Genre: Hành Động, Kinh dị
Director: Dev Patel
Cast: Dev Patel, Sharlto Copley, Pitobash, Sobhita Dhulipala, Sikandar Kher, Vipin Sharma, Ashwini Kalsekar...
Rating: 7.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Ra rạp từ 5/4, Monkey Man thu hút sự chú ý vì biệt danh “John Wick phiên bản Ấn Độ”.
Ví von như vậy bởi người ta thấy hành trình của nam chính trong phim có nhiều điểm tương đồng với “sát thú bút chì” của Hollywood. Đó là sự cô độc, mất mát và cú sốc tâm lý dẫn đến hành trình trả thù cái ác. Tất nhiên, con đường báo thù chẳng dễ dàng khi phải đụng độ nhiều thế lực đáng gờm.
Phim cũng vì vậy mà đậm chất bạo lực, với nhiều cảnh giết chóc máu me, kinh dị.
Câu chuyện lớp lang
Monkey Man lấy cảm hứng từ truyền thuyết nổi tiếng trong văn hóa Ấn Độ - thần khỉ Hanuman - biểu tượng của sự thông thái, sức mạnh, lòng dũng cảm, tận tâm và trung thành. Qua đó, tác phẩm khám phá các chủ đề về công lý và quả báo qua lăng kính thần thoại, được tái hiện trong bối cảnh đương đại.
Chuyện phim xoay quanh Kid (Dev Patel thủ vai), một thanh niên bị chà đạp bởi xã hội phân hóa giàu nghèo ở Ấn Độ. Nhân vật phải kiếm kế sinh nhai bằng cách tham gia những giải đấu phi pháp trong thế giới ngầm. Sở dĩ gọi Kid là Monkey Man vì anh thường đeo chiếc mặt nạ hình khỉ mỗi khi thi đấu trên võ đài.
Song cũng nhờ đó, Kid tìm được cơ hội tiếp cận giới thượng lưu và thế lực cầm đầu thành phố. Từ đây, anh từng bước lên kế hoạch trả thù những kẻ đã gây ra bi kịch cho gia đình mình, quyết tâm đòi lại công lý bằng bạo lực.
Trên hành trình đầy chông gai này, nhân vật chính phải đi qua những thử thách ngày càng khó khăn, tương tự những gì thần Hanuman từng trải qua: báo thù, thất bại, rồi lại “tái sinh” và trở nên mạnh mẽ hơn.
Cũng vì thế, câu chuyện trả thù của Kid không đơn thuần là cơn thịnh nộ của giai cấp yếu thế trước những áp bức, cường quyền, mà còn là hành trình tâm linh phảng phất sự giác ngộ.
Monkey Man có kinh phí sản xuất 10 triệu USD. |
Monkey Man được xây dựng trên motif quen thuộc của dòng phim hành động báo thù.
Nửa đầu phim tập trung tái hiện đời sống nhân vật và hành trình lên kế hoạch, thực hiện rồi thất bại. Hồi sau chứng kiến sự trưởng thành, giác ngộ của nhân vật và cũng là thời điểm giải quyết toàn bộ ân oán phát sinh trước đó.
Xuôi theo hành trình của Monkey Man, bản chất xã hội và mặt tối của chính trị tại Ấn Độ lần lượt bị vạch trần. Hàng loạt chi tiết phản ánh sự phân hóa sâu sắc giai cấp, địa vị xã hội, cùng với đó là những bê bối nhơ nhớp của hệ thống cầm quyền được lột tả một cách trần trụi.
Đó cũng là những động lực thúc đẩy nhân vật chính dấn thân vào “con đường máu”. Nhờ yếu tố thông điệp này, câu chuyện Monkey Man dù dễ đoán, mang tính “công thức” nhưng vẫn có chiều sâu, lớp lang hơn hẳn những tác phẩm cùng thể loại.
Bên cạnh đó, lối dẫn chuyện của Dev Patel cũng cho thấy sự liên kết chặt chẽ với nội dung mà anh muốn truyền tải. Hai hồi đầu phim được kể lại song song giữa quá khứ và hiện tại, tập trung khắc họa tính cách nhân vật. Các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng và xã hội tác động không nhỏ tới tâm lý của Kid, khiến động lực của anh trở nên thuyết phục.
Hồi cuối phim có sự chuyển mình rõ rệt, cũng là khi Kid được “tái sinh”. Lúc này, hành trình của Monkey Man trở nên tuyến tính hơn. Chất hành động cũng đặc sệt, đẩy nhanh tiết tấu phim khi màn báo thù đẫm máu đi đến cao trào.
Yếu tố giải trí chưa quá ấn tượng
Với kịch bản lớp lang, lồng ghép nhiều thông điệp xã hội, chính trị hay tôn giáo, đứa con tinh thần của Dev Patel đôi lúc có phần khó tiếp cận so với một phim hành động thông thường. Đặc biệt ở nửa đầu tác phẩm, khi phần lớn thời lượng xoay quanh đời sống nhân vật, thiếu vắng những va chạm hay tình tiết gay cấn câu kéo sự chú ý của khán giả.
Bộ phim hành động đào sâu nhiều vấn đề xã hội tại Ấn Độ. |
Lúc này, Monkey Man tập trung khắc họa đời sống và kế hoạch hành động của Kid. Những mảng ký ức quá khứ xuất hiện chắp vá, hé lộ phần nào động cơ nhân vật. Màn chạm trán đầu tiên xuất hiện khá trễ, song lại kết thúc chóng vánh. Kéo theo đó là khoảng thời lượng dài khắc họa quá trình chuyển biến tâm lý.
Chính vì vậy, câu chuyện nửa đầu phim đủ ý nghĩa, lớp lang, nhưng lại thiếu đi chất kịch tính níu giữ sự chú ý của khán giả - gia vị cần thiết của mỗi dự án hành động. Chỉ khi bước sang nửa cuối phim, các yếu tố giải trí mới xuất hiện dày đặc, phần nào thỏa mãn những gì mà người xem mong chờ.
Tái sinh sau thất bại và trở nên mạnh mẽ hơn, Kid quăng mình vào “sào huyệt” của kẻ thù, tự tay giải quyết những kẻ đẩy gia đình anh vào cảnh bi kịch. Trên hành trình này, nhân vật còn nhận được sự giúp đỡ của những người cùng cảnh ngộ.
Đạo diễn thết đãi hàng loạt cú long-take mãn nhãn, khoe trọn những cảnh hành động, bạo lực nặng đô. Yếu tố hành động của Monkey Man có nhiều điểm tương đồng với John Wick, bám theo motif gã sát thủ đơn độc tả xung hữu đột giữa vòng vây phe địch. Loạt cảnh đánh đấm, giết chóc đầy máu me, khốc liệt thể hiện rõ chất kinh dị. Thậm chí, bộ phim của Dev Patel còn chứa nhiều cảnh kết liễu man rợ bằng súng, dao, hay kể cả là giày cao gót...
Trái ngược với nửa đầu, tiết tấu phim giai đoạn cuối trở nên dồn dập, gấp rút với nhiều cảnh hành động với cường độ cao. Dẫu vậy, sự bổ trợ của âm thanh và nhạc nền chỉ dừng lại ở mức ổn, chưa quá ấn tượng, đặc sắc như mong đợi.
Dàn diễn viên Monkey Man hóa thân tròn vai, để lại nhiều thiện cảm. |
Monkey Man đánh dấu lần đầu tiên Dev Patel đứng trên cương vị đạo diễn, đồng thời đóng chính, viết kịch bản và sản xuất. Nam diễn viên trước đó được cả thế giới biết đến với Triệu phú ổ chuột - tác phẩm thắng 8/10 đề cử Oscar.
Ở lần đầu cầm trịch một dự án điện ảnh, tài tử gốc Ấn dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng đã cho thấy sự tâm huyết trong từng khung hình. Bộ phim của anh đi sâu vào câu chuyện đen tối, pha trộn các chủ đề về sự trả thù, tín ngưỡng và đạo đức con người trong bối cảnh xã hội đương đại.
Cái hay của Monkey Man nằm ở sự pha trộn hài hòa giữa chất Hollywood và Bollywood, mang đến trải nghiệm xem có phần lạ lẫm với khán giả dù cho câu chuyện không quá khó đoán.
Với những sáng tạo riêng trong kịch bản cũng như phong cách dựng phim, Monkey Man được lòng phần đông giới phê bình, đạt số điểm cao 88% trên chuyên trang đánh giá Rotten Tomatoes.
Tác phẩm có doanh thu mở màn 12,6 triệu USD, một con số khả quan so với kinh phí sản xuất 10 triệu USD.
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.