Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ bà con người Việt tại Hà Lan. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Tối 11/12 (giờ địa phương), sau lịch trình dày đặc trong ngày làm việc đầu tiên ở Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt tại Hà Lan.
Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh cho biết hai nước có mối quan hệ lâu đời trên 400 năm. Hà Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng để có thể chia sẻ, ví dụ, đều là nước ven biển, phải đối mặt với các thách thức từ thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt…
“Hà Lan luôn coi Việt Nam là đối tác được ưu tiên trong nhiều vấn đề, sự quan tâm của Hà Lan dành cho Việt Nam ngày càng tăng”, theo Đại sứ Phạm Việt Anh.
Khát vọng đưa hàng Việt Nam đến thị trường châu Âu
Chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, doanh nhân Phạm Văn Hiển (Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu LTP) xúc động khi nhắc lại những ngày bắt đầu khởi nghiệp ở Hà Lan. Xuất thân là du học sinh tại Pháp, song ông Hiển chọn Hà Lan để khởi nghiệp vì những thuận lợi trong kinh doanh, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu.
Công ty của nam doanh nhân được thành lập từ 2016 nhưng là đơn vị tiên phong trong việc nhập khẩu và phân phối những mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam đến châu Âu. LTP cũng là công ty đầu tiên đưa gạo, vải thiều, nhãn lồng Việt Nam sang thị trường châu Âu.
Doanh nhân Phạm Văn Hiển - Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu LTP. Ảnh: Đoàn Bắc. |
“Tháng 8/2021, lần đầu tiên một container vải thiều Lục Ngạn cập cảng Rotterdam sau 5 tuần lênh đênh trên biển với kết quả vượt ngoài mong đợi, trái vải vẫn giữ được màu sắc hấp dẫn, độ tươi ngon. Đây là tiền đề mở ra con đường xuất khẩu trái cây tươi từ Việt Nam, tạo ra chỗ đứng và vị thế của trái cây Việt trong tương lai gần”, ông Hiển kể lại câu chuyện đưa nông sản Việt Nam đến thị trường lớn và đầy tiềm năng ở châu Âu.
Doanh nhân này mong muốn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ Nhà nước, các bộ, ngành để công ty và các nhà xuất khẩu, nhà máy tại Việt Nam chung tay xuất khẩu hàng Việt Nam chất lượng cao đến từ thị trường Hà Lan và châu Âu.
Về quan hệ giữa người dân hai nước, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Bích Ngọc cho biết dù cách xa nhau hàng nghìn dặm và có sự khác biệt về văn hóa, từ lâu, người Hà Lan luôn dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam.
Theo bà, cộng đồng Hà Lan mang đầy đủ đặc điểm của cộng đồng người Việt trên thế giới, bà con luôn hướng về Tổ quốc, mỗi người âm thầm bằng cách riêng của mình đóng góp cho Tổ quốc.
Bà con người Việt ở Hà Lan vui mừng chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Bà Ngọc chia sẻ niềm tự hào khi đã truyền cảm hứng về tình yêu quê hương đất nước cho người chồng Hà Lan, để ông 2 lần được Chính phủ tặng kỷ niệm chương về những đóng góp cho Việt Nam.
“Tình yêu cội nguồn của bà con tạo nên cầu nối kinh tế giữa Việt Nam với Hà Lan, nhất là các lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh”, bà Ngọc nói.
Bà đề xuất Chính phủ nghiên cứu hình thức giảng dạy để các chương trình học tiếng Việt đến với bà con nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ mở các diễn đàn, kênh truyền thông để bà con kiều bào trên khắp thế giới kết nối thông tin, hợp tác hỗ trợ nhau.
Liên tục mở rộng thị trường, nâng cấp quan hệ với các nước
Lắng nghe ý kiến của bà con kiều bào, Thủ tướng vui mừng khi thấy người Việt ở quốc gia nào cũng thành công về kinh doanh, học tập, nghiên cứu.
“Điều này thể hiện bản chất của người Việt Nam luôn cần cù, khiêm tốn, chịu khó học hỏi. Dù sống xa quê hương, có nhiều khó khăn, bà con đã thành công”, Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc xây dựng và phát triển được đất nước được như ngày hôm nay là nhờ đại đoàn kết toàn dân. Điều ông muốn gửi gắm nhiều nhất tới kiều bào, cũng là mong bà con đoàn kết để cùng làm ăn, sinh sống, giúp đỡ nhau xây dựng cộng đồng vững mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Khái quát tình hình đất nước, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đi đâu cũng có vị thế riêng, quốc gia nào cũng tôn trọng, vì Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải để đi lên, chọn đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với mọi bên.
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập. “Chỉ có độc lập về kinh tế mới có thể chống chọi với cú sốc từ bên ngoài”, Thủ tướng nói.
Ông cũng gợi mở định hướng phát triển theo xu thế mới, đi vào chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển công nghệ thông tin và chống chọi, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng vui mừng thông báo với bà con khi 11 tháng qua, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3%, tăng trưởng 9 tháng là 8,83%. Ông kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 8% cả năm 2022.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh phải liên tục mở rộng thị trường, nâng cấp quan hệ với các nước vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Tinh thần hợp tác trong giai đoạn mới, theo Thủ tướng, là hai bên cùng có lợi. Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, quan hệ Hà Lan - Việt Nam ngày càng tốt đẹp. Hà Lan giữ vai trò quan trọng với Việt Nam khi đầu tư gần 14 tỷ USD vào Việt Nam.
Để gìn giữ mối quan hệ này, Thủ tướng mong bà con kiều bào góp sức củng cố quan hệ giữa hai đất nước, vì đây bà con kiều bào là cầu nối rất quan trọng trong hợp tác.
Về đề xuất của bà con, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao xem xét, nghiên cứu mở các diễn đàn về kinh doanh, nghiên cứu hay các lĩnh vực khác để kiều bào trên khắp thế giới kết nối, trao đổi.
Nhân chuyến thăm chính thức Hà Lan, chiều 11/12 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm trụ sở chính của Tòa trọng tài thường trực (PCA) và gặp tiến sĩ Marcin Czepelak, Tổng thư ký Tòa.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng vai trò của PCA trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế bằng thủ tục trọng tài, hòa giải quốc tế.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp quốc tế với các đối tác nước ngoài tại cơ quan trung gian, hòa giải và trọng tài quốc tế phù hợp luật pháp quốc tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.
Tổng thư ký Marcin Czepelak nhấn mạnh tôn chỉ của PCA cũng chính là định hướng Việt Nam đang theo đuổi, đó là “không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải”.