Sau khi dữ liệu của hồ sơ Panama được công khai rộng rãi, báo South China Morning Post cho biết cá nhân và công ty từ đảo Hong Kong và đại lục chiếm số lượng đông nhất, chiếm khoảng một phần tư chủ thể toàn cầu, đã lập ra hơn 366.000 công ty bình phong ở nước ngoài (offshore) với mục đích có thể nhằm che giấu tài sản.
Nhóm các nhà báo điều tra vụ hồ sơ Panama hôm qua đã công khai thông tin của gần 214.000 công ty bình phong. Riêng Hong Kong đã có 26.000 cá nhân và công ty xuất hiện tên trong đợt này, tức chiếm khoảng 10%. Trong khi đó, toàn Trung Quốc đại lục có 33.300 nhân vật và tổ chức, đảo Đài Loan là 19.600.
Phần lớn những người và doanh nghiệp Trung Quốc bị công khai thông tin trong hồ sơ Panama lần này được cho là chưa từng mở công ty vỏ bọc ở nước ngoài, qua sự quản lý của công ty luật Mossack Fonseca.
Một số doanh nhân và chính trị gia nổi tiếng ở Hong Kong được công bố tên trong hồ sơ Panama. Ảnh: SCMP |
Các công ty bình phong có dính líu đến các chính trị gia, doanh nhân và người nổi tiếng ở Hong Kong đều đã được báo chí địa phương đăng tải thông tin sau khi dữ liệu được công bố.
Bình luận về quy mô liên quan của thành phố 7 triệu dân trong vụ bê bối thuế chấn động thế giới, nghị sĩ Kenneth Leung của Hong Kong thốt lên "kinh hoàng", đồng thời thúc giục cơ quan thuế sở tại quyết liệt làm rõ vụ việc. "Hong Kong cần học tập Pháp và Ấn Độ, thành lập những nhóm điều tra đặc biệt sau khi những vụ tương tự về thuế được công bố trong quá khứ", Leung nói.
Các công ty bình phong được lập ra có thể giúp người giàu né thuế và trong một số trường hợp là rửa tiền. Nhiều công ty được đề cập có liên quan đến thân tín của các chính trị gia và người nổi tiếng trên thế giới.
Tuy nhiên, việc sử dụng công ty nước ngoài không hoàn toàn là hành vi phạm tội và một số có mục đích hợp pháp. Đồng thời việc xuất hiện trong danh sách này cũng không đồng nghĩa với việc những công ty này và các đại diện pháp lý đã có hành vi vi phạm quy định của luật pháp các nước.
Tại Trung Quốc, người dân khó có thể tiếp cận với các thông tin về hồ sơ Panama vì nó bị chặn trên Internet trong khi truyền thông nhà nước hạn chế đề cập. Trong bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn Cầu, hôm 5/4, tác giả đã cáo buộc truyền thông phương Tây, sử dụng các tài liệu bị rò rỉ để tấn công chính trị các nước không thuộc phương Tây.
"Hồ sơ Panama" được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới. Theo đó, ngày 3/4/2016, khoảng 11,5 triệu tài liệu, trong đó có 4,8 triệu email, 2,5 triệu bộ hồ sơ với dung lượng 2,6 terabyte từ năm 1977 đến cuối 2015 của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới.