Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Độc lực của Omicron có thể không mạnh, nhưng đừng vội mừng

Các báo cáo ban đầu cho thấy độc lực của biến chủng Omicron thấp hơn những biến chủng khác, nhưng các nhà khoa học cảnh báo vẫn còn quá sớm để kết luận điều này.

Những nghiên cứu ban đầu về biến chủng Omicron cho thấy các bệnh nhân mắc biến chủng này chỉ có triệu chứng nhẹ. Điều đó làm dấy lên hy vọng biến chủng này sẽ ít độc lực hơn trong tương lai, South China Morning Post cho biết.

Một số người tin rằng virus - theo thời gian - sẽ tiến hóa để ít gây hại hơn cho vật chủ và đảm bảo nó có thể tiếp tục nhân lên, vì vậy chủng Omicron sẽ ít gây ra các ca bệnh nặng, hoặc tử vong.

Nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng ngay cả khi biến chủng Omicron đã tiến hóa để lây lan nhanh hơn biến chủng Delta, điều đó không đồng nghĩa việc virus sẽ ít nguy hiểm hơn khi lây nhiễm và không nên coi nhẹ cho đến khi có thêm thông tin.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đến nay chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến biến chủng Omicron. Trong khi đó, hai chuyên gia y tế người Nam Phi - nơi lần đầu phát hiện biến chủng này - cho biết các bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ.

WHO cho biết có thể mất nhiều tuần để xác định liệu biến chủng Omicron có gây ra các ca bệnh nặng hay không. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy nó có khả năng gây tái nhiễm cao gấp 3 lần cho các bệnh nhân từng mắc Covid-19 so với biến chủng Delta và Beta.

Dai dich Covid-19 anh 2

Giới khoa học cảnh báo thế giới không nên chủ quan về chủng Omicron. Ảnh: AFP.

Một lượng lớn những người mắc Covid-19 không có triệu chứng, hoặc rất nhẹ. Trong khi những ca bệnh nặng có thể mất vài tuần từ khi nhiễm bệnh cho đến khi tử vong. Điều đó có nghĩa virus cần nhiều thời gian để phát triển và gây hại cho vật chủ.

Còn quá sớm để chủ quan

“Quan điểm virus dễ lây lan hơn sẽ ít độc lực hơn là không hoàn toàn chính xác. Nó có thể gây ra các triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn sẽ có trường hợp tử vong cao hơn so với cúm thông thường, vì vậy nó rất nguy hiểm”, giáo sư Nigel McMillan, Giám đốc Trung tâm Y học Tế bào và Gen Griffith, Đại học Griffith, Australia, cho biết.

Virus SARS-CoV-2 đột biến mọi lúc khi chúng tự tái tạo để xâm nhập vào tế bào vật chủ. Trong khi một số đột biến không tác động đến virus, một số đột biến lại giúp chúng sinh sản và lây lan nhanh hơn.

Các loại virus sử dụng RNA làm vật liệu di truyền như SAR-CoV-2 được biết đến với tốc độ lây lan rất nhanh, và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một biến chủng vừa dễ lây lan hơn Delta vừa có độc lực cao hơn xuất hiện.

“Nhiều người cho rằng quá trình tiến hóa theo thời gian sẽ chọn lọc một loại virus ít gây hại hơn cho vật chủ. Điều này không thực sự đúng”, ông Jeffrey Joy, trợ lý giáo sư tại Đại học British Columbia, người nghiên cứu dịch tễ học bộ gene và động lực tiến hóa của Sars-CoV-2, cho biết.

Dai dich Covid-19 anh 3

Châu Phi - nơi xuất hiện của chủng Omicron - có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp. Ảnh: AP.

Ông cho rằng độc lực của virus ít, hay nhiều hơn khi tiến hóa phụ thuộc vào sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố khác nhau. Các yếu tố bao gồm, thời gian bệnh nhân mang virus, xác suất lây truyền và thiệt hại mà nó gây ra cho người bệnh.

“Kết quả của sự đánh đổi giữa các yếu tố khác nhau này quyết định hướng phát triển độc lực của virus. Điều này có thể đi theo hai hướng, giữ nguyên và ít độc hại hơn, hoặc giữ nguyên nhưng nguy hiểm hơn”, ông Joy nói thêm.

Nhiều biến chủng nguy hiểm đã biến mất

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều biến chủng của Sars-CoV-2 đã xuất hiện. Biến chủng đầu tiên là Alpha được phát hiện lần đầu vào tháng 9/2020. WHO xếp nó vào “biến chủng cần quan tâm”.

Nó có 4 đột biến trong protein gai, kiểm soát sự xâm nhập vào tế bào vật chủ và gây nhiễm trùng. Biến chủng Alpha được phát hiện có khả năng lây nhiễm cao hơn 40-80% so với chủng virus gốc.

Biến chủng phổ biến và nguy hiểm nhất hiện tại là Delta có 10 đột biến ở protein gai. Nó có khả năng lây nhiễm và độc lực cao hơn chủng Alpha.

Trong khi đó biến chủng Omicron có tới 20 đột biến ở protein gai. Số lượng đột biến lớn ở chủng này không hẳn sẽ chuyển thành khả năng lây nhiễm cao hơn, hoặc kháng vaccine. Tuy vậy, các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn đang chạy đua để tìm hiểu về khả năng bảo vệ của vaccine trước chủng mới.

Việc tìm hiểu đặc tính sinh học của chủng Omicron sẽ mất nhiều thời gian, nhưng kết quả có được sẽ cung cấp manh mối về cách biến chủng này có thể định hình quỹ đạo của đại dịch.

Một trong những tình huống xấu nhất là biến chủng Omicron sẽ thay thế Delta trở thành chủng virus nguy hiểm và làm giảm hiệu quả của vaccine theo thời gian. Điều này có thể khiến phản ứng với Covid-19 của toàn cầu đi chệch hướng.

Dai dich Covid-19 anh 4

Tăng độ phủ của vaccine sẽ giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của các chủng mới. Ảnh: AP.

Một số nhà khoa học đang hy vọng Omicron có thể là một chủng thoáng qua như Beta - một biến chủng đáng lo ngại khác được phát hiện vào tháng 10/2020. Biến chủng này được đánh giá có thể gây nhiễm trùng nặng và kháng vaccine. Tuy vậy, nó đã không đạt được khả năng lây nhiễm mạnh và mất dần theo thời gian.

Giới khoa học cho rằng Omicron sẽ không phải là biến chủng cuối cùng và thế giới sẽ còn ghi nhận nhiều biến chủng khác. Họ cho rằng nếu virus SARS-CoV-2 lây nhiễm qua động vật có thể tạo ra biến chủng nguy hiểm hơn.

“Không thể đưa ra bất kỳ dự đoán nào về sự tiến hóa của virus, nhưng càng nhiều người có được chủng ngừa thì nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong sẽ giảm xuống”, ông Christopher Brooke, một nhà virus học và trợ lý giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, Mỹ nói.

Ông cho rằng sự xuất hiện của các biến chủng mới được tạo ra do sự mất cân bằng trong việc phân phối vaccine trên toàn cầu. Châu Phi - nơi biến chủng Omicron xuất hiện - chỉ có 8% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

“Thế giới cần tập trung vào việc tăng tỷ lệ tiêm chủng ở các nước nghèo, vì điều này sẽ giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của các biến chủng mới”, ông Joy nói.

Bài liên quan

Trung Hiếu