Chiến thắng của Thượng nghị sĩ Marco Rubio tại cuộc bầu cử sơ bộ ở vùng lãnh thổ Puerto Rico hoàn toàn vô nghĩa. Bởi đến nay chính trị gia gốc Cuba mới chỉ có trong tay 23 đại biểu. Trong khi đó, ông Trump đã sở hữu 384 đại biểu còn ông Cruz bỏ túi 300 đại biểu. Để giành vé đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống, một ứng cử viên cần có sự ủng hộ của 1.237 đại biểu.
Tỷ phú Donald Trump (trái) và Thượng nghị sĩ Ted Cruz, hai sự lựa chọn đảng Cộng hòa không hề mong muốn Ảnh: Reuters |
Ông Trump đã kêu gọi ông Rubio từ bỏ cuộc đua, và thời gian dành cho “người được đảng Cộng hòa lựa chọn” đang cạn dần. Với các kết quả vừa qua, ông Trump vẫn khẳng định vị thế ứng cử viên số một. Tuy nhiên, ông Cruz đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với Trump. Trong 4 bang tổ chức bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa hôm thứ 7, Cruz chỉ thua Trump sát nút ở Louisiana và Kentucky, và thắng vang dội ở Maine cũng như Kansas.
“Người thay thế” không được hoan nghênh
Lần đầu tiên trong một tháng qua, “ánh hào quang bất bại” của Trump lu mờ. Hôm qua, ứng cử viên tổng thống GOP năm 2012 Mitt Romney mô tả Cruz là “ứng cử viên đối trọng Trump chủ yếu”. Trump chỉ giành được 1/3 số đại biểu cần thiết. Đến giữa tháng 3, các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa bắt đầu diễn ra theo hình thức “người thắng giành được tất cả (số đại biểu)”. Do đó, Cruz có đủ cơ hội để vượt qua Trump, dù đây sẽ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.
Nhưng Cruz liệu có phải là “người thay thế” mà đảng Cộng hòa mong muốn? “Nếu Ted là sự lựa chọn thay cho Trump, ít ra ông ta cũng là thành viên đảng Cộng hòa và là chính trị gia cánh hữu” - báo Boston Globe dẫn lời Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một chính trị gia có ảnh hưởng lớn của GOP. Một sự ủng hộ đầy miễn cưỡng, mang ý nghĩa là giữa hai lựa chọn tồi tệ, Cruz ít tệ hơn Trump.
Trên thực tế, cuộc đối đầu Trump - Cruz là viễn cảnh đảng Cộng hòa không mong muốn. Còn nhớ hồi tháng 1, tạp chí cánh hữu National Review phát hành số báo với toàn bộ nội dung chống Donald Trump. Cùng thời điểm đó, hàng loạt quan chức, nghị sĩ, nhà vận động hành lang của GOP khẳng định cần phải cản trở Cruz tiến vào Nhà Trắng. Thậm chí, một số nhà báo Mỹ từng trao đổi với Zing.vn nhận định đối với nước Mỹ nói riêng, Cruz là hiểm họa lớn còn hơn Trump.
Tạp chí The Nation cảnh báo: “Nếu Trump là một giấc mơ khó chịu thì Cruz là cơn ác mộng tồi tệ. Các lãnh đạo Cộng hòa phải đặt câu hỏi là tại sao đảng chính trị của những vĩ nhân như Abraham Lincoln, Teddy Roosevelt và Dwight Eisenhower lại phải lựa chọn giữa một tỷ phú vĩ cuồng liên tục đưa ra những tuyên bố tồi tệ và một thượng nghị sĩ vĩ cuồng liên tục có những hành động tồi tệ”.
Trong thời gian qua, cả thế giới chứng kiến tỷ phú Trump liên tục “quăng bom” như đòi xây tường ở biên giới Mexico, cấm cửa người Hồi giáo vào Mỹ, mới đây là đòi mở rộng luật cho phép tra tấn, đòi giết luôn gia đình của bọn khủng bố… Hôm 5/3, Trump lại gây xôn xao dư luận khi yêu cầu người ủng hộ tham gia cuộc vận động ở Orlando giơ tay thề trung thành với ông. Giới truyền thông Mỹ so sánh hình ảnh đó với những hành động của Adolf Hilter tại Đức thời thập niên 1930.
Cruz quá cực đoan
Nhưng đúng là Trump mới chỉ “mồm to”, dù làm xấu hình ảnh nước Mỹ nhưng chưa có hành động cụ thể gì (vì không phải là lãnh đạo chính trị). Truyền thông quốc tế cũng quá tập trung vào Trump mà quên đi rằng Cruz cũng cực đoan không kém. Ông ta từng tuyên bố hàm ý rằng Tổng thống Barack Obama không phải nhà lãnh đạo hợp pháp, rằng ông “ủng hộ chủ nghĩa khủng bố” vì đàm phán với Iran. Cruz đòi xóa sổ luật bảo hiểm y tế Obamacare mà không đưa ra giải pháp nào thay thế.
Ở lĩnh vực đối ngoại, đề xuất nổi bật nhất của Cruz là “đánh bom rải thảm” Syria để tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), có nghĩa là chẳng khác gì lời kêu gọi giết gia đình của khủng bố như Trump. Không chỉ phát ngôn cực đoan, Cruz còn hành động cực đoan. Hồi tháng 10/2013, chính phủ liên bang Mỹ rơi vào tê liệt suốt nửa tháng do Cruz cầm đầu nhóm nghị sĩ Cộng hòa cực hữu quyết chặn việc Quốc hội thông qua ngân sách nhằm tiêu diệt Obamacare.
Báo chí Mỹ khẳng định mối quan hệ của Cruz với phần lớn các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ rất tồi tệ. Thượng nghị sĩ John McCan từng mô tả Cruz là “kẻ điên rồ”, “phát xít”, “không đại diện hệ tư tưởng của Đảng Cộng hòa”… Báo Washington Post đánh giá dù hay tuyên bố hùng hổ, nhưng tỷ phú Trump là người linh hoạt, có thể thương lượng được.
Ngược lại Cruz quá cực đoan và cứng rắn. “Đối với các chính trị gia, nghị sĩ, thành viên Ủy ban Cộng hòa quốc gia, sự linh hoạt là điều rất quan trọng”, Washington Post nhấn mạnh. Chính vì sự cực đoan này nên giới lãnh đạo Cộng hòa lo ngại nếu Cruz giành vé tranh cử tổng thống, ông ta sẽ thua to trước cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton của đảng Dân chủ.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 này, đảng Cộng hòa đang tiến thoái lưỡng nan trong thế “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, giữa một tỷ phú “gây rối” và một thượng nghị sĩ “đáng sợ”.