Trong tuần qua, đàm phán thương mại Mỹ - Trung gần như sụp đổ khi cả hai bên đều khẳng định quan điểm cứng rắn. Từ ngày 10/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế trừng phạt 25% lên khối lượng hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Phản ứng lại, ngày 13/5 Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh thuế 5-25% lên lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Mỹ. Theo New York Times, kể cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại thì căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn sẽ tiếp tục tồn tại dai dẳng.
Giới chuyên gia nhận định Mỹ ngày càng lo ngại với vai trò mới nổi của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và các chiến thuật mà nước này sử dụng như tấn công mạng, lại các công ty công nghệ cao ở Mỹ và châu Âu, trợ cấp cho các ngành công nghiệp quan trọng và phân biệt đối xử đối với công ty nước ngoài.
Washington ngăn chặn Bắc Kinh
Chính quyền Tổng thống Trump cố gắng hạn chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại Mỹ và các nước, đồng thời liên tục cảnh báo bằng những ngôn từ cứng rắn về về tham vọng của Trung Quốc.
Đầu năm 2019, Mỹ cáo buộc Huawei đánh cắp bí mật thương mại của các công ty Mỹ. |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo so sánh tham vọng của Trung Quốc với Nga và Iran trong bài phát biểu tại London (Anh) vào thứ tư tuần trước. Ông mô tả Trung Quốc là một thách thức đối với Mỹ giống như Liên Xô trước đây.
Thời gian qua, chính phủ Mỹ dựng hàng loạt rào cản nhằm hạn chế Trung Quốc đầu tư vào các công ty Mỹ, xem xem lại các công nghệ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc và hạn chế vai trò của các công ty Trung Quốc trong việc xây dựng mạng lưới viễn thông tương lai của Mỹ, đồng thời ngăn cản các quốc gia khác sử dụng thiết bị Trung Quốc.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tăng cường giám sát các nhà nghiên cứu Trung Quốc làm việc Mỹ vì lo ngại họ đánh cắp bí mật công nghệ và thương mại. Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra ngăn chặn hành vi ăn cắp công nghệ Mỹ.
Hồi đầu năm, chính quyền Mỹ cáo buộc gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei và giám đốc tài chính của công ty là Mạnh Văn Châu tội đánh cắp bí mật thương mại Mỹ và qua mặt lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.
Bắc Kinh trả đũa
Việc áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa Mỹ chỉ là đòn trả đũa đầu tiên của Trung Quốc. Nhân Dân nhật báo số ra ngày 11/5 khẳng định chính quyền ông Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vì "đánh giá sai sức mạnh, khả năng và ý chí của Trung Quốc".
Kiềm chế tham vọng của Trung Quốc không phải là điều dễ dàng. Theo New York Times, nhiều người Mỹ lo ngại rằng chính quyền ông Trump đang kích động làn sóng phân biệt đối xử đối với Trung Quốc và các công dân nước này, và điều đó có thể khiến nền kinh tế Mỹ bị tổn thương.
Theo các học giả Trung Quốc và Mỹ, ước tính có tới 30 giáo sư Trung Quốc đã bị hủy thị thực sang Mỹ trong năm qua.
Sau khi Washington công bố thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh lập tức thông báo đánh thuế lên hàng Mỹ. |
“Chúng ta sẽ đối mặt với nhiều thập kỷ đàm phán đầy khó khăn với Trung Quốc”, chuyên gia David Lampton thuộc Đại học Stanford dự báo. Ông cho rằng một thỏa thuận thương mại - nếu có - cũng không thể giải quyết được xung đột. “Đó chỉ là một cuộc giao tranh nhỏ trong trận chiến lớn”, ông nhấn mạnh.
Các nhà đàm phán Trung Quốc đã trở lại Bắc Kinh vào cuối tuần qua mà không đạt được bất cứ thỏa thuận thương mại nào. Thậm chí căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang nghiêm trọng.
Dẫu vậy, cuối tuần trước quan chức hai nước vẫn tuyên bố đàm phán sẽ tiếp diễn và họ sẽ nhóm họp tại Bắc Kinh vào tháng 6. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc mô tả việc hai bên không đạt được thỏa thuận chỉ là "bước lùi nhỏ trong đàm phán".
Còn trên Twitter, ông Trump mô tả cuộc đàm phán là "thẳng thắn và mang tính xây dựng".
Thỏa thuận cũng không làm thay đổi quan hệ Mỹ - Trung
Một thỏa thuận thương mại có thể làm dịu căng thẳng, nhưng không hề là dễ dàng. Một số nguồn tin từ Washington cho biết các nhà đàm phán Mỹ không thể ép phía Trung Quốc thay đổi những điểm trong thỏa thuận thương mại mà phía Bắc Kinh cho là không phù hợp với lợi ích của quốc gia này.
Ông Lưu Hạc cũng chỉ rõ vấn đề trên Tân Hoa xã: "Có quá nhiều điểm bất đồng giữa hai bên. Chúng tôi cho rằng đó là những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Bất kỳ quốc gia nào cũng có những nguyên tắc riêng. Chúng tôi không thể nhượng bộ về các vấn đề mang tính nguyên tắc".
Chính quyền Trung Quốc cương quyết từ chối việc giảm trợ cấp dành cho các ngành công nghiệp sản xuất của nước này và cũng không đồng ý công khai cam kết ngăn chặn các hành vi tấn công mạng.
Đàm phán Mỹ - Trung kết thúc vào thứ sáu tuần trước mà không đạt được bất cứ thỏa thuận thương mại nào. |
Cuối cùng, theo các chuyên gia Mỹ, một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ chỉ dừng ở mức tạo ra một số thay đổi nhỏ, ví dụ như hai bên trao đổi thêm vài chục tỷ USD hàng hóa, một số thứ thuế được dỡ bỏ, Trung Quốc cam kết một vài cải tổ pháp lý không rõ ràng.
Vấn đề là Bắc Kinh hoàn toàn có thể phớt lờ những cam kết này, đặc biệt nếu một chính quyền mới xuất hiện ở Washington thay cho chính quyền ông Trump. "Đây sẽ là cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ chứ không thể được giải quyết một sớm một chiều", chuyên gia Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, nhận định.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc cũng có chung quan điểm. "Ngay cả khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được một thỏa thuận thì quan hệ chiến lược song phương xét về lâu về dài cũng gặp rất nhiều trắc trở", giáo sư Zhang Jian thuộc Trường Chính phủ tại Đại học Bắc Kinh nêu quan điểm.