Doanh nhân U80 đứng sau thương vụ lớn nhất của Trung Quốc
Tỷ phú 71 tuổi Wan Long, Chủ tịch tập đoàn Shuanghui International đã chi tới 4,7 tỷ USD để mua tập đoàn Smithfield Foods của Mỹ, trong thương vụ thâu tóm lớn nhất của Trung Quốc ở nước ngoài.
Theo tạp chí Tài Kinh, Wan Long, một cựu quân nhân, đã bắt đầu đi lên từ năm 1985, khi các đồng nghiệp bầu ông làm giám đốc một lò mổ ở thị trấn Luohe, miền Trung Trung Quốc. Wan đã bắt đầu biến đổi hoạt động kinh doanh thịt lợn của ông bằng những thay đổi mang tính cách tân, ví dụ như có 3 đội làm thịt lợn hoạt động 24/24, vào tất cả mọi ngày trong năm. Kết quả là năm đầu tiên, công ty thu lợi 5 triệu NDT (1,7 triệu USD).
Công ty đã tăng trưởng nhanh trong khi liên tục mở rộng mô hình hoạt động. Đã có lúc công ty chia làm hai trước khi sáp nhập trở lại. Năm 2006, đội ngũ lãnh đạo công ty đã tư hữu hóa toàn bộ cổ phần của công ty, sử dụng tiền từ các nhà đầu tư như Goldman Sachs và Temasek Holdings.
Ông Wan Long, lãnh đạo Shuanghui. |
Hiện công ty được điều khiển thông qua tập đoàn Shuanghui International có trụ sở ở Hong Kong, trong đó Wan là chủ tịch. Công ty Shuanghui Investment & Development có doanh số thường niên hơn 50 tỷ NDT (8 tỷ USD) và hơn 60.000 người lao động.
Người Trung Quốc tiêu thụ hơn nửa số thịt lợn của thế giới. Điều đó lý giải vì sao Shuanghui muốn mua một công ty sản xuất thịt lợn ở Mỹ. Một nguyên nhân nữa cũng bởi người Trung Quốc ngày càng mua nhiều thịt đã qua chế biến và thịt đóng gói.
Về phía người Mỹ, giới quan sát cho rằng thương vụ này mang tới cho họ nhiều lợi ích. Không giống các công ty phương Tây, vốn thường sa thải nhân công sau khi sáp nhập, các công ty Trung Quốc lại giữ người làm. Họ thậm chí còn tuyển dụng nhiều hơn nhằm tận dụng kỹ năng, kinh nghiệm của người bản địa để hỗ trợ sự phát triển của mình. Một ví dụ điển hình là công ty Volvo của Thụy Điển đã tăng số người làm sau khi được nhà sản xuất xe hơi Geely Holding của Trung Quốc mua lại hồi năm 2010.
Với số tiền 4,7 tỷ USD, đây đã là thương vụ mua lại một công ty nước ngoài lớn nhất do một công ty Trung Quốc thực hiện. Thương vụ đã được ban điều hành Smithfield ủng hộ, nhưng vẫn còn phải chờ sự phê chuẩn từ các cổ đông của công ty và cơ quan điều hành của Mỹ. "Chúng tôi bị Smithfield hấp dẫn vì đội ngũ quản lý mạnh, thương hiệu tốt và mô hình phát triển đi lên", Wan nói trong thông báo về ý định mua lại doanh nghiệp của ông. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Grassley nói rằng việc người Trung Quốc mua một công ty chế biến thịt lớn là vấn đề "hơi gây quan ngại".
Thực tế ngoài Shuanghui, nhiều công ty Trung Quốc đang đổ tiền đầu tư ra nước ngoài. Cách đây không lâu, công ty Điện lực Nhà nước Trung Quốc đã thông báo việc đầu tư vào nhiều công ty điện ở Australia. Trung Quốc cũng mở rộng đầu tư vào việc sản xuất phim. Cần biết rằng chủ sở hữu mới của chuỗi rạp chiếu phim AMC của Mỹ là Wanda, một công ty Trung Quốc.
Hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc cần sự cho phép của chính quyền bởi nhà nước vẫn kiểm soát dòng vốn đi ra khỏi biên giới. Nhưng kiểm soát chẳng là vấn đề gì to tát nếu họ đầu tư vào các lĩnh vực được chính quyền ủng hộ như thực phẩm, công nghệ, khoáng sản... Nói một cách khác, nếu đầu tư ngoài các lĩnh vực chính quyền không cho phép, họ sẽ không được ủng hộ.
Việc chính quyền khuyến khích các công ty trong nước đầu tư ra ngoài nằm trong chiến lược “Hướng ra toàn cầu”, được triển khai hồi năm 2000. Mục tiêu là tạo ra các công ty đa quốc gia, ưu tiên các lĩnh vực quan trọng nhằm hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Có một cách để dễ dàng tạo ra các công ty đa quốc gia là mua lại những công ty đã có, đặc biệt là các thương hiệu được tín nhiệm. Các công ty Trung Quốc thích những thương vụ như thế bởi thương hiệu sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho họ.
Việc Lenovo mua lại đơn vị kinh doanh máy tính cá nhân IBM và sử dụng thương hiệu IBM trong 5 năm là ví dụ rõ nhất. Tất cả đều nằm trong một tính toán nhằm khiến Lenovo trở thành cái tên được toàn cầu biết tới về chất lượng. Và không nơi đâu tầm quan trọng của thương hiệu và chất lượng lại rõ như trong lĩnh vực thực phẩm. Danh tiếng của Shuanghui từng bị tổn hại khi công ty bị phát hiện sử dụng hóa chất cấm clenbuterol - một hóa chất độc hại nhưng làm thịt lợn nhiều nạc hơn, trong các sản phẩm thịt lợn của mình. Vì lẽ đó, không khó hiểu khi thấy công ty này quyết tâm mua lại Smithfield, vốn nổi tiếng vì chất lượng cao.
Theo Thể thao Văn hóa