Mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc rơi mất kiểm soát trở lại Trái Đất đánh dấu một mặt trận mới nơi cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng nóng hơn: vũ trụ.
Rác thải vũ trụ
Quân đội Mỹ cho biết đang giám sát chặt chẽ quỹ đạo của mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh, coi đây là một mối đe dọa.
Dù phần lớn mảnh vỡ tên lửa sẽ bị đốt cháy trong khí quyển, một số bộ phận có thể còn sót lại. Tuy khả năng là không cao, những mảnh sót lại như thế vẫn có nguy cơ rơi xuống những khu vực đông dân cư, gây thiệt hại không thể lường trước.
Chưa đầy một tháng trước, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc từng lên tiếng về một hoạt động xả rác ra vũ trụ.
Khi đó, cánh tay robot của Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) xoay tròn trên bầu trời trước khi xả ra bên ngoài 3 tấn rác, trong đó có những pin nhiên liệu đã qua sử dụng.
Khối rác thải khổng lồ này sẽ bay trên quỹ đạo Trái Đất khoảng 4 năm trước khi quay trở lại khí quyển.
Website của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc nhanh chóng đưa ra bài viết cảnh báo nguy cơ những hoạt động xả rác vũ trụ như vậy.
"Hãy cầu nguyện chúng sẽ không quay lại và đâm vào trạm vũ trụ", bài viết có đoạn.
Đó chỉ là hai trong những cuộc đấu khẩu mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc, mà giờ mở rộng ra cả vũ trụ.
Tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Washington và Bắc Kinh thời gian tới sẽ còn va chạm nhiều hơn, thường xuyên hơn, trong bối cảnh quỹ đạo Trái Đất ngày càng ngập ngụa trong rác thải vũ trụ.
Khoảng 20.000 mảnh rác thải vũ trụ đang được Trung Quốc theo dõi, hơn một nửa trong số này xuất hiện trên vũ trụ trong vòng 10 năm vừa qua, theo một báo cáo mới được công bố.
Tác giả của báo cáo là ông Feng Hao cùng các đồng nghiệp từ Viện Kỹ thuật Hệ thống Phi thuyền Bắc Kinh, cho biết số lượng mảnh vỡ bay quanh quỹ đạo tăng nhanh là hiện tượng đáng báo động. Chúng có thể va chạm với nhau, vỡ ra thành những mảnh nhỏ hơn, làm số lượng tăng theo cấp số nhân.
"Kết quả cuối cùng có thể là ngay cả nếu con người dừng các hoạt động vũ trụ, số lượng rác thải vũ trụ sẽ tiếp tục tăng lên, khiến con đường đi ra vũ trụ của con người hoàn toàn bị bịt kín", ông Feng nói.
Cạnh tranh vũ trụ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm vấn đề này trở nên tồi tệ hơn. Hai nước đều có tham vọng mở rộng chương trình vũ trụ trong những năm tiếp theo.
Hàng chục nghìn vệ tinh sẽ tiếp tục được phóng, kèm theo đó là kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong quỹ đạo từ Trái Đất đến Mặt trăng.
Theo tính toán của nhóm chuyên gia Trung Quốc, quỹ đạo địa tĩnh (quỹ đạo tròn ngay phía trên đường xích đạo Trái Đất) vào năm 2030 sẽ đông đúc tới mức bất kỳ vệ tinh nào phóng lên thêm cũng có nguy cơ tạo ra một thảm họa va chạm dây chuyền.
Đối đầu trên vũ trụ ngày càng gay gắt
Mảnh vỡ trên vũ trụ "có thể trở thành một vấn đề chính trị quan trọng tương tự biến đổi khí hậu", một nhà khoa học vũ trụ giấu tên của Trung Quốc bình luận.
Khi mà không gian trong một số vùng quỹ đạo quan trọng đang ngày càng thu hẹp, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên là điều "không thể tránh khỏi".
"Trung Quốc sẽ buộc tội Mỹ vì các vụ xả rác trong quá khứ, trong khi Mỹ có thể cản trở các hoạt động vũ trụ tương lai của Trung Quốc. Những va chạm ấy sẽ gây ra những tác động căn bản lên địa chính trị của mọi quốc gia", nhà khoa học Trung Quốc giấu tên nói.
Xung đột chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang cản trở hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề rác thải vũ trụ.
Tên lửa Falcon 9 của Mỹ sau khi cất cánh từ Florida hôm 23/4. Ảnh: AFP. |
Chia sẻ thông tin về theo dõi các mảnh vỡ hiện không đầy đủ, và bởi một số công nghệ vũ trụ có ứng dụng quân sự, không nước nào có ý định hợp tác xử lý vấn đề hiện nay.
"Tình hình lúc này giống như hai tài xế tranh giành bánh lái, trong khi chiếc xe lao thẳng vào một bức tường", một chuyên gia về vũ trụ từ Bắc Kinh nói.
Theo nhà chức trách Trung Quốc, tên lửa Trường Chinh 5 bị phá hủy theo kế hoạch sau khi đưa module lõi Thiên Hòa lên trạm vũ trụ Thiên Cung hồi tháng trước. Lượng nhiên liệu còn lại đã được xả ra để tránh nguy cơ cháy nổ.
Nhưng trong tương lai, sẽ còn nhiều chuyến bay tương tự của các tên lửa Trường Chinh khác. Loại tên lửa một tầng này chịu trách nhiệm chính trong vận chuyển trang thiết bị lên vũ trụ để xây dựng trạm Thiên Cung.
Việc phải mang theo những module nặng nề lên quỹ đạo cao nhất có thể khiến chuyến trở lại Trái Đất của các tên lửa Trường Chinh vô cùng khó đoán, nếu không nói là không thể tính toán trước.
Năm 2020, một mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5 từng rơi không kiểm soát xuông ngôi làng ở Mahounou, Bờ Biển Ngà, tuy nhiên may mắn là không có ai bị thương trong vụ việc.
Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố mảnh vỡ rơi xuống Trái Đất không nguy hiểm bằng hàng tấn vật liệu trôi nổi trên quỹ đạo.
Mới đây, SpaceX công bố kế hoạch gửi 42.000 vệ tinh cỡ nhỏ lên quỹ đạo, nhằm lập ra mạng kết nối Internet có khả năng tiếp cận mọi khu vực trên Trái Đất. Những vệ tinh này cũng sẽ phục vụ mục đích quân sự, theo CEO Elon Musk.
Nhóm nghiên cứu của ông Feng cho biết dự án này sẽ làm tăng 18 lần nguy cơ va chạm ở quỹ đạo thấp quanh Trái Đất. Chuyên gia Trung Quốc cáo buộc dự án này tạo ra "đe dọa nghiêm trọng" với tài sản vũ trụ của các nước, trong đó có trạm vũ trụ Thiên Cung của Bắc Kinh.
Gan Yong, quan chức từ Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, cho biết nước này trước đây còn rụt rè trong quản trị các vấn đề vũ trụ quốc tế, nhưng điều này sẽ sớm thay đổi.
"Trung Quốc sẽ phản ứng hết sức nghiêm túc trước mọi âm mưu của Mỹ và phương Tây nhằm dẫn đầu xây dựng một trật tự không gian quốc tế mới", ông Gan cho biết.