“Tôi không phải là người nhanh nhạy nên không nhớ nhiều, nhưng đã nhớ thì nhớ rất lâu và luôn hướng mình về những điều như vậy”, Kiệm - một tác giả với cái tên kỳ lạ - đã mở đầu cuốn sách của mình như vậy.
Kiệm là cây bút từng đến biết đến qua trang facebook nổi tiếng “Mann Up”. Kiệm không phải là một “soái ca”, Kiệm giống như một ông giáo làng, chất phác và hiền lành.
Kiệm dùng những câu từ đơn giản, những câu chuyện gần gũi, những điều rất thật xung quanh cuộc sống của mình để kể với với người đọc. Không định hướng, không giáo điều và không tung hô, những câu chuyện của Kiệm cứ đến với người đọc một cách giản dị, để rồi khi đọc xong, mỗi người đều có một thứ cảm xúc của riêng mình, và luôn thấy mình ở đâu trong đó.
Câu chuyện bên nồi lẩu của Kiệm. |
Vậy Kiệm kể chuyện về những gì? Về ngôi nhà cấp bốn xập xệ thời thơ ấu, về bữa cơm gia đình, về con mèo cái nhà nuôi và về thật nhiều những điều thật gần khác.
“Lần này nó không bao giờ về nữa. Tôi, mặc dù không thích con mèo đó, vẫn cảm thấy đột ngột. Mẹ tôi thì tối nào cũng đứng hết cửa trước rồi cửa sau gọi nó, nhưng vô vọng. “Buồn ra phết”, theo cách nói của mẹ tôi sau khi bà buông xuôi cái việc hy vọng con mèo cái nó về. Đến lúc đấy, tôi mới thấy mình nhớ con mèo đến nhường nào.
Sau đấy mấy năm thì nhà tôi lại nuôi mèo. Toàn là đực. Cái khu tập thể ai cũng xây nhà, đời sống cao lên đâm ra trộm cắp cũng kéo đến lắm hơn. Trong đó có cả trộm mèo. Mất vài con. Tôi vẫn yêu mèo, nhưng rồi có mất cũng chỉ tặc lưỡi: “Thôi có gì nuôi con khác”. Đôi khi là vậy.”
Trích “Con mèo cái”
Kiệm hay lang thang trong thành phố, có lúc là một buổi sớm đẹp trời ở quán cà phê trong ngõ nhỏ, có lúc là một quán bún đêm ở một góc khuất, có lúc lại cà kê chén chú chén anh với bạn bè ở một hàng lẩu nào đó, nơi mà ai trong số chúng ta, cũng đã từng một lần ghé qua.
Kiệm bảo: “Tôi yêu thành phố này, con đường, mái nhà, con người, góc phố,... Có điều nó đang chứa đông người quá, nó quá tải mất rồi. Một ngày đi, chẳng thấy gì cả chỉ thấy có người, chỉ toàn hơi người. Xô bồ và ồn ào. Khó mà tìm được một khoảng lặng giữa lòng thành phố như thời thơ bé tôi từng được thấy.”
Kiệm là vậy, giống như cái bút danh của mình, hay như cái dòng mô tả về bản thân trên trang facebook mà Kiệm viết bài lâu nay: “Đi, ngồi, nói, nghe, nghiệm, nhưng mà lại kiệm”.
Viết cùng với Kiệm, còn có Nọt, người mà Kiệm giới thiệu với bạn đọc là một cậu em chơi thân, Nọt ít kể chuyện hơn, đa số là viết thơ, những câu thơ cũng đơn giản, chẳng cầu kỳ hay phức tạp. Câu thơ của Nọt mang một chút ngông nghênh của tuổi trẻ, lại có chút đắn đo và tư lự của những kẻ mới bước chân vào đời:
“có những đứa trẻ lên bốn
có những đứa trẻ lên ba
có những đứa trẻ hăm bốn
có những đứa trẻ hăm ba
...
có đứa được gọi bằng anh
có đứa được gọi bằng sếp
có đứa bị gọi bằng thằng
có đứa còn không ai biết ...”
"Có những đứa trẻ"
Kiệm và Nọt – hay họ thường tự gọi mình là “những thằng bồi bút vỉa hè” - vẫn thể hiện được bản thân mình là những người trẻ, nhưng họ sống, họ làm việc, họ cảm nhận cuộc sống khác với phần đông những người trẻ hiện nay. Đắn đo hơn, suy ngẫm hơn và già dặn hơn, bởi thế, mà khi nghĩ một tiêu đề để giới thiệu cuốn sách đầu tay của họ, không có cái tựa nào phù hợp hơn: “Những câu chuyện già của người trẻ”.