Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đối đầu 'cá mập', hãng di động Philippines này vẫn sống khỏe

Trong nhiều năm, Cherry Mobile liên tục dẫn đầu thị trường Philippines, cạnh tranh sòng phẳng với Samsung và nhiều thương hiệu Trung Quốc.

Theo nguồn tin từ Digital, thị trường Philippines đạt 61 triệu người dùng thiết bị di động vào năm 2018. Con số trên tương đương với 58% dân số của quốc gia này.

Gerardo Balderrama, Trưởng phòng truyền thông và kinh doanh của Starmobile nhận định thị trường smartphone chỉ phản ánh một phần bộ mặt của ngành công nghiệp di động tại Philippines. Balderrama cho biết những mẫu điện thoại cơ bản, tập trung vào các tính năng nghe gọi vẫn chiếm thị phần không nhỏ tại quốc gia này.

thi truong di dong Philippines anh 1
Điện thoại cơ bản chiếm thị phần tương đối cao tại Philippines. Ảnh: Entrepreneur.

"Các thương hiệu nội địa đạt được doanh số cao phần lớn nhờ vào việc bán các sản phẩm cơ bản, giá rẻ. Các hãng di động quốc tế chủ yếu tập trung vào thị trường smartphone, trong khi người dùng Philippines vẫn có nhu cầu tương đối cao với điện thoại cơ bản”, Balderrama nói.

Theo số liệu từ Counterpoint, sản lượng điện thoại cơ bản bán ra tại thị trường Philippines tương đối cao, khoảng một triệu thiết bị mỗi quý. Tuy nhiên, với sự đổ bộ của các thương hiệu Trung Quốc cùng hàng loạt mẫu smartphone giá rẻ, người dùng tại đây đang có xu hướng chuyển qua sử dụng điện thoại thông minh.

Smartphone giá rẻ Trung Quốc bùng nổ

IDC cho biết năm 2014, Cherry Mobile là thương hiệu smartphone dẫn đầu tại thị trường Philippines với 21,9% thị phần. Samsung đứng ở vị trí thứ 2 với 13,3% thị phần. Hai thương hiệu nội địa khác là MyPhone và Torque lần lượt xếp hạng 3 và 5 với thị phần 11,2% và 4,8%. Vị trí thứ 4 thuộc về Lenovo của Trung Quốc với 6,5% thị phần.

thi truong di dong Philippines anh 2
Nhiều thương hiệu nội địa sụt giảm doanh số do sự đổ bộ của hàng loạt smartphone giá rẻ từ các hãng Trung Quốc. Ảnh: Lê Trọng.

Khi đó, các thương hiệu nội địa chiếm tổng cộng 57% thị phần smartphone, tăng từ 49% so với năm 2013. Sản phẩm chủ yếu tập trung ở phân khúc giá rẻ.

Tuy nhiên, đến năm 2018, thị trường đã hoàn toàn thay đổi khi hàng loạt hãng di động nội địa biến mất khỏi bảng thống kê thị phần của Counterpoint. Nguyên nhân chính đến từ sự phát triển mạnh mẽ của những thương hiệu Trung Quốc.

“Các hãng smartphone Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, Vivo và Oppo đã thành công trong việc chiếm cảm tình từ người dùng Philippines. Họ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, hợp tác cùng người nổi tiếng và xúc tiến với các chuỗi bán lẻ để tạo chỗ đứng trên thị trường”, Tarun Pathak - Phó giám đốc Counterpoint - nhận định.

4 hãng Trung Quốc gồm Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi chiếm 43% thị phần smartphone tại quốc gia này. Trong đó, Huawei có sức tăng trưởng mạnh nhất khi đạt 11% thị phần, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017. Thành công này đạt được nhờ sức thu hút của những sản phẩm như Y6 2018 và Nova 3i.

Trong khi đó, Samsung đã vươn lên dành vị trí dẫn đầu thị trường với 19% thị phần. Cherry Mobile theo ngay sát ở vị trí thứ 2, đây cũng là thương hiệu nội địa duy nhất của Philippines hiện có thể cạnh tranh với những "cá mập".

thi truong di dong Philippines anh 3

Thị trường di động Philippines đang có sự dịch chuyển rõ ràng về phân khúc giá. Smartphone có giá dưới 100 USD chiếm gần 44% thị phần, giảm 12% so với năm 2017. Trong khi đó, sản phẩm ở phân khúc 100-249 USD chiếm 42%, tăng 8% so với năm 2017.

“Người dùng Philippines đang có xu hướng chọn mua smartphone ở mức giá cao hơn. Năm 2019, sự cạnh tranh trong phân khúc giá rẻ sẽ gia tăng do các hãng Trung Quốc tiếp tục tấn công mạnh vào thị trường”, chuyên gia Hanish Bhatia phân tích.

Thương hiệu nội địa duy nhất đủ sức cạnh tranh

Cherry Mobile được thành lập bởi Maynard Ngu vào năm 2009. Thời điểm này, thị trường di động bị thống trị bởi những gã khổng lồ như Nokia và BlackBerry.

Nhận thấy nhu cầu về những chiếc smartphone có giá cả phải chăng, phù hợp với nhu cầu và ngân sách của người Philippines, Maynard chọn cách tấn công thị trường bằng 4 chiếc máy giá rẻ. Để có thể giảm giá thành sản phẩm, Cherry Mobile đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất Trung Quốc để gia công, lắp ráp thiết bị.

“Vào thời điểm đó, điện thoại thông minh có giá bán tương đối cao, khoảng 480 USD. Do đó, để thu hút sự chú ý từ người dùng, chúng tôi đã tạo ra hàng loạt sản phẩm có giá cả phải chăng”, Maynard chia sẻ.

thi truong di dong Philippines anh 4
Chân dung ông Maynard Ngu, CEO của Cherry Mobile. Ảnh: Technology Inquirer.

Sau thành công của 4 model đầu tiên, Cherry Mobile đã tăng tốc, trở thành thương hiệu nội địa thành công nhất tại Philippines khi liên tục dẫn đầu thị trường. Từ một đội ngũ với 50 người, Cherry Mobile phát triển theo cấp số nhân với tổng số 750 nhân viên.

“Tôi rất may mắn khi được làm việc cùng những con người thông minh. Tất cả chúng tôi làm việc cùng nhau, đó là nỗ lực của tập thể. Điều này rất quan trọng khi bạn muốn phát triển doanh nghiệp của mình”, Maynard nói.

Trong những năm tiếp theo, hãng tiếp tục duy trì thế mạnh giá bán, đồng thời liên tục nâng cấp, cải tiến chất lượng sản phẩm và hình ảnh thương hiệu trong tâm trí người dùng. Năm 2012, Cherry Mobile Flare ra mắt và trở thành chiếc điện thoại thông minh bán chạy nhất trên thị trường khi đó. Flare series cũng trở thành dòng sản phẩm chủ lực, giúp công ty cạnh tranh với các đối thủ khác.

"Thương hiệu là yếu tố quan trọng tại thị trường Philippines. Bên cạnh lợi thế về giá bán, Cherry Mobile cũng tận dụng triệt để các chiến dịch truyền thông, hợp tác với những người nổi tiếng nhằm thúc đẩy doanh số sản phẩm", Daniel Pang - Giám đốc nghiên cứu cấp cao của IDC - nhận định. 

Ngoài ra, Cherry Mobile cũng tích cực hợp tác với hàng loạt công ty lớn như Intel, Microsoft, Google, Facebook, Qualcomm hay MediaTek, nhằm trao đổi công nghệ và cải tiến các sản phẩm của hãng.

Không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, thương hiệu này cũng đẩy mạnh việc phát triển ra quốc tế. Hiện nay, Cherry Mobile đã có mặt ở Myanmar, Campuchia, Lào, châu Phi và một số nước tại khu vực Nam Mỹ.

Smartphone Ấn Độ đang gục ngã trên chính sân nhà

Từng nắm giữ hơn 40% thị phần, hiện tại các hãng smartphone nội địa Ấn Độ gần như biến mất khỏi thị trường quốc gia tỷ dân.









Thế Anh

Bạn có thể quan tâm