Sau những chuyến phiêu lưu thất bại ở Mito Hollyhock (Nhật Bản) và Incheon United (Hàn Quốc), Công Phượng chuẩn bị tới châu Âu chơi bóng tại Bỉ, quốc gia sở hữu giải vô địch quốc gia (VĐQG) đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng những giải đấu ở lục địa già theo như những tin tức từ Sponichi.
Sint-Truidense V.V đứng thứ 7 trong 16 đội tại giải VĐQG Bỉ mùa trước. Ảnh: Getty. |
Nguồn lực từ Nhật Bản
Sint-Truidense V.V mùa trước đứng thứ 7 tại giải VĐQG Bỉ, chỉ kém đội đứng thứ 6 Antwerp đúng 2 điểm và lỡ hẹn với vòng play-off cạnh tranh chức vô địch. Nếu không có chuỗi toàn hòa và thua ở 3 vòng cuối, thậm chí Sint-Truidense kết thúc mùa giải ở vị trí trong top 5. Tháng 11/2018, Sint-Truidense còn thắng Anderlecht hùng mạnh với tỷ số 4-2.
Thực tế này cho thấy nếu Công Phượng tới đây, tiền đạo của ĐT Việt Nam nhiều khả năng sẽ không phải chật vật trụ hạng như từng làm với Incheon United, CLB yếu tại K.League và quen thua hơn là thắng.
Trong lịch sử, Sint-Truidense V.V chưa từng vô địch Bỉ. Thành tích tốt nhất của CLB là vị trí á quân năm 1965. Tuy nhiên, CLB này từng 4 lần vô địch giải hạng nhì ở các mùa 1986/87, 1993/94, 2008/09 và 2014/15. Đội bóng từng có 2 lần về nhì ở cúp quốc gia và giành cúp Liên đoàn năm 1997.
Sint-Truiden V.V mới lên hạng ở mùa 2015/16, song thành tích từ đó tới nay của CLB lại cho thấy nhiều điều tích cực. Thứ hạng của mùa sau luôn cao hơn mùa trước, mà đỉnh cao là vị trí thứ 7 trong 16 đội ở mùa 2018/19.
Sự thăng tiến chậm nhưng khá vững vàng này của Sint-Truidense đến từ nguồn lực Nhật Bản. Chủ sở hữu CLB này là công ty trong lĩnh vực thương mại điện tử - DMM. Năm 2015, DMM từng được ghi nhận là công ty có ngoại hối lớn thứ 2 thế giới về khối lượng giao dịch. Năm 2017, công ty thành lập vào năm 1999 này trở thành chủ sở hữu của Sint-Truidense V.V.
Đằng sau sự thăng tiến vững vàng của Sint-Truindese V.V là nguồn lực từ Nhật Bản. Ảnh: Getty. |
Vì vậy, Sint-Truidense V.V đang có 5 cầu thủ người Nhật Bản. Nổi bật chính là hậu vệ tài năng Takehiro Tomiyasu đá chính trong đội hình Nhật Bản giành ngôi á quân Asian Cup 2019. Tiền vệ Wataru Endo cũng là người của Sint-Truidense V.V.
Ngoài ra, đội bóng có Daichi Kamada (mượn từ Frankfurt), Kosuke Kinoshita, Yuta Koike. Một cầu thủ Nhật Bản khác là Takahiro Sekine (mượn từ Ingolstadt) vừa về nước khoác áo Urawa Red Diamond.
Cơ hội nào cho Công Phượng?
Theo Transfermkart, Sint-Truidense V.V được định giá 24,75 triệu bảng, gần gấp 3 lần giá trị của Incheon United. Giải VĐQG Bỉ cũng ở tầm đẳng cấp cao hơn K.League. Những thử thách vì thế cũng sẽ trở nên khó khăn hơn với Công Phượng.
Không tính Công Phượng nếu gia nhập, Sint-Truidense đang có tới 8 tiền đạo trong đội hình chính thức.
Trong đó, 2 chân sút Nhật Bản là Daichi Kamada và Kosuke Kinoshita, còn lại là đội trưởng Jordan Botaka, tiền đạo người Haiti Duckens Nazon, trung phong người Bờ Biển Ngà Yohan Bolli, cầu thủ người Đức Wolke Janssens. 3 chân sút từng thi đấu tại các giải VĐQG hàng đầu như Mamadou Sylla (cựu cầu thủ Espanyol), Elton Acolatse (trưởng thành từ Ajax) và Cristian Ceballos (cựu cầu thủ Barca).
Công Phượng sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt về vị trí tại Bỉ. Ảnh: Minh Chiến. |
Cơ hội cho Công Phượng khi phải cạnh tranh vị trí với những cầu thủ có thể hình, thể lực lẫn tư duy chiến thuật trội hơn như thế này rõ ràng là không dễ dàng.
Khi còn ở Incheon United, những tiền đạo trình độ trung bình như Stefan Mugosa hay Kim Bo-seob cũng có thể đẩy chân sút sinh năm 1995 lên ghế dự bị, thì không có gì đảm bảo điều này không lặp lại ở châu Âu.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong hành trình xuất ngoại lần thứ 3 của Công Phượng vẫn là khả năng thích nghi. Việc rời khỏi Hàn Quốc với cái đầu cúi của Công Phượng đã bị phủ bóng bởi những thất bại trong việc giao tiếp cùng đồng đội và thích nghi với môi trường tại xứ sở kim chi.
"Công Phượng là người hướng nội. Đáng lẽ cầu thủ nước ngoài phải cố gắng thích ứng nhiều hơn. Về mặt đó, cậu ấy hơi đáng tiếc. Tiếng Anh của Công Phượng không được tốt, mà cầu thủ của chúng tôi cũng không nói được tiếng Việt", HLV Yoo Sang-chul của Incheon từng chia sẻ thẳng thắn về tiền đạo xứ Nghệ khi Công Phượng rời khỏi đội bóng.
Công Phượng thất bại nặng nề tại Incheon United. Đồ họa: Minh Phúc. |
Trước đó, vào giữa tháng 5, trong bài phỏng vấn với MBC Sport, chiến lược gia này cũng nhấn mạnh sự thiếu sót trong giao tiếp khiến Công Phượng lạc lõng so với phần còn lại.
“Công Phượng gặp khó khăn khi thích nghi với K.League, nơi cầu thủ phải chạy nhiều. Incheon cũng là đội chịu áp lực lớn trong khâu phòng ngự. Việc Công Phượng giao tiếp với đồng nghiệp không được suôn sẻ, nên cũng không đạt hiệu quả cao trong công tác đào tạo".
Thất bại của Công Phượng tại Incheon rõ ràng được nhìn thấy từ trước. Sự thiếu sót trong công đoạn chuẩn bị đi kèm với những áp lực vốn rất lớn đã đánh gục cầu thủ sinh năm 1995.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là nếu Công Phượng tới Bỉ, tình trạng có thể thay đổi hay không?
Công Phượng không quá tốt về ngôn ngữ, và đây có thể là rào cản ở nền bóng đá như Bỉ. Ảnh: Minh Chiến. |
Trao đổi với Zing.vn, Trưởng đoàn HAGL Nguyễn Tấn Anh quả quyết: "Công Phượng chắc chắn sẽ đi châu Âu thi đấu trong một năm, chứ không phải chỉ thử việc một tháng”. Tham vọng của HAGL trong việc xuất xưởng nhân tố hay nhất của lò HAGL JMG rõ ràng là rất lớn.
Song liệu đây có phải nỗ lực quá gấp gáp sau khi thất bại tại Hàn Quốc? Công Phượng cần quãng nghỉ sau thời gian thất bại vì những lý do cả trong lẫn ngoài chuyên môn.
Dù nhận được câu hỏi như thế nào, dường như Công Phượng và những người có trách nhiệm với anh cũng đã đưa ra quyết định.
Theo những gì từng diễn ra với sự nghiệp của Công Phượng, chuyến đi tới châu Âu của tiền đạo sinh năm 1995 ẩn chứa nhiều hoài nghi hơn là hy vọng.