Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bên trong tâm dịch của biến chủng Omicron

Giữa lúc Nam Phi phải chật vật đối phó với biến chủng Omicron, một bộ phận người dân nước này lo sợ về một đợt phong tỏa đầy khó khăn có thể xảy ra.

dich Covid-19 o Nam Phi anh 1

Nhà thờ Rivers của Johannesburg, một cộng đồng Cơ đốc giáo đại diện cho tín ngưỡng của thành phố, đã tạm dừng các buổi lễ trực tiếp vô thời hạn do đợt bùng phát dịch mới ở Nam Phi.

"Chúng tôi yêu và nhớ các bạn, nhưng hãy giữ an toàn", mục sư Wilma Isabel Olivier viết trên trang Instagram cá nhân.

Cách đó hơn 1.600 km về phía nam, ở Western Cape, một sự kiện thu hút thanh thiếu niên vừa tốt nghiệp trung học, đã bị hủy bỏ vào phút cuối. Một số người thậm chí đã có mặt tại sự kiện, theo CNN.

“Hầu hết trường học dự định tham dự lễ hội Plett Rage đều ghi nhận những ca nhiễm”, ban tổ chức viết trên mạng xã hội khi họ thông báo quyết định hủy bỏ sự kiện này.

"Chúng tôi đã sốc. Địa điểm tổ chức sự kiện đã được sắp xếp, tất cả nhân viên sẵn sàng chào đón các bạn với vòng tay rộng mở sau nhiều tháng không làm việc”, theo thông báo.

Một cuộc phỏng vấn với những tân sinh viên đang thất vọng nhanh chóng được lan truyền khi họ phàn nàn về việc đã lái xe trong 6 giờ và chi hàng trăm USD để có mặt ở sự kiện.

Lo ngại về việc phong tỏa

Việc hủy bỏ sự kiện xảy ra khi Nam Phi bước vào làn sóng thứ tư của đại dịch. Vào ngày 3/12, số ca mắc Covid-19 đã vượt mốc 3 triệu, vài ngày sau khi giới chức y tế cảnh báo thế giới về biến chủng Omicron.

Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết hôm 6/12 rằng biến chủng này đang "chi phối" các ca mắc Covid-19 theo ngày, vốn đã tăng gấp 5 lần chỉ trong một tuần. Đồng thời, ông cho biết thêm rằng gần 1/4 các xét nghiệm Covid-19 đều cho kết quả dương tính.

dich Covid-19 o Nam Phi anh 2

Số ca mắc Covid-19 ở Nam Phi đang gia tăng nhanh chóng. Ảnh: AFP.

Khi chính quyền của ông Ramaphosa cân nhắc chính sách tiêm chủng bắt buộc trên toàn quốc, một số công ty đang thực hiện việc này.

Hôm 6/12, tập đoàn viễn thông Nam Phi MTN thông báo rằng họ sẽ yêu cầu tất cả nhân viên phải được tiêm chủng đầy đủ trước tháng một, nếu không sẽ bị sa thải.

"Là một nhà tuyển dụng, chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng nơi làm việc của chúng tôi được dẫn dắt bằng các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và sức khỏe", Chủ tịch tập đoàn MTN Ralph Mupita cho biết trong một tuyên bố.

Trước đó, hai công ty lớn khác có trụ sở chính tại đây cũng đưa ra yêu cầu tương tự, gồm ngân hàng Standard Bank và công ty bảo hiểm Old Mutual.

Người dân Nam Phi đang chuẩn bị tinh thần cho điều họ lo sợ: Một đợt phong tỏa đầy khó khăn tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp kiệt quệ vì đại dịch đã ngán ngẩm với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng mà những lệnh hạn chế mới có thể gây ra.

"Cảm giác như đang ở trong tù", Mulusi Gumbo, 38 tuổi, nói với CNN khi phát nước rửa tay cho những vị khách bước vào một nhà hàng ở ngoại ô Melville. "Tôi mệt mỏi với tất cả đợt bùng phát dịch và phong tỏa này”.

Giới chức Nam Phi chưa cho thấy dấu hiệu họ đang xem xét một lần đóng cửa khác. Song nhiều suy đoán cho rằng ông Ramaphosa có thể ra thông báo về việc này nhằm đối phó với Covid-19.

Lo ngại về nguy cơ của việc đóng cửa kinh tế, hiệp hội Nhà hàng Nam Phi đã viết thư cho ông Ramaphosa và cầu xin ông đừng làm điều đó.

“Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là tránh mọi mối đe dọa về việc đóng cửa trong lĩnh vực nhà hàng”, Giám đốc điều hành Wendy Alberts của hiệp hội nói với SABC News.

"Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ, tôi không nghĩ chúng tôi có đủ khả năng để trải qua một đợt phong tỏa cứng rắn khác. Tôi chỉ nghĩ rằng điều đó sẽ rất bất lợi cho nền kinh tế", đồng sáng lập của một công ty khởi nghiệp về bảo hiểm nói với CNN khi ăn trưa với bạn bè ở Johannesburg.

Mỗi đợt bùng phát đều chứng kiến một loạt hạn chế gây khó khăn, bao gồm cả lệnh cấm bán rượu - một vấn đề nhức nhối đối với một quốc gia có số lượng lớn những người yêu thích rượu.

Lần này, Hiệp hội Bia Nam Phi đã cố gắng yêu cầu một thẩm phán tuyên bố các lệnh cấm trước đó là "không hợp lý, không hợp lệ và nên được đặt sang một bên”.

Ndabenhle, 31 tuổi, nói rằng anh đang rất thận trọng trong khi vẫn tận hưởng kỳ nghỉ. "Tôi đang cố gắng giữ an toàn và thận trọng, nhưng đồng thời, cố gắng tận hưởng một chút niềm vui”, anh cho biết.

"Khoa học bị thuyết âm mưu lấn át"

Tỉnh Gauteng, bao gồm thành phố Johannesburg, dường như là tâm điểm của sự gia tăng các ca mắc Covid-19 và ca nhiễm biến chủng Omicron. Nhưng người dân thành phố vẫn thờ ơ trước việc này.

Một cuộc đột kích vào tối 3/12 của cảnh sát Johannesburg và giới chức thành phố đã phát hiện nhiều người vẫn tiệc tùng như bình thường ở nhiều khu vực của nội thành. Thị trưởng mới đắc cử Mpho Phalatse, một bác sĩ y khoa, đã cho biết bà "bối rối bởi mức độ vô luật" mà bà chứng kiến.

dich Covid-19 o Nam Phi anh 3

Nhiều người dân Nam Phi vẫn thờ ơ trước việc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: AP.

"Không một câu lạc bộ đêm nào mà chúng tôi ghé thăm sàng lọc khách hàng để phòng ngừa Covid-19, hoàn thành sổ ghi thông tin khách hàng, quản lý số lượng, đảm bảo thông gió cũng như các biện pháp phòng ngừa Covid-19 khác”, bà nói.

Mặc dù các cơ quan y tế cộng đồng đã khuyến khích người dân Nam Phi đi tiêm chủng, sự chần chừ vẫn tồn tại trong các bộ phận của xã hội.

Một số người vẫn không bị thuyết phục, bất chấp việc biến chủng Omicron đang khiến số ca nhiễm tăng cao trên toàn quốc. Nghiên cứu ban đầu cũng chỉ ra rằng biến chủng này mang đến khả năng tái nhiễm cao.

"Tôi nghĩ, trong 18 đến 24 tháng qua, thông tin sai lệch và thuyết âm mưu đã thắng, còn khoa học thì thua", Passmore Musungwa, bạn của anh Ndabenhle, nói với CNN.

Musungwa, một dược sĩ, đã tận mắt chứng kiến những làn sóng của đại dịch và tâm lý chống vaccine ngày càng tăng trong bệnh viện mà anh ấy làm việc.

"Điều đó chỉ cho các vị biết rằng chúng ta cần phải suy nghĩ lại về cách thực hiện tuyên truyền về khoa học”.

“Tôi nghĩ rằng mọi người hiện nay đều cảm thấy mệt mỏi với Covid-19 và biến chủng mới Omicron”, Kgali Molefe, 29 tuổi, nói với CNN. Cô mới chỉ tiêm vaccine gần đây để có thể đi thăm em gái của mình.

Kgali Molefe đã nổi giận với bạn bè hay người thân của mình khi họ gửi cho cô các bài báo khác nhau về lý do tại sao cô nên tiêm phòng.

"Tôi biết cách tự nghiên cứu... Tôi chỉ nghĩ rằng mọi người nên được đối xử công bằng về việc đưa ra quyết định mà họ muốn làm khi đã sẵn sàng”.

Công bố mới về biến chủng Omicron từ tâm dịch Nam Phi

Dữ liệu sơ bộ từ một bệnh viện lớn tại Nam Phi - tâm dịch Omicron của thế giới - cho thấy tuy số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, bệnh nhân không cần nhiều can thiệp y tế như trước.

Sự phân biệt đối xử về vaccine đã tạo ra lò ấp biến chủng Omicron

Việc biến chủng Omicron được phát hiện ở miền Nam châu Phi đã nêu bật lên thực tiễn là nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp có thể tạo điều kiện cho virus đột biến và lây lan.

Vân Đinh

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm