Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đọc sách để những ngày giãn cách không nhàm chán

Bên cạnh những cám dỗ về công nghệ, nhiều lý do khác khiến chúng ta cự tuyệt việc đọc sách như không đủ thời gian, không tìm được sách hay, không thể tập trung.

Ngày còn bé, khi mới bắt đầu làm quen với con chữ, chúng ta tò mò, khao khát được đọc mỗi ngày và thích thú mỗi khi đọc một câu chuyện hay. Thế nhưng khi lớn lên, bị cuốn theo những hình thức giải trí nhanh, tiện lợi khác như mạng xã hội, những cuốn sách dần bị quên lãng trên kệ.

Những ngày giãn cách đã khiến cuộc sống thường nhật của chúng ta đổi thay đáng kể. Nhìn theo lối tích cực, giãn cách chính là cơ hội để chúng ta thay đổi lối sống theo hướng tốt đẹp hơn. Vậy hãy cùng thử nhìn lại xem, nếu tiếp tục “cự tuyệt" những cuốn sách trong mùa dịch, bạn đã thực sự bỏ lỡ những điều gì?

Doc sach trong ngay gian cach anh 1

Đọc sách là một thói quen bổ ích cho tâm hồn và trí tuệ.

Nơi trú ẩn bình yên cho tâm trí

Rất nhiều người trẻ rơi vào trạng thái bất ổn không lâu sau những ngày phong tỏa. Họ bắt đầu cảm thấy bị cô lập, cô đơn và tình trạng bồn chồn, lo lắng tăng lên khi bị cầm chân trong 4 bức tường trong nhiều ngày liền.

Ngoài ra, việc tiếp xúc với quá nhiều thông tin tiêu cực trong đại dịch cũng khiến chúng ta mệt mỏi và bi quan. Bạn có thể thay đổi điều này chỉ với một cuốn sách.

Nghiên cứu của Levine và các cộng sự thuộc Khoa Tâm lý, Đại học Quebec, Canada, thực hiện với 231 sinh viên nước này đã cho thấy rằng hoạt động đọc sách giải trí giúp họ giảm trạng thái tâm lý căng thẳng trong suốt năm học.

Hình thành thói quen tích cực

Đọc sách hàng ngày là thói quen tốt, chúng ta ai cũng hiểu rõ điều đó. Nhưng việc chủ động cầm cuốn sách đọc mỗi ngày còn mang lại cho bạn nhiều hơn thế. Bạn không chỉ hình thành thêm một thói quen mới (là đọc sách), mà còn thay đổi cả một lối sống.

Khi đọc sách, bạn đã bớt được một ít thời gian tiếp xúc màn hình máy tính, giúp cho đôi mắt được nghỉ ngơi và trí não ngừng tiếp nhận thêm quá nhiều thông tin không cần thiết.

Khi đọc sách, bạn đang sắp xếp lại thời gian biểu của mình theo hướng tốt hơn, giúp có thời gian sống chậm và yên tĩnh hơn một chút. Qua hoạt động đọc sách, bạn sẽ dần học được cách sử dụng 24 giờ hiệu quả hơn.

Khi đọc sách, nghĩa là bạn đang tạo cơ hội cho trí não luyện tập theo cách tốt hơn, làm sống lại những tế bào thần kinh đã bị bạn lãng quên bấy lâu nay.

Bạn biết đấy, trí não bao gồm hàng trăm sợi dây thần kinh và hàng tỷ tế bào nơron thần kinh. Khi ta dồn hết tâm trí vào trang sách, những tế bào noron thần kinh sẽ được liên kết, từ đó cải thiện chức năng của não bộ.

Khi đọc sách, bạn dành cho mình một chút thời gian riêng tư yên tĩnh, để sạc lại năng lượng bản thân. Đừng nghĩ "me-time" là ích kỷ. Bạn luôn cần dành thời gian riêng cho mình để trở nên vui vẻ, kiên nhẫn và tích cực hơn với người khác.

Doc sach trong ngay gian cach anh 2

Ngày giãn cách, cha mẹ và con cái nên cùng nhau đọc sách. Ảnh: Khúc Thị Hoa Phượng.

Vượt qua sức ỳ của bản thân

Chúng ta vẫn thường viện cớ “không đủ thời gian" để đọc sách. Vậy tại sao chúng ta vẫn có thời gian để lướt mạng xã hội, "cày" netflix, ngủ nướng? Hãy thú nhận đi, có phải bạn chưa đọc sách đôi khi chỉ vì... lười?

Bây giờ, ta hãy thử làm một phép tính nhỏ. Trung bình một phút, chúng ta có thể đọc khoảng 200-400 từ. Một cuốn sách phi hư cấu có khoảng 50.000 từ. Như vậy, để đọc hết 1 cuốn sách phi hư cấu, chúng ta mất khoảng 3-4 tiếng. Nếu mỗi ngày dành ra 15 phút đọc sách, thì trong khoảng 10 ngày, chúng ta sẽ hoàn thành. Nếu hoạt động này được duy trì liên tục, biết đâu mỗi năm, bạn đã có thể đọc tới 30 cuốn sách.

Đấy chẳng phải là thành tích đáng kể hay sao? Khi vượt qua được sức ỳ của bản thân, bạn sẽ làm được nhiều việc hơn mình tưởng. Ít nhất là vào cuối ngày, bạn có thể hài lòng vì một ngày không trôi qua vô nghĩa.

Những chuyến du lịch qua trang sách

Bạn chán nản vì những ngày giãn cách khiến bản thân thấy như bị cầm tù? Bạn nhớ những ngày rong ruổi phiêu lưu cùng bạn bè tới những chân trời xa lạ, đến nỗi sẵn sàng cắm lều ngay ban công để cảm giác đang đi du lịch?

Vậy còn một chuyến du lịch trong trí óc thì sao? Dr Seuss, tác giả sách thiếu nhi nổi tiếng người Mỹ từng nói "Càng đọc nhiều, bạn càng thêm hiểu biết. Học tập chăm chỉ là cách giúp bạn đặt chân tới muôn nơi".

Đọc sách là một trong những cách tốt nhất để nuôi dưỡng trí tưởng tượng, mở rộng kiến thức và đưa chúng ta đến với những chân trời mới. Mỗi khi chúng ta đọc tới đoạn văn miêu tả, một bức tranh sẽ dần hiện lên trong tâm trí. Đó là cách mà não bộ thực hành trí tưởng tượng.

Người lớn có cần trí tưởng tượng không? Câu trả lời là "có" và "luôn luôn", bởi trí tưởng tượng là nền tảng của sáng tạo, một trong những kỹ năng cần thiết của thiên niên kỷ này.

Trái tim thấu cảm và tinh thần kiên cường

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đọc sách giúp chúng ta xây dựng lòng thấu cảm, kết nối tốt hơn với người khác trong cuộc sống của mình và biết cách “đặt mình vào vị trí của người khác”.

Đại dịch khiến chúng ta phải chứng kiến nhiều câu chuyện đau thương hơn bao giờ hết. Lúc này đây, lòng thấu cảm sẽ giúp chúng ta biết lắng nghe, chia sẻ, cảm thông và yêu thương nhau nhiều hơn.

Điều tuyệt vời hơn là những nhà tâm lý học nhận thấy lòng thấu cảm giúp củng cố lòng tự trọng cá nhân, đồng thời giúp con người bớt cô đơn hơn, và nhờ đó trở nên kiên cường hơn. Trong thời kỳ đại dịch, sự kiên cường sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn về thể chất và tinh thần dễ dàng hơn.

Hình thành một thói quen mới thường không dễ dàng, vì não bộ của chúng ta được lập trình để… “lười”. Khi mới bắt đầu, có thể việc đọc sách cũng hơi khó khăn và nhàm chán. Nhưng nếu duy trì được ít nhất 10 phút mỗi ngày (trong vòng 20 ngày), bạn sẽ nhận ra đọc sách cũng giống như đánh răng ngày 2 lần vậy thôi.

Đọc là cách học để tự trau dồi, hoàn thiện mình

Nhà thơ Hữu Việt nói công nghệ, Internet là sản phẩm kỳ diệu của con người, nhưng không vì thế mà vai trò của sách sẽ mất đi trong đời sống nhân loại.

Nguyên Kan

Bạn có thể quan tâm