Cả cuốn sách sau đó dường như là một minh chứng sinh động cho mệnh đề được đưa ra, thông qua những câu “chuyện thật như đùa”, “chuyện đùa như thật” của tác giả về hôn nhân, gia đình, tình yêu của những người bạn, người thân quen quanh mình. Xuyên suốt là chủ đề về phụ nữ và điều cốt lõi làm nên phụ nữ, đó là nữ tính.
Nằm trong một thế đối lập gần như không thể cưỡng lại, tác giả đặt vấn đề nữ tính trong một xã hội phụ quyền trọng nam. Và để làm rõ câu chuyện nữ tính không gì bằng đặt nó vào hôn nhân, bởi vai trò nữ tính cũng như tất cả mọi khuyết tật của tình yêu đều bộc lộ rõ trong hôn nhân và gia đình.
Cuốn sách Đôi cánh Chức nữ của tác giả Đinh Hoàng Anh. |
Câu chuyện về Liuda – người phụ nữ Belarus – có lẽ là câu trả lời sinh động nhất về nữ tính. Nữ tính trên tất cả, không phải là tính từ đi kèm với danh từ “phụ nữ”, không phải là một loạt những miêu tả về thân phận, trách nhiệm và nghĩa vụ như: hy sinh vì chồng vì con, chấp nhận khi chồng có tình nhân bên ngoài, phải vâng dạ nghe theo mọi giáo điều của xã hội và chỉ bảo của nhà chồng, nhất nhất tôn thờ chồng con…
Những gương mặt và tâm hồn phụ nữ trong những mẩu chuyện nhỏ của Đinh Hoàng Anh tự khẳng định: Nữ tính là một thứ nội lực. Nó giúp người phụ nữ không gục ngã dù gặp trắc trở trong hôn nhân. Dù gặp nghịch cảnh trong đời sống vẫn mỉm cười rạng rỡ như Liuda – người phụ nữ Belarus kia.
Bến đỗ hôn nhân hay bến đỗ tình yêu
Một chủ đề khác - cũng là một phép thử cho nữ tính - xuyên suốt trong cuốn sách, đó là hôn nhân và tình yêu của phụ nữ. Trong Đôi cánh Chức nữ, gần như bắt gặp rất ít những người phụ nữ viên mãn trong hôn nhân.
Có lẽ lăng kính của một phụ nữ đa cảm như Đinh Hoàng Anh vốn đã luôn luôn hướng đến những tâm tình uẩn khúc như vậy? Chị muốn kiếm tìm điều gì và muốn nói điều gì sau những cuộc hôn nhân đổ vỡ và những cảnh ngộ éo le?
Một phụ nữ bỗng được người chồng bệnh tật dành hết tình cảm sau bao năm trăng hoa bên ngoài, song vẫn quyết định ly thân và sống riêng. Một phụ nữ sẵn sàng xách va li ra khỏi nhà ngay hôm sau chỉ vì một câu nói “mạnh miệng” của chồng.
Rất nhiều những phụ nữ thẳng thắn “làm cam kết hôn nhân và chung sống” với chồng và mẹ chồng để bày tỏ quan điểm về đời sống riêng tư, cá nhân. Điều gì đang xảy ra với họ?
Đinh Hoàng Anh trả lời: Bến đỗ cuối cùng phụ nữ muốn neo đậu, thực ra, không phải là một cuộc hôn nhân “cho xong” một đời. Điều cuối cùng phụ nữ khát khao tìm kiếm là một tình yêu đủ sức “khai mở một con đường mới trong trái tim". Phải bạt núi, chặt cây, xếp đá… chứ không phải đắp xây bằng những lời chót lưỡi đầu môi.
Phụ nữ không hiến thân cho giáo điều đạo đức, hủ tục và định kiến. Phụ nữ chỉ hiến dâng con người mình cho tình yêu mà họ tin tưởng. Điều cuối cùng phụ nữ hướng đến cũng không phải là một “đức ông chồng”, mà là một người bạn đời có thể cùng họ chia sẻ tình yêu.
Vì thế khi tình yêu không còn, họ sẵn sàng ra đi, hoặc họ sẵn lòng ra đi để bảo toàn tình yêu trong mình. Với phụ nữ, bến đỗ thực sự cuối cùng là tình yêu, chứ không phải chỉ là hôn nhân.
Tung bay có đồng nghĩa với hạnh phúc?!
Để lật lại tất cả những ngộ nhận về nữ tính, hôn nhân và tình yêu đó, Đinh Hoàng Anh mượn một hình ảnh trong một câu chuyện cổ tích rất cũ và rất quen. Ngưu Lang và Chức Nữ được nhìn nhận lại dưới góc độ rất “hiện đại”, đó là: những nàng Chức Nữ bị đánh cắp đôi cánh, đôi cánh tình yêu, đôi cánh khát khao, ước mơ và đôi cánh “nữ tính” thực sự trong chính mình.
Bên cạnh đó là những chàng Ngưu Lang “nhẫn tâm” giấu biệt đôi cánh đó. Nhưng Đinh Hoàng Anh chỉ ra, phụ nữ không phải không tự tay góp phần vào việc tự tay chặt đứt đôi cánh ấy của mình.
Phải chăng cuốn sách đơn thuần là lời kêu gọi: Hãy trả lại đôi cánh cho những nàng Chức Nữ để họ được tung bay, được làm những gì họ muốn làm, được theo đuổi ước mơ của họ?
Với tác giả, tung bay rồi không có nghĩa là hạnh phúc sẽ đến. “Hạnh phúc cuộc đời bạn ở trong tâm hồn bạn, không một ai có thể lấy đi được”.
Quay trở lại vấn đề nữ tính đã đặt ra và xuyên suốt cuốn sách. Hạnh phúc, cũng như nữ tính, không phải là một tính từ miêu tả, càng không phải cái đích để đạt tới. Hạnh phúc của phụ nữ nói riêng, và con người nói chung, nằm trong cách họ sống, trải nghiệm và trưởng thành từ những khô cằn, những khổ đau, những trái ngang của kiếp người. Hạnh phúc theo nghĩa đó là một cách thế sống.
Toàn bộ những mẩu chuyện trong Đôi cánh chức nữ cũng được viết ra một cách rất nữ tính. Đó là một thứ năng lượng, nội lực trong tâm hồn người phụ nữ đã trải qua thăng trầm và chứng kiến nhiều cảnh ngộ cuộc đời. Hơn hết, đó là một phụ nữ rất biết trân trọng vẻ đẹp trong mình và không ngừng bước đi trên hành trình chắt lọc những vẻ đẹp cuộc đời.