Tú (giữa) vẫn có thể đá chính ở tuyển U23 Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Hai tiền đạo
Dù Nguyễn Trần Việt Cường (2000) từng giữ chức đội trưởng của U22 Việt Nam, nhưng nhiều khả năng anh sẽ phải ngồi dự bị cho 2 người đồng đội khác ở thời điểm hiện tại. Họ là Lê Xuân Tú (1999) và Trần Văn Đạt (2000).
Xuân Tú là cầu thủ trưởng thành từ PVF, cùng lớp 1999 với Văn Xuân. HLV Nguyễn Mạnh Cường của PVF từng kể Tú là cầu thủ thấp bé nhất lớp nhưng bỗng dưng cao vọt kể từ khi gặp chấn thương dây chằng vào năm 15 tuổi. Ngoài chiều cao thì kể từ đó, các phẩm chất khác của Tú cũng phát triển rất nhanh.
Cuối năm 2018, Tú cùng một số đồng môn PVF được chuyển giao cho CLB Hà Nội. Hai mùa giải 2018 và 2019, anh được HLV Phạm Minh Đức rèn giũa trở thành một trong những cầu thủ tấn công hay nhất tại hạng Nhất Quốc gia.
Cao 1,8 m và có khả năng bứt tốc ấn tượng, Xuân Tú luôn là cái tên thường trực trong đội hình chính U19 Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn. Tú cũng sớm được HLV Park Hang-seo triệu tập lên U22 Việt Nam những năm qua.
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không vì U21 Hà Tĩnh bị loại tại bán kết giải U21 Quốc gia 2019, Xuân Tú nhiều khả năng sẽ được bình chọn cho giải "Cầu thủ hay nhất". Cuối giải ấy, người nhận danh hiệu là cầu thủ chơi cho đội vô địch U21 Hà Nội Trần Văn Đạt.
Văn Đạt cũng có tên trong đội U16 Việt Nam năm 2016 và đã có nhiều bước tiến ổn định trong biên chế tuyến trẻ CLB Hà Nội những năm qua. Ít ai biết rằng, anh được cựu danh thủ Dương Hồng Sơn nhận làm con nuôi. Hai bố con đã cùng nhau đăng quang tại giải U21 Quốc gia 2020 sau một năm chinh chiến dưới màu áo CLB Phú Thọ tại giải hạng Nhì.
Đạt sở hữu cái chân trái sắc bén cùng lối chơi "lì đòn". Anh đa năng, có thể chơi tốt trong cả vai trò tiền vệ cánh và hộ công. Hai bàn trước U23 Kyrgyzstan là mô tả tốt cho khả năng xâm nhập vùng cấm rất thính nhạy của cầu thủ này.
Cặp Xuân Tú - Văn Đạt đang đạt phong độ cao. Vì vậy nhiều khả năng, Việt Cường sẽ đành chịu dự bị. Trần Bảo Toàn của Hoàng Anh Gia Lai cũng đã thể hiện không tồi. Ngoài ra, Mai Xuân Quyết của CLB Nam Định cũng là cái tên dự phòng.
Thái Bá Sang cũng là một tài năng được đánh giá cao của lứa U23 hiện tại nhưng không có mặt trong đội hình U23 Việt Nam dự vòng loại châu Á 2022. Ảnh: Minh Chiến. |
Còn nhiều gương mặt khác cho tương lai
Cũng như những lứa cầu thủ khác, Việt Nam vẫn còn nhiều gương mặt thuộc độ tuổi U22 giàu tiềm năng nhưng chưa có cơ hội ở giải đấu trước mắt.
Vị trí thủ môn có những cái tên như Dương Tùng Lâm (1999, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) hay Trương Thái Hiếu (2000, Phố Hiến). Hàng hậu vệ chưa có sự triệu tập của Thái Bá Sang (1999, Sông Lam Nghệ An).
Trương Tiến Anh (1999, CLB Viettel), Nguyễn Xuân Kiên (2000, Viettel) hay Uông Ngọc Tiến (2000, Phố Hiến) có thể mang tới chất lượng cho hai cánh. Đặng Văn Lắm (1999, Sông Lam Nghệ An), Phan Văn Hiếu (2000, Nam Định), Nguyễn Hồng Sơn (2000, Hà Nội) đủ khả năng để mang tới sự cạnh tranh cho trung tuyến.
Trong khi đó, nếu Trần Danh Trung (2000, Viettel), Huỳnh Tiến Đạt (2000, Hoàng Anh Gia Lai) tìm lại được phong độ, họ hoàn toàn có thể mang tới sức sống cho hàng công. Thậm chí, nếu ông Park Hang-seo tin dùng Nhâm Mạnh Dũng trong vai trò tiền đạo, ngay lập tức ông đã có một lựa chọn sáng nước.
Đó là chưa kể tới nhóm cầu thủ sinh năm 2001 vốn giàu tiềm năng mà "Phù thủy trắng" Philippe Troussier đã trui rèn.