Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nhân tặng bộ đội vườn cao su 170 tỷ nóng nhất tuần

Vợ ông chủ Đại Nam tặng bộ đội vườn cao su 170 tỷ đồng, ứng xử của thương hiệu Tiger vụ hội bia, thưởng tết bằng 10 bịch giấy vệ sinh…là những thông tin làm nóng thị trường tuần qua.

Vợ ông Dũng 'lò vôi' tặng Trường Sa vườn cao su 170 tỷ

Ngày 8/12, bà Nguyễn Phương Hằng (Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Đại Nam, tỉnh Bình Dương - vợ ông Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch Đại Nam còn gọi là Dũng "lò vôi") cho biết, ngay khi cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có kết luận điều tra vụ chiếm đoạt 500 ha caosu ở hai xã Lộc Thịnh, Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, trong đó bà Hằng sở hữu 3,623ha, bà đã quyết định hiến tặng toàn bộ vườn cao su, trị giá khoảng 170 tỷ đồng cho bộ đội Trường Sa. Đây là tấm lòng bà gửi đến những chiến sĩ Trường Sa đang ngày đêm không ngại gian khổ để bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

Thắng kiện chồng cũ, vợ ông chủ Đại Nam tặng bộ đội Trường Sa toàn bộ vườn cao su có giá 170 tỷ đồng.

Nguồn gốc số tài sản hiến tặng này bà Hằng sở hữu sau khi chia tay với chồng cũ. Sau khi chia tay, diện tích vườn cao su của bà Hằng bị chồng cũ giả mạo chữ ký, làm hồ sơ giả để chiếm đoạt. Phát hiện điều này, bà làm đơn tố cáo gửi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, và sau đó Giám đốc công ty Đông Nam Long, tức chồng cũ bà Hằng bị bắt về tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Những kiểu kinh doanh chóng tàn ở Sài Gòn

Như một trào lưu, từ năm 2012 đến đầu năm 2013, hàng loạt món ăn rầm rộ mọc khắp Sài Gòn, như nướng xiên que, trà tranh chém gió, chè khúc bạch, bún đậu mắm tôm, phô mai que,... đua nhau mọc lên ở Sài Gòn. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng nườm nượp khách, từ giữa năm 2013, các hàng quán kinh doanh loại hình này lần lượt đóng cửa vì vắng khách, kinh doanh thua lỗ.

Bún đậu mắm tôm, một trong những "món" kinh doanh nhanh chóng mất tích sau thời gian phát triển rầm rộ.

Giải thích cho sự chóng tàn của những món ăn một thời được giới trẻ háo hức này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, vì những món ăn này chỉ là trào lưu, không phải là nét văn hóa đặc biệt, lâu đời, mà trào lưu thì thường đến nhanh rồi đi cũng nhanh. Hơn nữa, cơn sốt thời gian qua chủ yếu vì mọi người tò mò, muốn đi thử cho biết và thực chất nó đã không đủ hấp dẫn để lôi kéo khách đến thưởng thức thường xuyên. Theo vị này, nhiều người cứ thấy lợi nhuận cao, vốn đầu tư thấp, mô hình đơn giản là đổ xô vào làm, nhưng không biết rằng, để kinh doanh bền vững phải luôn tạo ra cái mới, độc đáo, có bí quyết riêng, và đặc biệt phải nghiên cứu, phân tích kỹ liệu nó có mang lại nguồn thu ổn định, lâu dài.

Bia Tiger được lòng người sau vụ hôi bia dậy sóng

Sau 10 ngày kể từ khi vụ hôi bia ở Đồng Nai xảy ra, ngày 14/12, thương hiệu Tiger đã chính thức lên tiếng, thông báo tài xế Hồ Kim Hậu không phải bồi thường gần 300 triệu thiệt hại xảy ra từ tai nạn ngày 4/12.

Cách xử lý khôn ngoan của bia Tiger sau 10 ngày vụ hôi bia diễn ra đã giúp nhãn hàng này ghi điểm với người tiêu dùng.

Ngay sau khi Công ty TNHH Nhà Máy Bia Việt Nam (đơn vị sản xuất bia Tiger) phát thông cáo này, cư dân mạng đã đồng loạt đăng status ủng hộ. Trên trang cá nhân của mình, bạn Đức Phong sau khi gửi lời chúc mừng vợ chồng anh tài xế Hậu còn chia sẻ thêm: “Nhãn hàng Tiger làm như vậy có vẻ hơn muộn, nhưng dù sao cũng được lòng cho người dân và các khách hàng đã và đang sử dụng sản phẩm này".

Còn nickname có tên Nguyễn Tâm viết trên trang cá nhân, gọi bia Tiger là "bia tình người", và nhận xét "không thể không uống". Nhiều cư dân mạng cũng có bình luận tương tự, với thông tin: "Tết này sẽ uống Tiger ủng hộ". Nhiều bạn đọc khác cũng nhận định việc Tiger ra thông cáo “xóa nợ” cho anh Hậu là kịp thời và đem lại hiệu ứng quảng bá lớn hơn nhiều so với con số gần 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, giới phân tích thì cho rằng, động thái của Tiger rất khôn ngoan, nhất là trong xây dựng hình ảnh thương hiệu. Ông Nguyễn Văn Đạt - Giám đốc Công ty truyền thông NEO bình luận: "Kịch bản công bố hỗ trợ của Tiger tương tự như phim Hollywood: Lúc trời đen tối nhất là thời điểm chuẩn bị bình minh. Khi câu chuyện về nỗi khốn cùng của anh Hồ Kim Hậu lên tới đỉnh điểm thì 'người hùng' xuất hiện. Nếu xét về hiệu quả truyền thông, thương hiệu bia đã chọn thời điểm thích hợp để cho thấy lòng tốt của mình. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một góc độ khác thì việc nuôi dưỡng câu chuyện bi kịch với tài xế Hồ Kim Hậu chưa hẳn là điều hay".

Chuyên gia về marketing này phân tích, giá thành thực tế mà bia Tiger phải bỏ ra cho số bia bị lấy đi rất thấp (chỉ vài chục triệu đồng). Với một thương hiệu phải chi hàng năm nhiều triệu USD cho marketing thì đó là khoản tiền quá nhỏ. Việc "xóa nợ" cho tài xế Hồ Kim Hậu thực chất không phải là vấn đề mà như thế nào mới quan trọng. "Ở đây có thể thương hiệu bia đã tính toán đến hiệu quả truyền thông", ông Đạt nói.

Thưởng Tết bằng gạch, giấy vệ sinh

Kinh doanh khó khăn, đang không biết phải xoay sở ra sao để lo lương, thưởng cho nhân viên khi Tết đến gần, đột nhiên anh D. - Giám đốc công ty TNHH Truyền thông T.V (Hà Nội) - nhớ đến 30 thùng giấy vệ sinh đang chất đầy một góc phòng. Đó là quà tặng của một công ty chuyên sản xuất giấy vệ sinh, cũng là đối tác quảng cáo của công ty anh D. từ năm ngoái.

Ý định thưởng Tết cho nhân viên bằng giấy vệ sinh đúng là "có một không hai".

Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu anh D... "Đúng là thưởng bằng giấy vệ sinh cũng kỳ, nhưng thực ra giấy vệ sinh thì nhà nhà, người người đều cần đến. Đây cũng là loại giấy tốt, tôi đã tham khảo ngoài thị trường, có giá đến hơn 30.000 đồng/ dây 10 cuộn. Nếu chia đều cho nhân viên ở công ty thì mỗi người sẽ được 10 dây, tương đương với 300.000 đồng. Đây vừa là giải pháp giúp đỡ công ty mà nhân viên cũng vẫn có thưởng. Thôi thì thời buổi khó khăn, thà có một tí cho anh em đỡ tủi còn hơn là không có gì!" - anh D. cho biết...

Thưởng Tết bằng giấy vệ sinh tưởng chừng đã "có một không hai", nhưng kế hoạch thưởng Tết cho nhân viên bằng 1.000 viên gạch men lát nền như tại Công ty vật liệu xây dựng N.D (trụ sở tại đường Lương Ngọc Quyến - TP. Thái Nguyên) cũng độc đáo chẳng kém. Ông L.T, giám đốc công ty cho biết, năm nay hàng tồn chất đầy kho. Trong số những lô hàng tồn, nhiều nhất vẫn là hàng gạch men lát nền. "Mua về nhiều nhưng chẳng bán được bao nhiêu, nên năm nay tôi tính không thưởng Tết cho nhân viên bằng tiền mặt nữa mà cứ quy ra gạch. Mỗi người 200 viên, tương đương với hơn 2 triệu, mang về để dành sau này xây nhà thì dùng hoặc thích bán, thích tặng cho ai cũng được" - ông T nói.

Săn cây độc, gà cồ tiền triệu đón Tết

Xuất phát từ ý tưởng mâm ngũ quả bày lên ban thờ tổ tiên ngày Tết, ông Lê Đức Giáp ở thôn Bãi, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội đã mày mò sáng tạo nên một cây có 5 loại quả khác nhau. Đó là các loại quả phật thủ, bưởi, quýt, cam, quất. Điều đặc biệt, năm nay ông còn ghép thêm chanh đào, bưởi đỏ “hô biến” thành cây “thất quả”.

Cây 7 loại quả với giá cả chục triệu đồng vẫn được nhiều người săn mua chơi Tết.

Hiện hơn 100 gốc cây ngũ quả của ông Giáp đã bắt đầu có khách đặt mua Tết. Cây đắt nhất có giá hai mươi triệu đồng, thấp nhất là hai triệu đồng. Ông Giáp cho biết, trong vườn hiện có hơn 100 gốc cây ngũ quả nhưng đã có 30 gốc có khách đã đến tận vườn để đặt hàng.

Cùng với cây thất quả giá cả chục triệu, gà Đông Tảo cũng đang trở thành một xu hướng chơi sang, thể hiện đẳng cấp của những đại gia chịu chơi bỏ tiền mua về làm cỗ vui xuân. Năm nay, loại gà 9 cựa giá hàng chục triệu/con, gà Móng 'Sách đỏ'- giống gà cổ thuần chủng, chân to, có thân hình giống gà Hồ (Bắc Giang), chất lượng thịt ngon như gà Đông Tảo cũng được nhiều người lùng mua làm cổ đón Tết.

H.L

Bạn có thể quan tâm