Những con chữ ngoài trang sách được chia thành những bài ngắn theo các chủ đề cụ thể. Độc giả tiện theo dõi mà không bị nhàm chán khi đọc một tác phẩm về lĩnh vực tưởng như khô khan là xuất bản sách. Ảnh: Quỳnh My. |
Tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách của tác giả Trần Đình Ba được ấn hành bởi Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai (21/4/2022 - 21/4/2023).
Tác phẩm này là sự thu góp những gì tác giả đã tìm hiểu, đã đọc, đã viết về một quãng lịch sử ra đời, phát triển của nghề xuất bản sách ở Việt Nam, kể từ khi kỹ thuật in chữ rời bằng máy của phương Tây du nhập sang nước ta, cho đến tháng 8/1945.
Qua cuốn sách này, tác giả cung cấp những thông tin, tư liệu liên quan đến việc xuất bản, in và phát hành sách thời gian nửa cuối thế kỷ XIX đến năm 1945. Thời gian này tương ứng với sự du nhập kỹ thuật in chữ rời hiện đại của phương Tây du nhập vào nước ta thay cho kỹ thuật in mộc bản của tiền nhân.
Sách được chia làm ba phần. Trong đó Phần 1 và Phần 2 điểm về lịch sử hoạt động xuất bản ở Việt Nam từ xưa tới năm 1945 theo những chủ đề nhỏ sát hợp với đời sống xuất bản với hoạt động in ấn, văn thi sĩ làm xuất bản, hoạt động dịch thuật, các cách quảng cáo, phát hành, bán sách…
Ở bài viết “Độc đáo món quảng cáo”, sách cung cấp những thông tin thú vị khi dẫn chứng cho độc giả hiện nay biết được thời trước, nhiều cuốn sách quảng cáo các mặt hàng thuốc trị bệnh, sữa, tiệm cơm, ngân hàng. Thậm chí có sách Loạn Thái Nguyên số 2, xuất bản năm 1935 đã quảng cáo thuốc trị trứng cá ngay trên bìa 1.
Nhiều cuốn sách khác, đã quảng cáo ở bìa 4 và cả trong các trang nội dung của sách. Tác giả dẫn chứng hoạt động quảng cáo này thể hiện ở nhiều sách, trong đó sách Tòa đại hình án mạng vì tình của Huỳnh Mai, Nhà in Lưu Đức Phương thực hiện năm 1933, các trang nội dung đều quảng cáo cho dầu Đôn Huân với dòng chữ “Người Nam Việt nên dùng dầu Đôn Huân”, “Dầu nầy trị đặng bá chứng không thua gì các thứ dầu khác”.
Phần 3 tập trung vào những cá nhân gắn liền đời sống với sách vở và văn hóa đọc từ xưa đến 1945 với những tên tuổi của các vị vua, danh nhân văn hóa: Lê Thánh Tông, Minh Mạng, Lê Quý Đôn thời xưa và sau này là văn nhân thi sĩ Huy Cận, Thiếu Sơn…
Trang sách viết về quan điểm của nhà văn Thạch Lam đối với việc đọc sách trong tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách. Ảnh: K.T. |
Họ là những con người coi trọng sách, đọc nhiều cũng như có những quan điểm rõ ràng về tầm quan trọng của sách, của sự đọc, cho thấy tiền nhân nâng niu, quý trọng và sử dụng sách hữu dụng. Gương Lê Quý Đôn được biết tới là người đọc và nhớ nhiều sách, làm quan lớn “mà không khi nào tay rời quyển sách”.
Cũng ở phần này, nhiều châm ngôn về vai trò của sách và tầm quan trọng của việc đọc sách đã được những người có vị trí trong xã hội nhấn mạnh. Vua Minh Mạng thì cho rằng “xem sách rất có ích cho thần trí con người”. Còn nhà văn Thạch Lam nhận xét: “Sách là một khí cụ tốt nhất để gây nên một việc thay đổi trong xã hội”…
Theo chia sẻ của tác giả, tác phẩm này một phần từ những bài viết của tác giả đã đăng trên các báo, tạp chí: Thanh niên, Pháp luật bốn phương, Phụ nữ TP.HCM, Công giáo và Dân tộc, Pháp luật TP.HCM, Văn nghệ TP.HCM, Zingnews…