HLV Trương Việt Hoàng chỉ được xem là phương án bất đắc dĩ ở Hải Phòng. |
Trước thềm mùa giải 2015, HLV Trương Việt Hoàng không được xem là phương án lý tưởng ngồi vào ghế lái trưởng của đội bóng đất cảng. Kinh nghiệm tại V.League bằng không, lại vừa thất bại cùng CLB Hà Nội ở giải hạng Nhất 2014, cựu danh thủ Thể Công chỉ được coi là giải pháp tình thế để đứng trên sân chỉ đạo các cầu thủ luyện tập trong khi chờ đợi HLV Dylan Kerr quay trở lại hoặc một cái tên sáng giá khác được mời về.
HLV Trương Việt Hoàng không phải là cái tên duy nhất về Hải Phòng bằng tư thế “cửa dưới”. Quyết định đẩy hơn 20 cầu thủ đội một ra đường để lấy chỗ cho các cầu thủ U19 của bầu Đức tại HAGL khiến những trụ cột như Văn Nhiên và Đức Dương bỗng dưng thất nghiệp nên phải khăn gói rời khỏi phố núi tìm kiếm CLB mới.
Trung vệ từng khoác áo Thể Công và đội tuyển Việt Nam, Nguyễn Anh Tuấn, hết mùa trước còn tính đến việc giải nghệ về làm ông chủ sân bóng phủi khi thời thế không còn ủng hộ những cầu thủ đã bước sang sườn bên kia sự nghiệp như anh.
Đội bóng đất cảng mùa này còn có một trung vệ khác cũng tên Anh Tuấn nhưng họ Ngô. Đây là cầu thủ gốc Hải Phòng và từng thi đấu cho đội bóng quê hương khi còn trẻ. Nhưng sau đó, Anh Tuấn phải lang bạt hết từ Thanh Hóa sang Quảng Ninh để tìm kiếm chỗ đứng.
Tiền đạo Stevens năm ngoái còn không trụ lại được tại đội hạng Nhất Hà Nội. |
Hoặc trường hợp của tiền vệ Đình Việt, mới năm ngoái bị ĐTLA (mượn) sa thải và sau đó bị CLB chủ quản Đồng Nai thanh lý hợp đồng do dính vào cá độ trong dịp World Cup 2014 và còn bị tình nghi có liên quan đến vụ án bán độ gây chấn động tại V.League của các cầu thủ đội bóng miền Đông Nam Bộ ở mùa giải trước.
Trong khi đó, bộ đôi tiền đạo Jamaica, Fagan – Stevens, đúng nghĩa là những món “hàng thải”. Fagan từng bị SLNA thải hồi còn Stevens thậm chí không trụ nổi ở đội hạng Nhất Hà Nội mùa trước.
Bi đát nhất trong số các cầu thủ tìm đến Hải Phòng mùa này phải kể đến trường hợp của Nguyễn Anh Hùng, cầu thủ từng bị hậu vệ Đình Đồng đạp gãy chân mùa giải trước và vật lộn với chấn thương suốt một năm qua để quay trở lại với bóng đá.
Chừng ấy số phậm hẩm hiu về “tụ nghĩa” ở đất cảng mùa này bằng những bản hợp đồng bèo bọt. Còn những hạt nhân bản địa của Hải Phòng vốn cũng không được đánh giá quá cao. Minh Châu bị loại khỏi đội tuyển Việt Nam trước thềm AFF Cup 2014, Thanh Tùng và Văn Nam trước nay chỉ được tính là những “cầu thủ trẻ”. Cái tên sáng giá nhất là tuyển thủ Tiến Thành vẫn ngồi ngoài vì chấn thương.
Những cầu thủ như Thanh Tùng (phải) trước nay chỉ được tính là "cầu thủ trẻ". |
Thế nên không ngạc nhiên khi trước mùa giải mới, Hải Phòng phải đón nhận sự hoài nghi từ nhiều phía, đặt trong hoàn cảnh nguồn tài trợ đã eo hẹp rất nhiều và “thánh địa” Lạch Tray thì nguội lạnh suốt mấy năm qua.
Nhưng chính những cái tên khiêm tốn vừa nhắc giờ lại đang giúp đội bóng đất cảng bay cao tại V.League. Hai trận toàn thắng tưng bừng của thầy trò HLV Trương Việt Hoàng khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Bởi nó sánh ngang với thành tích của dàn cầu thủ toàn ngôi sao của Bình Dương và những đội bóng được kỳ vọng nhiều hơn họ như Hà Nội T&T, Đà Nẵng hay HAGL cũng không thể làm được như thế.
Có nhiều lý do đã được đưa ra để giải thích cho hiện tượng Hải Phòng, chẳng hạn sự khéo léo và tài năng của HLV Trương Việt Hoàng hay sự già rơ của những cầu thủ kinh nghiệm… Song điều quan trọng nhất có lẽ nằm ở khát khao khẳng định của những cầu thủ bị xem là “hết đát” đang chứng minh giá trị của họ.
Hải Phòng đang bay cao tại V.League bằng những cái tên hết sức khiêm tốn. |
Khi những định hướng cho tương lai của đội bóng đất cảng vẫn còn mờ mịt và chưa ai dám nói chắc sau mùa này hình hài CLB Hải Phòng sẽ ra sao, không có những hợp đồng tiền tỷ, không có cả cục tiền rơi xuống sau mỗi chiến thắng và không được cưng chiều hết mức như những thời kỳ trước…, các cầu thủ bị “hắt hủi” tập hợp về Hải Phòng vẫn có một mục đích rõ ràng để phấn đấu là thể hiện cái chất “Lương Sơn Bạc” của họ.
Bảng xếp hạng sau vòng 2 V.League 2015